Cùng trò gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa của các dân tộc thiểu số
Không chỉ chú trọng vào giảng dạy kiến thức, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Dào San còn chú trọng dạy tiếng dân, văn hóa cho học sinh.

Khu trưng bày văn hóa dân tộc của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Dào San. Ảnh NT.
Giữ gìn tiếng mẹ đẻ và văn hóa dân tộc trong từng tiết học
Hơn mười năm gắn bó với bục giảng vùng cao, cô giáo Lý Thị Diêm - Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Dào San (xã Dào San, Lai Châu) không chỉ dạy chữ mà còn gieo mầm tình yêu văn hóa dân tộc, ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cho học trò.
“Hiện nay, nhà trường tổ chức các tiết học giáo dục địa phương, lồng ghép khéo léo trong chương trình chính khóa. Vì đa số học sinh là người dân tộc thiểu số nên trường đặc biệt chú trọng dạy tiếng mẹ đẻ như Tày, Nùng, Mông, Giáy... và văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, trong khuôn viên trường còn có khu truyền thống, nơi trưng bày nhiều hiện vật và thông tin về văn hóa các dân tộc để học sinh dễ dàng tìm hiểu, khám phá.
“Việc dạy tiếng mẹ đẻ (tiếng dân tộc) và văn hóa của các dân tộc không chỉ giúp học sinh thêm tự hào về cội nguồn mà còn góp phần giữ gìn những giá trị quý báu đang dần mai một. Đồng thời, giúp các em tự tin về dân tộc của mình và lan tỏa những nét đẹp ấy đến với cộng đồng”, cô Diêm chia sẻ thêm.
Trong mỗi tiết học, cô cùng đồng nghiệp khéo léo lồng ghép kiến thức văn hóa, kể cho các em nghe những câu chuyện xưa. Các hình thức giảng dạy linh hoạt như chiếu video, cho xem tranh ảnh về lễ hội, trang phục, phong tục tập quán của dân tộc Giáy, Mông, Dao…
“Với cách tiếp cận đa dạng như vậy, học sinh thích thú, không có cảm giác bị áp lực hay. Nhiều em chưa từng nghe kể chuyện cổ tích dân tộc mình, giờ học như thế khiến các em tự hào hơn khi nhắc về dân tộc mình”, cô Diêm nói thêm.
Cô giáo người Giáy tâm niệm: “Thế hệ trẻ bây giờ ít biết văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nếu không được dạy từ nhỏ, sau này các em sẽ quên mất. Mình mong mỗi tiết học đều góp phần gìn giữ tiếng mẹ đẻ, gìn giữ những nét đẹp đã nuôi dưỡng bao thế hệ.”
Với cô Diêm, gieo chữ không chỉ là dạy kiến thức phổ thông mà còn là hành trình trao truyền những giá trị văn hóa của quê hương cho những tâm hồn non trẻ. Mai này khi trưởng thành, các em vẫn sẽ nhớ và tự hào về dân tộc, gốc gác cội nguồn của mình.

Trưng bày trang phục các dân tộc trên địa bàn xã.
Tạo nhiều hoạt động để gìn giữ tiếng dân tộc
Bà Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Dào San (xã Dào San, Lai Châu) cho biết: “Không chỉ chú trọng vào giảng dạy kiến thức, chúng tôi còn chú trọng giáo dục học sinh gìn giữ tiếng nói, văn hóa của dân tộc mình. Theo đó, các tiết học ngoại khóa hay giáo dục địa phương nhà trường thường mời các nghệ nhân, người dân địa phương đến trường chia sẻ, trò chuyện cùng về văn hóa cùng học trò”.
Theo bà Xuân, những tiết học thực tế đó giúp con thêm yêu, hiểu giá trị của ngôn ngữ. Ngôn ngữ chính là cầu nối để giáo dục học sinh về văn hóa, truyền thống của dân tộc, cội nguồn của mình.
Được biết, ngoài các tiết học do được lồng ghép vào hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương nhà trường còn mời những người dân am hiểu văn hóa, ngôn ngữ như: tiếng Tày, Mông, Nùng…
“Khi học sinh hiểu được giá trị của ngôn ngữ, các em biết lan tỏa những nét đẹp, giá trị của nó đến cộng đồng đặc biệt. Học sinh là thế hệ kế tiếp, lưu truyền những nét đẹp đó”, bà Xuân cho biết thêm, hiện nay, nhiều học sinh do thói quen công việc và sinh hoạt hàng ngày thường xuyên sử dụng tiếng phổ thông, ít dùng tiếng của dân tộc mình để giao tiếp dẫn đến một bộ phận người dân tộc nhưng không biết nói tiếng dân tộc, viết chữ dân tộc.
“Do đó, chúng tôi tận dụng không gian, thời gian để kết hợp giảng dạy. Bên cạnh đó, nhà trường khuyến khích giáo viên học tiếng các dân tộc trên địa phương, tìm hiểu văn hóa của mỗi dân tộc đó từ đó có chất liệu giảng dạy cho học trò, giúp các em thêm yêu quý giá trị văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc mình”, bà Xuân nói.
“Bản thân tôi cũng là người dân tộc thiểu số, tôi vô cùng trân trọng những giá trị văn hóa mà cha ông trước để lại. Nó là nét đặc trưng, hồn cốt của quê hương tôi muốn truyền cho học sinh hiểu và từ đó các em chính là người tiếp nối, giữ gìn bản sắc của địa cha ông để lại”, cô giáo Lý Thị Diêm - Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Dào San (xã Dào San, Lai Châu) cho biết.