Cuộc chiến chống vàng lậu ở vùng biên – Kỳ 1: Mạch ngầm xuyên biên giới
Tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới vào Việt Nam vẫn diễn ra cho dù lực lượng chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép vàng. Vụ việc sau số lượng lớn hơn vụ việc trước, cho thấy tình hình buôn lậu vàng vẫn còn nóng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Những vụ việc buôn lậu vàng bị phát hiện không chỉ phơi bày thủ đoạn vận chuyển tinh vi, mà còn cho thấy sự dịch chuyển địa bàn của các “ông trùm vàng lậu” từ các tuyến truyền thống sang vùng đất mới ít bị chú ý hơn nhưng có địa hình thuận lợi.
Cơn sốt vàng và mạch ngầm giao dịch
Tây Ninh vốn được biết đến là “cửa ngõ phía Tây” giáp với Campuchia, đang trở thành một “điểm nóng” mới trong bản đồ buôn lậu vàng xuyên biên giới.
Ngày 15/6, tại một đường mòn giáp biên, lực lượng chức năng Tây Ninh phát hiện 2 đối tượng đi từ phía Campuchia có biểu hiện nghi vấn. Khi bị chặn lại, các đối tượng bỏ chạy về phía bên kia biên giới, để lại 18 miếng kim loại màu vàng, tổng trọng lượng khoảng 18kg.
Số vàng này sau đó được xác định không có hóa đơn, chứng từ – nhiều khả năng là vàng lậu đang được tuồn vào nội địa để hưởng chênh lệch giá.

Bộ đội Biên phòng Vàm Trảng Trâu, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh kịp thời ngăn chặn vụ vận chuyển 18kg vàng 9999 quan biên giới vào ngày 15/6/2025.
Điều đáng nói là vụ việc nêu trên không phải là cá biệt. Tây Ninh có hơn 240km đường biên giới, giáp 3 tỉnh của Campuchia, với nhiều cửa khẩu quốc tế, chính, phụ cùng hàng trăm đường mòn, lối mở. Địa hình đa dạng, dân cư hai bên có mối quan hệ thân tộc – xã hội sâu đậm khiến khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa bất hợp pháp, trong đó có vàng.
Khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới hơn 16 triệu đồng/lượng, thị trường vàng chính thống chứng kiến cảnh xếp hàng chen chúc.
Tuy nhiên, phía sau lớp vỏ hợp pháp ấy là một dòng chảy ngầm: Vàng không hóa đơn, không kiểm định, không chịu sự giám sát nào vẫn ngày ngày len lỏi qua biên giới, hòa vào hệ thống tài chính quốc gia.
Và Tây Ninh, với vị trí địa lý đặc biệt, đang dần trở thành một mắt xích quan trọng trong dòng chảy này.
Theo lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn. Vàng được giấu trong người, chế tác thành trang sức, hoặc cất giấu trong hàng hóa như đá cây, thực phẩm, thậm chí gửi qua dạng quà tặng cá nhân.
Một số vụ còn cho thấy đối tượng vận chuyển không hề biết thứ mình mang theo là gì như một dạng “chuyển hàng mù” thuê theo chuyến.

Số vàng do lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: CACC).
Anh N.V.T. (33 tuổi, ngụ huyện Đức Huệ, tỉnh Long An cũ) là một trong những “người vận chuyển vàng thuê” từng lĩnh án.
Năm 2022, giữa lúc dịch Covid-19 vừa lắng xuống, cuộc sống khó khăn, anh nhận lời vận chuyển hàng từ biên giới về nội địa với mức thù lao vài triệu đồng/chuyến.
“Tôi cứ nghĩ là đồ tiêu dùng, không ngờ chuyến đầu tiên đã là 3 cây vàng SJC, bọc kín dán vào bụng, đi qua rừng thưa ở xã Tân Đông (Tây Ninh) lúc trời tối”, anh kể.
Sau vài chuyến trót lọt, anh bắt đầu được giao nhiều hàng hơn – có lúc lên đến 1kg vàng. Mỗi tuần một chuyến, luôn thay đổi thời gian, tuyến đường, không dùng điện thoại, không tiết lộ danh tính.
Nhưng rồi, tháng 6/2022, anh bị bắt ngay gần cột mốc 170, trên người giấu 12 cây vàng SJC trị giá hơn 700 triệu đồng. Kết quả anh phải nhận 6 năm tù giam vì tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong trại giam, anh gặp nhiều người cùng cảnh: Chạy xe ôm, bán vé số, thậm chí có cả bà mẹ đơn thân. Tất cả đều nghĩ “chỉ một lần thôi”!
Vàng – công cụ rửa tiền lý tưởng?
Không giống như ma túy hay vũ khí, vàng có đặc điểm nhỏ gọn, dễ vận chuyển, dễ quy đổi, và khó truy vết. Khi được nhập lậu trót lọt, vàng có thể được dùng để sản xuất nữ trang, chuyển thành tài sản tích trữ hoặc tệ hơn, trở thành công cụ để rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài hoặc hợp thức hóa các nguồn tiền mờ ám.

Tang vật do các đối tượng bỏ lại. (Ảnh: CACC).
Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nên phải mua vàng miếng trong nước (giá cao) hoặc tìm đến các nguồn “trôi nổi”. Chính điều này tạo thêm động lực cho đường dây buôn lậu, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nữ trang – nơi cần lượng vàng lớn và liên tục.
Không chỉ ở Tây Ninh, hoạt động buôn lậu vàng còn diễn ra ở nhiều cửa khẩu khác như Móng Cái (Quảng Ninh), Lao Bảo (Quảng Trị), Hà Tiên (Kiên Giang cũ)…
Vào tháng 4/2025, tại Móng Cái, một phụ nữ bị phát hiện giấu trong người 4 thỏi kim loại vàng nặng 4kg, không khai báo hải quan. Trường hợp khác, một giám đốc công ty xây dựng ở Hải Dương đã chế tác hơn 4kg vàng thành dây chuyền, mặt thắt lưng để qua mặt lực lượng chức năng.
Các thủ đoạn ngày càng biến tướng, từ giấu trong người đến trộn lẫn hàng hóa, cất trong khoang bí mật xe khách, xe tải. Một số đối tượng còn lợi dụng “người vận chuyển không biết hàng” hoặc thuê phụ nữ, người già, trẻ em – những nhóm ít bị nghi ngờ để thực hiện hành vi phạm tội.
Tình trạng buôn lậu vàng không chỉ gây thất thu thuế, rối loạn thị trường vàng trong nước mà còn tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống tài chính quốc gia. Nó có thể là mắt xích cho các dòng tiền đen, rửa tiền xuyên quốc gia, tiếp tay cho các tổ chức tội phạm.
Việc tăng cường kiểm soát biên giới, xử lý nghiêm các vụ việc là cần thiết nhưng chưa đủ. Giải pháp căn cơ nằm ở chính sách quản lý thị trường vàng trong nước, đặc biệt là việc điều chỉnh chênh lệch giá giữa nội địa và thế giới, kiểm soát nguồn cung và hợp thức hóa nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Tây Ninh, với vị trí đặc biệt và bối cảnh biên giới phức tạp, chỉ là một trong nhiều “điểm trũng” đang dần lộ diện. Để không tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho các đường dây buôn lậu vàng xuyên quốc gia, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và cả chính sách vĩ mô – trước khi mạch ngầm này vỡ ra thành những hệ lụy khó lường hơn nữa.
Thông tin với Người Đưa Tin về vấn nạn buôn lậu vàng, Thượng tá Hoàng Như Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết, các đối tượng vận chuyển buôn bán vàng lậu thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn.
Có khi chúng dùng người giả vờ đi buôn bán nhỏ lẻ để thăm dò phản ứng, sau đó mới thực hiện chuyển hàng thật. Lực lượng biên phòng phải nắm chắc tình hình địa bàn, phối hợp chặt với cơ quan công an điều tra để bắt quả tang, nếu có đầy đủ bằng chứng thì sẽ xử lý nghiêm.
Một trong những vụ án từng làm rúng động dư luận là vụ Nguyễn Thị Minh Phụng và đồng phạm buôn lậu hơn 4,8 tấn vàng (tương đương 6.600 tỷ đồng), hay vụ buôn lậu 1,3 tấn vàng (1.800 tỷ đồng) vào năm 2022 cho thấy một thực tế: Khi có chênh lệch giá cao, thị trường sẽ tự sinh ra đường dây.
Các đối tượng thỏa thuận với chủ tiệm vàng trong nước, đặt hàng từ Campuchia, rồi thông qua các “cư dân biên giới” để đưa vàng về Việt Nam. Một trong những mắt xích quan trọng là Nguyễn Thị Ngọc Giàu – cư dân vùng biên Chàng Riệc (Tây Ninh cũ), người từng lợi dụng chính sách miễn kiểm tra hải quan tại cửa khẩu để đưa vàng về nội địa.
Dù các đường dây lớn đã bị triệt phá, nhưng từ “dư chấn” đó, hàng loạt nhánh vận chuyển nhỏ lẻ đã mọc lên, hoạt động theo kiểu “tế bào”, khó phát hiện, khó truy vết và dễ thay thế.
(còn nữa)