'Cửa ngõ' Miệt Thứ

Miệt Thứ là tên gọi chỉ vùng bán đảo Cà Mau xưa, hay vùng U Minh Thượng hiện nay của tỉnh Kiên Giang. Vùng này có 4 huyện gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Muốn về vùng quê một thời được xem là hoang sơ, khắc nghiệt và đầy khó khăn, phải đi qua địa bàn An Biên. Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, các đảng viên trẻ huyện An Biên sau khi xuất ngũ đã bổ sung vào đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở và tích cực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nơi 'cửa ngõ' Miệt Thứ.

Cầu vượt sông Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: ĐỨC BÌNH

Đầu năm 2014, cầu vượt sông Cái Lớn - Cái Bé được thông xe, rút ngắn thời gian đi vào Miệt Thứ, thay vì phải qua phà Tắc Cậu - Xẻo Rô. Công trình dài 2,2 km, gồm đường dẫn hai đầu cầu và đi qua cù lao giữa sông, mặt cầu rộng 12 m, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là dự án trong tuyến đường hành lang ven biển phía Nam, nằm trong tổng thể của chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mê-kông nhằm thiết lập tuyến đường bộ quốc tế, có điểm đầu từ Bangkok (Thái Lan) qua Campuchia đến Kiên Giang, Cà Mau. Từ đó, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Cầu Cái Lớn - Cái Bé hoàn thành đã nối liền huyện Châu Thành với An Biên - “cửa ngõ” Miệt Thứ theo quốc lộ 63.

An Biên thuở sơ khai là vùng đất rộng, người thưa, thiên nhiên khắc nghiệt: "Chèo ghe sợ sấu cắn chân/ Xuống sông sợ đỉa, lên rừng cọp tha". Dẫu vậy, hàng trăm năm qua, người dân nơi đây đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu đấu tranh với mọi hiểm nguy để tồn tại và phát triển. Trên mảnh đất này, ngày 30-10-1959, chiến thắng Xẻo Rô là trận tấn công của lực lượng vũ trang tiêu diệt chi khu quân sự đầu tiên của địch ở miền Nam; là phát pháo báo hiệu cao trào toàn dân nổi dậy diệt ác, phá kềm, giành quyền làm chủ nông thôn. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu bước chuyển của phong trào cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng, đấu tranh chính trị chủ yếu sang thế tiến công, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, mở ra giai đoạn mới cho cách mạng miền Nam.

Trên chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, Mỹ - ngụy áp dụng chiến thuật "Hạm đội nhỏ trên sông" hòng đánh phá và ngăn chặn các tuyến giao thông đường thủy huyết mạch của ta. Trước tình hình đó, Quân khu 9 chỉ đạo lực lượng pháo binh phân tán nhỏ, hoạt động chủ yếu là pháo kích, khống chế pháo binh địch. Tại cầu cảng Xẻo Rô, đầu tháng 6-1973, Tiểu đoàn 2315 thuộc Đoàn 6 Pháo binh độc lập tác chiến đánh căn cứ địch.

Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 6 Pháo binh kể: "Chúng ta bố trí hỏa lực bí mật, đồng loạt nổ súng, gần như phát nào trúng phát đó. Toàn bộ đội hình xe địch cháy rực trời, nổ inh ỏi. Sau 30 phút chiến đấu, 13 xe M113 thuộc Chi đoàn 2 tháng 9 và chỉ huy Trung đoàn 33 của địch tại căn cứ Xẻo Rô bị tiêu diệt."

Tiếp nối và phát huy truyền thống anh hùng, mỗi năm, hàng trăm thanh niên huyện An Biên tình nguyện nhập ngũ, góp phần xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Trong đó, tỷ lệ đảng viên nhập ngũ luôn đạt và vượt chỉ tiêu, là địa phương nổi bật của tỉnh Kiên Giang với những cách làm cụ thể.

Ông Lê Văn Quờn, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy An Biên, cho biết, hàng năm, Huyện ủy xây dựng nghị quyết giao chỉ tiêu công tác phát triển Đảng cho các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc; trong đó, chú trọng phát triển đảng viên trẻ. Huyện ủy, thường xuyên nhắc nhở các đảng ủy xã, thị trấn, sau khi thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương, có sự quan tâm đặc biệt về thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng, đi học tập, lao động xa; bố trí các chức danh ở xã hoặc ấp nếu có nguyện vọng. Nhờ vậy, đảng viên trẻ tình nguyện nhập ngũ ngày càng cao, trung bình mỗi năm trên 15%.

Đảng viên trẻ huyện An Biên phấn khởi nhập ngũ năm 2024. Ảnh: BẢO TRÂN

Hơn 15 năm trước, đảng viên Nguyễn Văn Trăng là chiến sĩ Đại đội Pháo hòng không 37mm thuộc Ban CHQS huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Rời quân ngũ, anh về quê vừa làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh ấp Sáu Biển, xã Nam Yên, vừa phụ gia đình chăm sóc ruộng vườn. Trong lực lượng dự bị động viên, anh là Trung đội trưởng Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn Công binh, Lữ đoàn 950, Quân khu 9.

Những năm gần đây, địa phương chủ trương giao khoán hơn 7 ngàn héc-ta mặt nước đất bãi bồi dọc theo tuyến đê quốc phòng và vành đai rừng phòng hộ ven biển dài 21 km nuôi vẹm xanh. Ẩn sâu dưới mặt nước biển mênh mông này là gia tài bạc tỷ mà thiên nhiên ban tặng giúp hàng trăm hộ dân vươn lên khấm khá; trong đó, anh Trăng được giao khoán 10 héc-ta.

Anh Trăng kể: "Năm 2018, tôi đầu tư 19 triệu, thu 45 triệu đồng. Thấy mô hình hiệu quả, năm sau tôi vay ngân hàng 40 triệu mở rộng quy mô, thu 90 triệu đồng. Tôi học kinh nghiệm từ các chú và qua thực tế sáng tạo thêm như trước đây cắm cây thì nay làm giá thể vẹm sẽ xanh hơn. Mặt khác, giá thể giúp vẹm bám chặt so với cây nên sản lượng cũng tăng."

Cùng nhập ngũ vào Đại đội Pháo Phòng không 37mm, đảng viên trẻ Nguyễn Minh Chiến xuất ngũ và được địa phương bố trí làm Bí thư Xã đoàn Nam Thái. Vừa công tác vừa tranh thủ học tập, anh Chiến tốt nghiệp Đại học Luật và ngành Quân sự cơ sở.

Trên cương vị Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nam Thái, anh Chiến chia sẻ: "Hơn 16 năm qua, những kỹ năng, phương pháp rèn luyện trong hai năm quân ngũ vẫn hữu dụng với tôi. Nó giúp tôi quản lý lực lượng dân quân khuôn phép, tổ chức huấn luyện chặt chẽ, xây dựng kế hoạch sẵn sàng chiến đấu cơ bản; thậm chí còn tăng gia sản xuất hiệu quả. Thật ra, kiến thức học ở trường là một chuyện, vấn đề là áp dụng, duy trì nền nếp dân quân như bộ đội không hề dễ. Cũng mừng là anh em thực hiện rất nghiêm."

Năm 2008, Nguyễn Vũ Linh tình nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn 207, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang. Là đảng viên, Linh luôn gương mẫu, xem đó là nền tảng để "chinh phục" những gian khó trong hai năm quân ngũ. Trên cương vị Bí thư Đoàn xã Hưng Yên, anh Linh nhắn nhủ: "Khi vào Quân đội, bạn nên thể hiện vai trò tiên phong của người đảng viên, tình nguyện xung kích trong mọi hoạt động, hăng hái đi đầu để tạo khí thế cho đoàn viên thanh niên làm theo. Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự là cột mốc đáng nhớ nhất trong quá trình trưởng thành của bạn. Đó cũng là hành động thiết thực khẳng định tình yêu Tổ quốc, quê hương, hiện thực hóa lý tưởng của người đảng viên tham gia xây dựng Quân đội vững mạnh."

Thượng tá Lê Phước Lai, Chính trị viên Ban CHQS huyện An Biên, cho biết: “Theo dõi các đảng viên nhập ngũ luôn gương mẫu học tập, rèn luyện; nhiều đồng chí được các cấp khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi xuất ngũ, đáp ứng nguyện vọng của đảng viên, khoảng 50% được bố trí công tác, phát triển thành cán bộ chủ chốt ở địa phương.”

Cống Cái Lớn nằm trong Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: PHƯƠNG VŨ

Ngày 5-3-2022, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé xây dựng trên địa bàn huyện An Biên và Châu Thành (Kiên Giang) hoàn chỉnh giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Nhiệm vụ của "siêu cống" là kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững các mô hình theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho hơn 384 ngàn héc-ta thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Ngoài ra, kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng khi lún sụt...

Dự lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là công trình ý Đảng lòng dân, của trí tuệ và bản lĩnh người Việt Nam. Trong điều kiện khó khăn, chúng ta phấn đấu vươn lên để phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Hai nữa là chúng ta thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ tư duy chống đỡ sang chủ động. Đây là công trình lớn, kiến trúc và cảnh quan đẹp, ấn tượng; vì vậy, bên cạnh phát huy hiệu quả kinh tế nông nghiệp cần khai thác những giá trị khác của công trình như tạo điểm nhất phát triển du lịch.”

Vậy là cầu vượt sông Cái Lớn - Cái Bé và hệ thống cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé hoàn chỉnh thúc đẩy huyện An Biên không ngừng phát triển mọi mặt. Cùng với đó, những cây cầu và con đường mở rộng thuận lợi lưu thông hàng hóa, mô hình sản xuất mới ra đời thể hiện sự nỗ lực không ngừng của người dân, minh chứng cho cái mới thắng lợi.

Giờ đây, vùng này không còn "u u minh minh" như người ta thường nghĩ, bởi khi khoảng cách địa lý càng gần thì kinh tế - xã hội phát triển càng nhanh chóng, quốc phòng, an ninh càng củng cố và giữ vững. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để du khách tìm về những khúc tráng ca trong hành trình chinh phục thiên nhiên, quyết tử bám đất giữ làng chống quân xâm lược, lưu giữ những nét văn hóa miền sông nước phương Nam.

Và trong tiến trình đổi thay, cộng đồng dân cư vẫn giữ nhịp sống "trên bến dưới thuyền" - nét văn hóa bình lặng như những kênh rạch lưu giữ dòng chảy trăm năm nước lớn nước ròng nơi “cửa ngõ” Miệt Thứ.

HỒ KIÊN GIANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/cua-ngo-miet-thu-23254.html
Zalo