Cuộc chiến khí đốt sắp khai hỏa của ông Trump

Nhiệm kỳ hai của ông Trump sẽ tiếp tục được định hình bởi các cuộc chiến thương mại. Lần này cuộc chiến khí đốt sẽ căng thẳng.

Ngay cả những người ủng hộ thương mại tự do nhiệt thành nhất cũng không lường được viễn cảnh ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 tới. Tuy nhiên, một điều họ có thể chắc chắn là cuộc chiến khí đốt nhiều khả năng sắp bắt đầu.

Quyết biến Mỹ thành siêu cường dầu khí

Nhờ sự đột phá về công nghệ và việc dỡ bỏ các lệnh cấm, Mỹ đã trở thành siêu cường dầu khí trên thế giới - một sự phát triển đã biến đổi thị trường năng lượng toàn cầu.

Hành trình vươn lên của Mỹ bắt đầu từ năm 2015, khi Quốc hội nước này dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã thực hiện trong 40 năm, mở đường để Mỹ bỏ xa các nước dầu mỏ như Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hay Kuwait. Đặc biệt, sau thời điểm này, Washington đẩy mạnh hoạt động vận chuyển và hóa lỏng khí thiên nhiên (LNG).

Đến năm ngoái, lượng LNG được Mỹ bán ra nước ngoài nhiều gấp 4 lần so với năm 2015 và nước này cũng trở thành nơi dẫn đầu thế giới trong hoạt động xuất khẩu LNG. Vì LNG không cần đường ống để vận chuyển nên nó có thể được bán trên toàn thế giới. Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang, Mỹ xuất khẩu trung bình 337 triệu m3/ngày, tăng 12% so với năm 2022.

Sự bùng nổ trong khai thác, xuất khẩu dầu lẫn khí đốt đã gây khó khăn cho cựu Tổng thống Joe Biden, bởi ông từng nhấn mạnh khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa và cam kết "không khoan dầu trên đất Mỹ". Nên, từ tháng 1/2024, ông đã ra lệnh dừng cấp phép đăng ký mới cho hoạt động xuất khẩu LNG, gồm cả đơn đang chờ duyệt.

Lượng giấy phép khai thác dầu khí do Mỹ cấp qua các nhiệm kỳ tổng thống. Đồ họa: Guardian

Lượng giấy phép khai thác dầu khí do Mỹ cấp qua các nhiệm kỳ tổng thống. Đồ họa: Guardian

Tuy nhiên, quyết định trên sẽ sớm bị ông Trump đảo ngược, như đã cam kết trong khi tranh cử. Hiện, nhóm chuyển giao của Tổng thống Mỹ đắc cử đang xây dựng một kế hoạch năng lượng mới để triển khai trong vài ngày sau lễ nhậm chức. Trong đó, ưu tiên ban đầu là dỡ bỏ lệnh dừng cấp phép xuất khẩu LNG và nhanh chóng phê duyệt các đơn chờ xử lý.

Cụ thể, ông Trump đã hứa sẽ chấm dứt lệnh tạm dừng cấp phép ngay "ngày đầu trở lại". Điều đó có thể được thực hiện dưới hình thức một sắc lệnh hành pháp chỉ đạo Bộ Năng lượng tiếp tục xem xét các đơn xin xuất khẩu LNG sang các nước châu Á quan trọng và các nước khác không phải đối tác thương mại tự do với Mỹ.

Mục tiêu trong kế hoạch bảo hộ

Theo tờ Foreign Policy, ông Trump thực tế đã tham gia vào các cuộc thương chiến trong tương lai trước khi nhậm chức và đề xuất đánh thuế nhập khẩu cao với tất cả sản phẩm từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ đã cho thấy trước cách tiếp cận của ông với nền kinh tế.

Nói cách khác, vị tổng thống đắc cử đang cho thấy nhiệm kỳ hai cũng sẽ giống nhiệm kỳ đầu, vốn được định hình bởi các cuộc chiến kinh tế lẫn ngoại giao với cả đồng minh và đối thủ.

Vì Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, nên điều này đã tạo ra thâm hụt thương mại. Không phải tất cả chuyên gia kinh tế đều cho rằng thâm hụt thương mại là xấu, nhưng ông Trump đã chỉ trích điều này trong nhiều năm, và thuế là công cụ ưa thích của ông để giải quyết vấn đề này.

Hiện nay, hầu hết LNG xuất khẩu của Mỹ đi tới các nền kinh tế có thặng dư thương mại với nước này, khiến LNG nhiều khả năng sẽ là mục tiêu trong kế hoạch bảo hộ sắp tới của tổng thống.

Ví dụ, Hàn Quốc mua 6% LNG xuất khẩu của Mỹ, trong khi Nhật Bản mua 7%. Trung Quốc - điểm đến của 4% LNG Mỹ vào năm ngoái, đã triển khai thuế với hàng xuất khẩu năng lượng Mỹ như một phần của mức thuế trả đũa mà hai nước áp lên nhau vào năm 2018 và 2019.

LNG nhiều khả năng sẽ là mục tiêu trong kế hoạch bảo hộ sắp tới của vị tổng thống đắc cử

LNG nhiều khả năng sẽ là mục tiêu trong kế hoạch bảo hộ sắp tới của vị tổng thống đắc cử

Dù vậy, lần này, chiến trường rõ ràng sẽ là châu Âu. Hơn một nửa LNG được Mỹ xuất sang Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái, tăng mạnh so với mức chưa đến 25% năm 2021. Tỷ lệ xuất khẩu của Mỹ sang EU tăng nhanh sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ vào năm 2022, khiến dòng năng lượng của Nga bị cắt giảm.

Xét về vị thế, Mỹ đang ở "cơ trên" khi bước vào cuộc chiến khí đốt. Lý do vì ký ức của châu Âu về đợt tăng giá năng lượng năm 2022 và mong muốn của các nhà hoạch định chính sách là giảm lượng nhập LNG từ Nga - yếu tố kìm hãm việc triển khai đường lối cứng rắn với ông Trump. Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen còn gợi ý rằng EU có thể mua thêm LNG từ Mỹ với hy vọng tránh được thuế.

Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi trong nhiệm kỳ của ông Trump, khi làn sóng cung cấp LNG mới và lớn nhất từ trước đến nay, được dự báo tấn công thị trường toàn cầu từ năm 2025 đến 2028. Ngoài các cơ sở xuất khẩu mới ở Mỹ, nhiều nơi khác sẽ được mở tại Canada, Qatar và khắp châu Phi. Do đó, những nhà cung cấp mới sẽ mở đường đáng kể cho các đối tác thương mại của Mỹ trong việc đe dọa và triển khai thuế trả đũa.

Đồng thời, nhu cầu khí đốt của châu Âu có thể sẽ giảm. Theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, nhu cầu sẽ giảm 11% từ năm 2023 đến 2030, một phần do tiến trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo. Do đó, hãng nghiên cứu Capital Economics dự báo giá khí thiên nhiên châu Âu sẽ giảm từ khoảng 45 EUR (47 USD)/MWh xuống gần 25 EUR vào cuối năm 2026.

Nếu giá khí đốt giảm và Mỹ bị ảnh hưởng bởi thuế của châu Âu, các nhà cung cấp của Mỹ sẽ phải vật lộn để tìm người mua mới. Một số khu vực của thế giới đang phát triển như Ấn Độ, có thể trở thành người mua. Nhưng Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính rằng mức giá 14 USD/MWh - khoảng một nửa giá cần thiết để các khoản đầu tư gần đây có lãi, sẽ là cần thiết để LNG cạnh tranh được với than.

Nếu dự báo về tình trạng dư thừa khí đốt là đúng, các cuộc thương chiến sắp tới sẽ làm nản lòng một ngành xuất khẩu đầy triển vọng. Nếu điều này xảy ra, chúng sẽ làm phiền một số người ủng hộ nồng nhiệt nhất của ông Trump.

Khởi Vũ

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/cuoc-chien-khi-dot-sap-khai-hoa-cua-ong-trump-314858.html
Zalo