Cuộc chiến chống vàng lậu ở vùng biên – Kỳ 2: Những bàn tay ẩn mình sau đường dây vàng lậu

Ẩn sau những thỏi vàng lặng lẽ vượt biên là cả một mạng lưới tinh vi với những 'bàn tay' không lộ diện. Từ các điểm nóng biên giới đến sàn giao dịch ngầm giữa lòng thành phố, đường dây vàng lậu không chỉ thách thức pháp luật mà còn để lại nhiều dấu hỏi về những kẻ đứng sau giật dây.

Dù lực lượng chức năng liên tục phát hiện và triệt phá các vụ buôn lậu vàng với quy mô ngày càng lớn, tình trạng vận chuyển trái phép vàng qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Những vụ sau không chỉ tăng về số lượng vàng thu giữ mà còn cho thấy sự tinh vi trong thủ đoạn tổ chức, cho thấy "cơn sốt vàng lậu" chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cửa ngõ vàng lậu chưa khép

Tây Ninh với hơn 240 km đường biên giáp 3 tỉnh của Campuchia, có tới 3 cửa khẩu quốc tế, nhiều cửa khẩu phụ và hàng chục đường mòn, lối mở đã trở thành một trong những điểm trung chuyển vàng lậu lớn nhất ở khu vực phía Nam.

Tang vật được PC03 Công an tỉnh Tây Ninh thu giữ trong một vụ án buôn lậu vàng tại khu vực ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây NInh cũ. (Ảnh: CACC).

Tang vật được PC03 Công an tỉnh Tây Ninh thu giữ trong một vụ án buôn lậu vàng tại khu vực ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây NInh cũ. (Ảnh: CACC).

Lợi dụng giá vàng trong nước cao hơn Campuchia từ 14–16 triệu đồng/lượng, các đối tượng hình thành nhiều đường dây buôn lậu quy mô, liên kết từ bên kia biên giới tới các thành phố lớn trong nội địa.

Mới đây, khoảng 18h50 ngày 15/6, tại khu vực đường mòn cách biên giới chưa phân định khoảng 100m thuộc xã Biên Giới (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cũ), Tổ công tác của Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã phát hiện 2 đối tượng từ hướng Campuchia xâm nhập nội địa.

Khi bị phát hiện, cả hai nhanh chóng bỏ chạy về phía bên kia biên giới, để lại tại hiện trường 18 miếng kim loại màu vàng, tổng trọng lượng khoảng 18 kg vàng 9999, trị giá ước tính hơn 50 tỷ đồng.

Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, đây là vụ vận chuyển vàng có quy mô lớn trong nhiều năm trở lại đây tại khu vực Tây Ninh. Vàng được đúc sẵn thành miếng, hình chữ nhật, bọc kỹ lưỡng. Điều này cho thấy đã có chuẩn bị trước từ phía nước ngoài.

Thời gian vừa qua, thị trường vàng diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế và liên tục có nhiều biến động mạnh. (Ảnh: CACC).

Thời gian vừa qua, thị trường vàng diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế và liên tục có nhiều biến động mạnh. (Ảnh: CACC).

Một cán bộ điều tra tại tỉnh Tây Ninh cho biết: "Người trực tiếp mang số vàng này thường là nông dân, người dân nghèo sống ở khu vực biên giới. Họ rành rẽ địa hình, sông rạch, kênh mương, đường mòn. Chỉ cần vài triệu đồng là họ sẵn sàng làm "chân gùi hàng". Nhưng khi bị bắt, họ là người gánh mọi hậu quả pháp lý".

Thủ đoạn thường thấy là chia nhỏ lô hàng để giảm rủi ro, gọi là "chẻ hàng". Thay vì vận chuyển số lượng lớn một lần, các đối tượng chia nhỏ thành nhiều phần, thuê nhiều người vận chuyển theo các cung đường khác nhau. Có những chuyến đi xuyên rừng, vượt suối vào ban đêm là thời điểm ít bị kiểm soát nhất.

Thượng tá Hoàng Như Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu (Tây Ninh) cho biết: "Chúng tôi đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công an và phía nước bạn Campuchia để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, đặc biệt là vàng và ngoại tệ". Đồng thời, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh để người dân không tiếp tay, bao che cho các đối tượng buôn lậu.

Cũng theo ông Nam, lực lượng biên phòng đã thiết lập nhiều chốt chặn tại các điểm nóng, duy trì tuần tra hỗn hợp ngày đêm. Tuy nhiên, các đầu nậu ngày càng khôn ngoan, thuê người vận chuyển không dùng điện thoại, không biết tên nhau, chỉ giao nhận tại các điểm hẹn. Nếu bị bắt, rất khó lần ra người cầm đầu.

Hành trình vàng lậu từ vùng biên vào nội địa

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Tây Ninh, sau khi đưa vàng qua biên giới trót lọt, các đối tượng thường vận chuyển bằng ô tô về Tp.HCM hoặc Hà Nội để tiêu thụ.

QLTT sẽ xử lý nghiêm các vi phạm các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất gia công, kinh doanh vàng trang sức. (Ảnh minh họa).

QLTT sẽ xử lý nghiêm các vi phạm các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất gia công, kinh doanh vàng trang sức. (Ảnh minh họa).

Quá trình này có sự tham gia của các tiệm vàng lớn, người chuyên gom USD tại Tp.HCM đặt hàng từ Campuchia, sau đó gửi tiền ra biên giới. Tại Campuchia, khi nhận được tiền, phía đối tác giao vàng cho người vận chuyển, một mắt xích hoàn toàn tách biệt để khó truy vết.

"Chúng thường xuyên thay đổi phương thức. Có khi giấu vàng trong người, lúc lại giấu trong xe đông lạnh, trà trộn với hàng tiêu dùng, gửi theo dạng quà tặng, hành lý cá nhân… Thậm chí, có vụ chúng nung chảy vàng rồi đổ khuôn lại để xóa dấu vết truy xuất nguồn gốc", vị này cho biết.

Ngoài ra, vàng lậu còn được đưa vào các cơ sở sản xuất trang sức mỹ nghệ, tiệm vàng lớn ở Tp.HCM, Hà Nội rồi hợp thức hóa để bán ra thị trường. Trong đó, nhiều cơ sở lợi dụng việc không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chính ngạch, buộc phải mua vàng "trôi nổi" hoặc vàng SJC để chế tác, vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho dòng vàng không kiểm soát.

Đánh giá về vấn đề này, đại diện Bộ đội Biên phòng Tây Ninh chia sẻ: "Nguồn lợi từ vàng lậu là rất lớn. Khi giá vàng trong nước chênh lệch mạnh so với thế giới, nhu cầu nhập lậu tăng lên tương ứng. Đây là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy các đường dây hoạt động mạnh trở lại".

Trước thực trạng đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo lực lượng biên phòng các tỉnh, đặc biệt là khu vực Tây Nam, tăng cường tuần tra, nắm tình hình, lập chuyên án và phối hợp cùng các lực lượng chức năng như Hải quan, Công an kinh tế, Quản lý thị trường để triệt phá tận gốc các đường dây vận chuyển, trung gian tiêu thụ vàng lậu.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, Đại tá Phạm Văn Đảng, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh - kiêm Chính ủy Bộ đội Biên phòng Đồng Nai cho biết, muốn chống buôn lậu hiệu quả thì phải dựa vào dân, vận động bà con không tiếp tay, không bị mua chuộc. Đồng thời, các đồn Biên phòng cần phối hợp chặt chẽ với Hải quan, Công an, Quản lý thị trường để xử lý từ gốc tới ngọn.

Dù đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, song công tác chống buôn lậu vàng vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Một số quy định pháp luật hiện nay còn chưa rõ ràng về chế tài xử lý hành vi vận chuyển vàng trái phép, gây khó khăn cho việc truy tố. Nhiều vụ bị bắt quả tang chỉ bị xử lý hành chính vì chưa đủ định lượng truy cứu hình sự.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng vẫn còn mỏng, trong khi các tuyến biên giới trải dài, nhiều nơi địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Việc đầu tư thêm thiết bị giám sát hiện đại, nâng cao năng lực điều tra, hỗ trợ pháp lý cho các lực lượng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu là rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, ngoài lực lượng thực thi, cũng cần điều chỉnh chính sách quản lý vàng sao cho sát thực tế hơn. Cần có giải pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn từ biên giới, vừa kiểm soát tốt tại thị trường nội địa. (còn nữa)

Nguyễn Văn Khánh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cuoc-chien-chong-vang-lau-o-vung-bien-ky-2-nhung-ban-tay-an-minh-sau-duong-day-vang-lau-204250630093837877.htm
Zalo