Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy vì nước, vì dân
Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược và đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Chủ trương này được triển khai quyết liệt, đồng bộ và mang lại những hiệu quả tích cực, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ Nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra vận hành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Mỹ Thọ (tỉnh Đồng Tháp)
SỰ CẦN THIẾT CỦA CUỘC CÁCH MẠNG TINH GỌN BỘ MÁY
Thực tế cho thấy, bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng không chỉ làm tăng gánh nặng ngân sách nhà nước, mà còn làm trì trệ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thấy rõ điều này, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, đã tập trung lãnh đạo thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị một cách quyết liệt, đồng bộ, thống nhất “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”.
Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng, đồng thuận của Nhân dân, đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, khơi thông được các nguồn lực, tạo thế và lực để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được thực hiện quyết liệt nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, đã thẳng thắn chỉ rõ: “Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị”. Bài viết cũng đánh giá: “Việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...”. Trên tinh thần đó, tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Có thể thấy rằng, cuộc cách mạng tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị thật sự hướng đến xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy có tính ổn định lâu dài, có tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời tạo lập không gian cho sự phát triển bền vững làm cơ sở nền tảng thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực hiện tinh gọn hệ thống tổ chức bộ máy bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với việc cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm tình trạng chồng chéo, tiết kiệm ngân sách và cải thiện chất lượng phục vụ Nhân dân.
Vì lẽ đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” để tinh gọn tổ chức bộ máy là phù hợp với điều kiện, tình hình mới, là ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.
CUỘC CÁCH MẠNG TINH GỌN BỘ MÁY VÌ NƯỚC, VÌ DÂN
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là cải cách lớn nhằm tạo ra một hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và phục vụ tốt hơn cho Nhân dân. Mục tiêu của cuộc cách mạng là xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, mạnh, hiệu lực và hiệu quả, mang lại giá trị cao nhất cho xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Vì thế, ở tất cả các giai đoạn cách mạng, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, Đảng ta đều hết sức quan tâm, chăm lo cho dân.
Minh chứng cho thấy, Đảng, Nhà nước đã đề ra chủ trương, kế hoạch thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đến hết năm 2025 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn cả nước. Chủ trương này, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; tạo tiền đề để tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Công tác an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên, với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Với tinh thần đó, kể từ ngày 1/7/2025, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định khoản 1 Điều 21 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Người dân bày tỏ phấn khởi, với Thông báo số 176 ngày 25/4/2025 về Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân và định hướng công tác thời gian tới. Thông báo đã nêu rõ: “Thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho Nhân dân ít nhất mỗi năm một lần; giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035”. Cùng với đó, ngày 26/6/2025, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học Chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Rõ ràng, việc sắp xếp, tinh gọn để bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm chi cho bộ máy, dành nguồn lực ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, dùng nguồn kinh phí tiết kiệm, Đảng ta không ngoài lợi ích nào khác, chỉ để chăm lo cho dân, vì dân, vì sự phát triển đất nước.
Có thể khẳng định, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị thể hiện đúng đắn đường lối của Đảng, tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta đã nhận được sự đồng tình, thống nhất nhận thức hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, mang tính bước ngoặt cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.