Cung cấp ảnh chụp thí sinh thi VSTEP sẽ loại bỏ hoàn toàn được hành vi gian lận
Dự thảo thông tư về tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam có nhiều điểm mới được cơ sở GDĐH đánh giá cao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Dự thảo có một số điểm mới so với Thông tư hiện hành với mục đích nhằm hoàn thiện cơ chế tổ chức thi, đảm bảo tính minh bạch, an toàn và nghiêm túc, đồng thời nâng cao giá trị của chứng chỉ ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Một trong những nội dung nổi bật của dự thảo là yêu cầu các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ...
Cung cấp ảnh chụp của thí sinh là điều kiện thuận lợi cho công tác hậu kiểm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi đánh giá rất cao các quy định mới được đề xuất trong dự thảo thông tư.
Trong đó, việc bổ sung hình ảnh chụp thí sinh khi dự thi là giải pháp cần thiết nhằm nâng cao tính minh bạch và công bằng trong thi cử. Hiện nay, dù các kỳ thi đã áp dụng các biện pháp như giám sát bằng camera và sự tham gia của các cơ quan chức năng..., tuy nhiên tình trạng gian lận, đặc biệt là thi hộ, vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn.
Bên cạnh đó, việc lưu trữ hình ảnh không chỉ giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hậu kiểm và truy xuất dữ liệu khi cần thiết.
Quy định chụp ảnh thí sinh trong quá trình thi là bước đi cần thiết. Đồng thời, việc lưu trữ hình ảnh thí sinh trong suốt quá trình làm bài sẽ tạo thêm lớp bảo vệ, giúp phát hiện kịp thời các trường hợp bất thường và đảm bảo công bằng trong thi cử”.
Đồng thời, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung cũng cho rằng, trong bối cảnh các kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đa phần bao gồm 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), sự chênh lệch bất thường giữa các kỹ năng có thể là dấu hiệu cần được kiểm tra kỹ lưỡng.
Do đó, việc tăng cường giám sát thông qua các công nghệ như lưu trữ hình ảnh sẽ giúp đảm bảo kết quả kỳ thi phản ánh chính xác năng lực của người học, đồng thời tạo dựng lòng tin của xã hội vào chứng chỉ nội địa - VSTEP.
Cùng bàn về vấn đề trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Hoàng Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) bày tỏ, dự thảo khi đưa vào thực tiễn sẽ giúp tăng tính tự chủ, trao thêm quyền và trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục tổ chức thi, nhưng vẫn đảm bảo và duy trì các tiêu chí, tiêu chuẩn, các quy định và quy trình để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để thực hiện hiệu quả việc đảm bảo an ninh, công bằng cho kỳ thi, một trong những yếu tố quan trọng là xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất cũng như áp dụng công nghệ vào quá trình này.
Trên thực tế, việc áp dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi không phải là điều mới mẻ đối với các đơn vị.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Hoàng Thủy cho biết thêm: “Nhà trường hiện đã áp dụng tổ chức thi trên máy tính, với phần mềm tích hợp tính năng chụp ảnh thí sinh ngay từ đầu buổi thi. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu mới, phần mềm cần được nâng cấp để trích xuất dữ liệu linh hoạt hơn, phục vụ công tác cung cấp ảnh chụp thí sinh khi dự thi vào hệ thống tra cứu”.
Tương tự, tại Đại học Thái Nguyên, hệ thống quản lý thi hiện đại đã được triển khai từ đầu năm 2024. Tiến sĩ Lê Hùng Linh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Đại học Thái Nguyên) cũng thông tin: “Nhà trường đã sử dụng công nghệ liên kết thông tin từ căn cước công dân có gắn chíp của thí sinh. Hệ thống này không chỉ thực hiện việc nhận diện khuôn mặt và xác minh danh tính trước khi thí sinh vào phòng thi, mà còn cho phép lưu trữ hình ảnh trong suốt thời gian làm bài”.
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Lê Hùng Linh đánh giá, quy định mới trong dự thảo thông tư chỉ cụ thể hóa thêm các tiêu chí đã được áp dụng, giúp các đơn vị khảo thí dễ dàng thực hiện và Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ sở thanh kiểm tra hiệu quả hơn.
Tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống camera giám sát cũng đã được lắp đặt đồng bộ tại các phòng thi và hành lang. Nhân lực tham gia coi thi cũng được đào tạo bài bản, giúp nhà trường phát hiện và xử lý kịp thời nhiều trường hợp gian lận.
Kỳ vọng giá trị của chứng chỉ VSTEP sẽ dần được cộng đồng quốc tế chấp nhận
Nhiều người đặt kỳ vọng với những điểm mới này sẽ tạo ra đột phá để có thể góp phần đưa chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam - VSTEP dần được các nước trong khu vực và quốc tế công nhận. Tuy nhiên, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, điều này đòi hỏi thời gian và nỗ lực lâu dài để khẳng định giá trị.
“Nhìn vào các chứng chỉ quốc tế như IELTS, chúng ta thấy họ đã có quá trình phát triển hàng thập kỷ trước khi đạt được sự công nhận rộng rãi. Điều quan trọng là chứng chỉ VSTEP phải duy trì tính nghiêm ngặt và minh bạch trong tổ chức thi. Khi cộng đồng tin tưởng vào chất lượng, giá trị của chứng chỉ sẽ tự khắc được công nhận” - thầy Trung phân tích.
Cùng quan điểm đó, Tiến sĩ Lê Hùng Linh cũng kỳ vọng, những quy định mới sẽ giúp VSTEP được phổ biến hơn trong nước, từ đó từng bước khẳng định vị thế quốc tế: “Khi các trường đại học, tổ chức trong nước công nhận rộng rãi chứng chỉ VSTEP, giá trị của chứng chỉ này sẽ dần được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Điều này giống như một hành trình xây dựng thương hiệu dài hạn”.
Theo Tiến sĩ Lê Hùng Linh, việc thực hiện các quy định mới không chỉ củng cố chất lượng tổ chức thi, mà còn tạo nền tảng để chứng chỉ VSTEP đạt chuẩn quốc tế. Thầy Linh kỳ vọng: “Khi tất cả các đơn vị tổ chức thi đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và áp dụng công nghệ hiện đại, VSTEP sẽ trở thành chứng chỉ có giá trị cao trong hệ thống giáo dục và thị trường lao động.
Đồng thời, với sự nỗ lực từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với sự đồng hành của các đơn vị tổ chức thi, tôi tin rằng, kỳ thi cấp chứng chỉ VSTEP không những sẽ đáp ứng tốt nhu cầu trong nước, mà còn có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây sẽ là một bước tiến lớn cho hệ thống khảo thí ngoại ngữ Việt Nam”.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả tổ chức thi và tăng tính công nhận của VSTEP, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra một số đề xuất cải tiến. Trong đó, giải pháp được nhấn mạnh là triển khai hệ thống “đổ đề thi” tự động.
“Hiện tại, việc chuyển giao đề thi vẫn mang tính thủ công. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng hệ thống tự động phân phối đề thi từ ngân hàng câu hỏi trung tâm, giống như mô hình của ETS (đơn vị tổ chức TOEFL), thì quy trình sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn. Điều này không chỉ giúp tăng số lượng kỳ thi, mà còn tạo sự tin cậy về bảo mật” - thầy Trung giải thích.