Củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Qua đó, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trong vùng.
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Qua đó, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trong vùng.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 65 - KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW, ngày 12/3/2003 của BCH Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trong đó, bên cạnh các nội dung về phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng đã đặc biệt chú trọng công tác xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ người DTTS và phát huy vai trò của người có uy tín.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Đề án số 16 về nâng cao chất lượng công tác dân vận vùng DTTS và miền núi nhằm phát huy ý thức tự lực, chủ động của đồng bào trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Các nghị quyết, đề án nhằm đổi mới tư duy lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận trong vùng, đặc biệt là cấp cơ sở; nâng cao chất lượng thể chế, tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc của chính quyền gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia thông qua kết quả cụ thể hằng năm và mức sống của người dân.
Đồng chí Đỗ Duy Sâm, Trưởng phòng Tuyên truyền và địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Hệ thống chính trị các cấp vùng DTTS và miền núi thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Công tác tuyên truyền, vận động được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm gắn với phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín tại cộng đồng.
Công tác phát triển đảng viên trong vùng được đẩy mạnh. Đảng bộ tỉnh có 13 Đảng bộ trực thuộc với 732 tổ chức cơ sở đảng, 70.192 đảng viên, trong đó 43.205 đảng viên là người DTTS, chiếm 61,55%. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 10-ĐA/TU và Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người DTTS tham gia cấp ủy và HĐND các cấp đạt tỷ lệ cao.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được chú trọng, nâng lên cả chất lượng và số lượng. Giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã tuyển dụng 836 công chức, viên chức, trong đó 561 người DTTS, chiếm 67,10%. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh hiện có 4.948 người, trong đó người DTTS 1.545 người, chiếm 31,23%. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện hiện có 17.277 người, trong đó người DTTS 8.984 người, chiếm 51,2%. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức cấp xã hiện có 3.206 người, trong đó người DTTS 2.833 người, chiếm 88,37%. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS các cấp của tỉnh đều vượt so với quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, các địa phương phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đây là cầu nối, là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền với người dân. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín tích cực tham gia công tác ở cơ sở; đảm nhiệm các chức vụ như bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng đoàn thể; tham gia các tổ hòa giải, tổ an ninh. Họ chính là những hạt nhân tiêu biểu góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Để phát triển ổn định, bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, cùng với thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nâng cao đời sống nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh đào tạo nguồn cán bộ là người DTTS, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong vùng vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền.