Cuộc đời bi kịch của nữ ca sĩ vừa qua đời ở tuổi 87: Bị đưa vào viện tâm thần 17 lần, trải qua 4 đời chồng
Nữ ca sĩ qua đời trong sự tiếc nuối của đông đảo khán giả.
Connie Francis - giọng ca vàng của những năm 1950-1960 với hàng loạt bản hit vượt thời gian đã qua đời ở tuổi 87. Thông tin được người bạn thân kiêm chủ tịch hãng thu âm Concetta Records là ông Ron Roberts, xác nhận vào sáng 17/7 trên Facebook. "Tôi vô cùng đau buồn và tiếc thương khi phải thông báo với các bạn về sự ra đi của người bạn thân yêu của tôi, Connie Francis, vào đêm qua", Ron Roberts viết. Thông báo sau đó cũng được chia sẻ trên trang Facebook chính thức của nữ ca sĩ gạo cội.
Hai tuần trước, Connie Francis từng tiết lộ bà phải nhập viện vì "cơn đau dữ dội" và đang trải qua các xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Dù có thời điểm cho biết cảm thấy khỏe hơn, cuối cùng sức khỏe của bà không thể qua khỏi.

Sinh năm 1937 tại Newark, New Jersey, với tên khai sinh Concetta Franconero, Connie Francis được cha khuyến khích theo đuổi nghệ thuật từ nhỏ. Bà xuất hiện trên truyền hình từ khi còn bé, chơi đàn accordion và hát trong các cuộc thi tài năng. Năm 1955, Francis ký hợp đồng với MGM Records, nhưng phải đến ca khúc Who's Sorry Now? - bản nhạc năm 1923 do chính cha bà gợi ý thì tên tuổi của Francis mới thực sự bùng nổ. Ca khúc ban đầu không được chú ý cho đến khi được phát trên chương trình "American Bandstand" của Dick Clark vào năm 1958, giúp Francis vươn lên trở thành hiện tượng âm nhạc toàn quốc. Bà trở thành nữ nghệ sĩ solo đầu tiên có ca khúc đạt No.1 tại Billboard HOT 100 với Everybody's Somebody's Fool (1960).
Sự nghiệp của Francis thăng hoa với chuỗi hit liên tiếp như My Heart Has A Mind Of Its Own, Lipstick on Your Collar, Don't Break The Heart That Loves You và album Connie Francis Sings Italian Favorites - một trong những đĩa nhạc bán chạy nhất của bà. Với chiến lược thông minh là thu âm ca khúc bằng nhiều thứ tiếng, Connie Francis còn thành công ở cả thị trường quốc tế. Bà cũng góp mặt trong một số bộ phim tuổi teen thập niên 1960 như "Where the Boys Are" (1960), bên cạnh diễn viên George Hamilton.

Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1960, sự nghiệp âm nhạc của Francis dần nhạt nhòa trước những đổi thay của thị hiếu khán giả. Những năm sau đó, bà trải qua hàng loạt bi kịch: bị cưỡng hiếp năm 1974 trong một khách sạn ở Long Island, mất giọng tạm thời vì phẫu thuật mũi năm 1977. Connie Francis cũng phải chiến đấu với bệnh rối loạn tâm thần và từng bị đưa vào viện tâm thần 17 lần trong vòng 9 năm. Dù vậy, bà vẫn không từ bỏ hy vọng. Năm 1984, bà phát hành hồi ký "Who's Sorry Now?", hé lộ những tổn thương sâu sắc trong cuộc đời mình. Hơn ba thập kỷ sau, bà tiếp tục kể lại hành trình ấy trong cuốn "Among My Souvenirs" (2017).
Bà từng chia sẻ: "Tôi hy vọng được nhớ đến không phải vì những đỉnh cao tôi đã đạt được, mà là vì những vực sâu mà tôi đã trải qua… Tôi hy vọng mình đã làm tốt".
Ở tuổi xế chiều, Connie Francis bất ngờ trở lại tâm điểm chú ý khi ca khúc Pretty Little Baby (1962) lan truyền mạnh mẽ trên TikTok, hơn 60 năm sau ngày phát hành. Trong một cuộc phỏng vấn cuối đời, bà thậm chí thừa nhận không còn nhớ rõ về bài hát - một minh chứng cho thời gian và những thăng trầm đã đi qua.

Connie Francis từng có mối tình sâu đậm với ca sĩ Bobby Darin, người mà bà gọi là "tình yêu của đời mình" nhưng bị cha bà cấm cản. "Cuộc sống cá nhân của tôi là một sự hối tiếc từ A đến Z", bà nói với tạp chí PEOPLE năm 1984. Bà kết hôn bốn lần, nhận nuôi một con trai và sống lặng lẽ những năm cuối đời. Trong mọi giai đoạn, Connie Francis luôn giữ một tinh thần lạc quan đáng kinh ngạc: "Tôi cố nhìn thấy sự hài hước trong mọi thứ, ngay cả khi tôi đang ở trong viện tâm thần".
Connie Francis ra đi, nhưng âm nhạc và câu chuyện cuộc đời bà với tất cả vinh quang, bi kịch và nghị lực sẽ còn sống mãi trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả.
