Cục Công Thương địa phương sáng tạo, linh hoạt triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh mới

Không chỉ thực hiện tốt vai trò 'cầu nối' giữa Bộ Công Thương và địa phương, Cục Công Thương địa phương được ghi nhận sáng tạo trong triển khai các nhiệm vụ.

Đảm đương nhiều nhiệm vụ quan trọng

Được xác định thành lập vào ngày 4/7/2003, sau hơn 20 năm hình thành Cục Công Thương địa phương từng bước phát triển vững chắc và trở thành cấu phần quan trọng trong ngành Công Thương và đảm đương nhiều nhiệm vụ lớn.

Theo đó, với nhiệm vụ của một đơn vị đầu mối theo dõi hoạt động quản lý nhà nước về công nghiệp - thương mại của các địa phương, Cục Công Thương địa phương đã và đang tham mưu các giải pháp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Công Thương, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển công nghiệp, thương mại của Bộ, của khu vực và từng địa phương thông qua các hoạt động: Thu thập thông tin, số liệu về tình hình phát triển Công Thương địa phương, nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị; Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; có ý kiến đối với văn kiện đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố qua các nhiệm kỳ…

Sau hơn 20 năm hình thành, phát triển Cục Công Thương địa phương được ghi nhận đạt nhiều thành tích tốt, nhận nhiều hình thức khen thưởng của Chính phủ, Bộ Công Thương

Sau hơn 20 năm hình thành, phát triển Cục Công Thương địa phương được ghi nhận đạt nhiều thành tích tốt, nhận nhiều hình thức khen thưởng của Chính phủ, Bộ Công Thương

Ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương địa phương chia sẻ, cùng với thời gian và những điều chỉnh sát sao, phù hợp, nhiệm vụ của Cục ngày một tiến triển và đạt kết quả đáng ghi nhận. Điển hình, công tác khuyến công đã xác lập những bước đi quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại khu vực nông thôn; góp phần giải phóng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2004 đến nay, chương trình khuyến công quốc gia đã đào tạo nghề cho hơn 100.000 lao động nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 500 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 1.750 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất; gần 6.000 cơ sở tham gia các hội chợ triển lãm; tư vấn cho hàng trăm cơ sở đưa ra giải pháp nâng cao năng lực sản xuất; lập quy hoạch chi tiết cho 37 cụm công nghiệp tại các địa bàn khó khăn để thu hút đầu tư; đào tạo nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp cho hơn 21.000 học viên; tổ chức nhiều đoàn công tác học tập, nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp tại nước ngoài...

Việc ban hành, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã tạo hành lang pháp lý thống nhất thực hiện trong cả nước từ quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, hoạt động trong cụm công nghiệp. Đồng thời, chấn chỉnh việc phát triển cụm công nghiệp tự phát trước đây, thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào cụm.

Phát triển tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp được quan tâm triển khai mạnh mẽ. Cục đã tập trung phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tìm những biện pháp, hướng đi phù hợp, giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và từng bước xây dựng cơ chế, chính sách; tham mưu Bộ Công Thương công nhận nhiều tổ chức và cá nhân vào mạng lưới tư vấn viên ngành Công Thương.

Đối với việc tham mưu Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách của các chương trình.

Công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp cũng đã và đang được phòng ban chuyên môn của Cục triển khai thực hiện với hiệu quả tốt.

Góp sức xây dựng ngành Công Thương vững mạnh

Cùng chung bối cảnh phát triển của ngành Công Thương, việc triển khai các nhiệm vụ của Cục Công Thương địa phương được nhận định sẽ có nhiều khó khăn trong cả ngắn và dài hạn.

Tuy nhiên, với quyết tâm mạnh mẽ, bền bỉ thực hiện phương châm “bắc cầu vươn tới thành công” Cục Công Thương địa phương xác định linh hoạt, sáng tạo, vượt qua mọi thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp sức cùng ngành Công Thương thực hiện đạt và vượt mọi chỉ tiêu Quốc Hội, Chính phủ giao. Đồng thời chung tay khẳng định vai trò là một ngành chủ lực của nền kinh tế.

Cục Công Thương địa phương đã và đang triển khai nhiều hoạt động góp sức phát triển ngành Công Thương vững mạnh

Cục Công Thương địa phương đã và đang triển khai nhiều hoạt động góp sức phát triển ngành Công Thương vững mạnh

Theo đó, Cục tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý về: Khuyến công, cụm công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, phát triển công nghiệp, thương mại. Đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định trong quá trình đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Cục Công Thương địa phươg.

Phối hợp với các Sở Công Thương chuẩn bị tổ chức chuỗi sự kiện thường niên “Hội nghị ngành Công Thương, Hội nghị công tác Khuyến công, Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của ngành Công Thương, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển các công trình, dự án ngành công nghiệp có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các ngành, lĩnh vực, vùng miền.

Tiếp tục phối hợp với các Sở Công Thương triển khai các Nghị quyết về phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất công nghiệp, xây dựng các chương trình làm việc để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong công tác phối hợp, chỉ đạo đối với các địa phương.

Phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các Sở Công Thương và doanh nghiệp để gia tăng hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh các sản phẩm có lợi thế.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của hoạt động khuyến công trong những năm qua, tập trung nghiên cứu hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.

Cùng đó, Cục tiếp tục đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; phối hợp UBND cấp tỉnh chỉ đạo quản lý chặt chẽ, đúng quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; tập trung xây dựng chính sách, giải pháp phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở, cho việc đề xuất ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo sự phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh công tác truyền thông cho các hoạt động…

Ngày 4/7/2003, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 115/2003/QĐ-BCN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghiệp địa phương, nay là Cục Công Thương địa phương. Đây được xem là thời điểm Cục Công Thương địa phương ra đời, thống nhất lấy ngày 4/7/2003 là ngày thành lập Cục.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cuc-cong-thuong-dia-phuong-sang-tao-linh-hoat-trien-khai-nhiem-vu-trong-boi-canh-moi-329948.html
Zalo