Cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trải qua gần một thế kỷ hình thành và phát triển, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong những tập đoàn kinh tế lớn của cả nước

Quản lý gần 1/3 diện tích cao su cả nước, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) giữ vai trò nòng cốt và là trung tâm hoạch định chiến lược phát triển ngành cao su Việt Nam, góp phần đưa thương hiệu cao su nội địa ghi dấu ấn trên bản đồ thế giới.

Từ lĩnh vực cốt lõi...

Với mạng lưới 115 công ty thành viên (gồm 99 công ty con và 16 công ty liên kết), VRG đang quản lý gần 366.000 ha vườn cây, trải dài tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Từ lĩnh vực cốt lõi là trồng, khai thác và chế biến mủ cao su thiên nhiên, VRG đã mở rộng sang nhiều ngành then chốt như chế biến gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su, hạ tầng khu công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Mỗi lĩnh vực đều được quy hoạch theo định hướng phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, công nghệ làm động lực và trách nhiệm với môi trường làm kim chỉ nam.

VRG cung ứng hơn 500.000 tấn cao su/năm với chủng loại đa dạng; là nhà xuất khẩu chiến lược đến hơn 70 thị trường toàn cầu - trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu. Không dừng ở nguyên liệu thô, nhiều đơn vị thành viên của tập đoàn đã đầu tư chiều sâu để sản xuất sản phẩm sạch, xanh, có giá trị gia tăng cao, có thể phục vụ nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp, dân dụng lẫn y tế.

Lĩnh vực chế biến gỗ là một thế mạnh của VRG nhờ vào nguồn lực lớn rừng nguyên liệu bền vững với 16 nhà máy. Sản lượng ván sợi MDF (một loại gỗ công nghiệp) lên tới hơn 1 triệu m³/năm, chiếm 50% tổng sản lượng MDF cả nước. Tận dụng lợi thế đất đai, tập đoàn cũng chú trọng phát triển hệ thống KCN hiện đại trên nền đất cao su chuyển đổi. Tính đến nay, VRG đã đầu tư vào 18 KCN với tổng diện tích hơn 5.600 ha, tỉ lệ lấp đầy trung bình trên 90%, trở thành điểm đến hấp dẫn cho gần 800 nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phát triển năng lượng tái tạo cũng là một hướng đi chiến lược của VRG. Tập đoàn hiện có 5 công ty thủy điện với tổng công suất 134 MW, sản lượng 514 triệu KWh/năm. Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tập đoàn đã và đang chuyển một số diện tích đất trồng cao su có điều kiện phù hợp, thuận tiện giao thông, gần nguồn nước sang sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghiệp cao su của VRG - từ nệm, bóng thể thao, găng tay, đến thiết bị truyền động - đang dần khẳng định thương hiệu nội địa trên thị trường quốc tế.

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Báo Người Lao Động ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024-2026 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Báo Người Lao Động ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024-2026 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hành trình xanh hóa, số hóa

Lãnh đạo VRG xác định phát triển bền vững là chiến lược cốt lõi của tập đoàn trong dài hạn, gắn với 3 trụ cột gồm kinh tế, xã hội và môi trường; thể hiện ở hoạt động sản xuất, quản lý tài nguyên, phúc lợi người lao động và trách nhiệm cộng đồng.

VRG hiện có 32 công ty xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, tổng diện tích 280.000 ha. Trong đó, 18 đơn vị đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM, 38 nhà máy đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC). Đây là những điều kiện cần thiết để tiếp cận các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.

VRG còn là một trong những đơn vị đi đầu trong việc nâng cao đời sống cho hơn 81.000 cán bộ, nhân viên, người lao động. Song hành với chính sách tiền lương ổn định là việc đầu tư vào nhà ở, trường học, bệnh viện, văn hóa, thể thao cho người lao động tại vùng sâu, vùng xa. VRG cũng tích cực hưởng ứng các chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng sống tại các địa phương có dự án của tập đoàn hoạt động.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi xanh, VRG chủ động ứng dụng chuyển đổi số vào quản trị, sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Hệ thống quản lý vùng trồng, theo dõi sản lượng, kiểm tra chất lượng sản phẩm của tập đoàn đều được số hóa. Các đơn vị đã hoàn thành hệ thống truy xuất nguồn gốc đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu - một bước tiến lớn trong việc mở rộng thị trường và xây dựng uy tín thương hiệu cao su Việt Nam.

Giai đoạn 2026-2030, VRG đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số với các giải pháp như: mở rộng diện tích cao su tại Lào, Campuchia; mở rộng thêm 8.300 ha đất làm KCN xanh, tập trung ở Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, tập đoàn tiếp tục triển khai có hiệu quả chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. VRG tiếp tục ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số để gia tăng hiệu quả quản trị, sản xuất - kinh doanh; gia tăng hàm lượng khoa học, kỹ thuật trong sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới.

Trong dòng chảy đổi mới và hội nhập, VRG đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới: Hiện đại, xanh, trách nhiệm và hội nhập sâu rộng. Từ nền tảng truyền thống vững chắc, tập đoàn tiếp tục phát huy nội lực, nắm bắt cơ hội để bứt phá, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, chung tay xây dựng đất nước.

Giai đoạn 2026-2030, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số bằng các giải pháp, như mở rộng diện tích cao su tại Lào, Campuchia. Trong ảnh: Phòng Kiểm nghiệm thuộc Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom (thành viên VRG) tại Campuchia

Giai đoạn 2026-2030, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số bằng các giải pháp, như mở rộng diện tích cao su tại Lào, Campuchia. Trong ảnh: Phòng Kiểm nghiệm thuộc Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom (thành viên VRG) tại Campuchia

Gắn bó với truyền thông

Trong hành trình gần một thế kỷ phát triển, VRG luôn coi trọng vai trò của truyền thông, nhất là sự đồng hành của các cơ quan báo chí trong việc đưa hình ảnh công nhân cao su đến gần hơn với cộng đồng xã hội. Trong đó, Báo Người Lao Động là một đối tác đặc biệt, gắn bó và đầy trách nhiệm trong suốt quá trình phát triển của ngành cao su Việt Nam.

Báo Người Lao Động không chỉ thông tin nhanh chóng, chính xác, đầy đủ về hoạt động sản xuất, đầu tư và chuyển đổi của tập đoàn, mà còn truyền tải cảm xúc, phản ánh trung thực đời sống lao động, những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn trong hành trình vươn lên của hàng chục ngàn công nhân cao su.

Một cột mốc hợp tác đáng nhớ là năm 2021, VRG và Báo Người Lao Động đồng hành triển khai hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương" (thuộc Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc) đầy ý nghĩa, góp phần tiếp thêm tinh thần yêu nước cho chiến sĩ, ngư dân và đồng bào tại vùng biên, hải đảo. Tập đoàn cũng tham gia ủng hộ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" do Báo Người Lao Động quản lý.

Giai đoạn hợp tác năm 2024-2026, hai bên hướng đến sự gắn kết sâu rộng hơn, không chỉ về mặt truyền thông mà còn về các hoạt động xã hội - cộng đồng mang ý nghĩa nhân văn, thiết thực.

VRG đánh giá cao sự đồng hành khách quan và trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo nói chung, Báo Người Lao Động nói riêng, đã góp phần lan tỏa hình ảnh tích cực về ngành cao su, tạo niềm tin và cảm hứng trong xã hội, tiếp thêm động lực để tập đoàn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Ấn tượng 6 tháng đầu năm

Năm 2025, Bộ Tài chính giao VRG đạt tăng trưởng 8%. Tập đoàn đặt mục tiêu cao hơn với doanh thu hợp nhất 31.044 tỉ đồng - tăng 8,02%; lợi nhuận trước thuế 5.840 tỉ đồng - tăng 4,17% so với năm 2024.

6 tháng đầu năm 2025, VRG đạt được nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành toàn diện kế hoạch năm. Cụ thể, tổng doanh thu nửa đầu năm của tập đoàn đạt 11.393 tỉ đồng - tăng 10,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 2.502 tỉ đồng - tăng 31,5%; nộp ngân sách đạt 1.660 tỉ đồng - tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cung-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-196250724203816389.htm
Zalo