Cú lội ngược dòng ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn phát triển đầy hấp dẫn, điều này được củng cố vững chắc bởi triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực và khả năng nâng hạng thị trường trong tương lai gần.
Vào đầu tháng 7, thị trường chứng khoán đã bất ngờ chứng kiến những cú tăng tốc chạm mốc 1.400 điểm của chỉ số VN Index. Sau gần 3 năm, mốc 1.400 điểm mới quay trở lại thị trường một lần nữa.
Liên tục đột phá
Hiện nay, VN Index đang trên con đường áp sát mốc 1.500 điểm, theo các chuyên gia sẽ sớm đạt được kỳ vọng trong thời gian sớm nhất. Chưa hết, dòng tiền vào thị trường liên tục xoay quanh mức từ 1 tỉ USD trở lên trong nhiều phiên gần đây.
Theo giới phân tích, trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến những phiên tăng điểm mạnh mẽ và dòng tiền đạt kỷ lục, khiến VN-Index liên tục bứt phá, tiến sát những đỉnh cao lịch sử. Nguyên nhân sự bùng nổ này là kết quả của sự hội tụ giữa nhiều yếu tố vĩ mô tích cực, chính sách hỗ trợ và niềm tin của nhà đầu tư.
Các tổ chức uy tín quốc tế như JPMorgan gần đây cũng đã nâng hạng khuyến nghị cho Việt Nam lên "mức mua" (overweight). Điều này ngay lập tức thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở dồi dào, tạo sức tăng trưởng cho thị trường chứng khoán Việt.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Bà Vũ Ngọc Linh, Giám đốc bộ phận phân tích và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital cho biết, nếu nhìn lại bức tranh 3 tháng vừa qua, chắc hẳn giai đoạn đáng nhớ nhất là vào đầu tháng 4, khi thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một đợt sụt giảm cực kỳ mạnh mẽ.
Chỉ số VN Index đã giảm gần 18% chỉ trong một tuần, mà nguyên nhân chính là Tổng thống Trump thông báo áp mức thuế khá cao lên hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, từ đáy của đợt giảm điểm đó đến nay, thị trường đã có một sự phục hồi ngoạn mục.
Điều thúc đẩy tạo nên mức tăng trưởng ấn tượng là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, nhưng cơ bản vẫn đến từ nội lực mạnh mẽ của Việt Nam. Đó là Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quyết liệt nhằm thúc đẩy kinh tế, tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư về triển vọng phát triển.
Những kết quả ban đầu đã được minh chứng rõ ràng qua số liệu GDP quý II của Việt Nam tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung nửa đầu năm, mức tăng trưởng đạt 7,5%, là mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.
“Sau đợt sụt giảm mạnh, nhà đầu tư đã bình tĩnh trở lại và nhận định tiềm năng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất tốt, từ đó quay lại mua mạnh mẽ. Một nguyên nhân quan trọng khác là việc Việt Nam đã đạt được những bước thỏa thuận ban đầu về thuế quan với Mỹ. Mặc dù hai nước còn nhiều vấn đề cần đàm phán trước khi ký kết cuối cùng, đây vẫn là thông tin đầy khả quan. Trước đây, nhiều nhà đầu tư lo sợ và đứng ngoài cuộc chơi do rủi ro cao, nhưng giờ đây mọi thứ đã trở nên rõ ràng hơn.
Gần đây, có rất nhiều tín hiệu tích cực cho thấy khả năng cao Việt Nam sẽ được công bố nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Những nhân tố này đã đóng góp vào động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán” – bà Linh phân tích.
Tiềm năng tăng trưởng dài hạn
PGS.TS Võ Đình Trí, Trường IPAG Business School Paris (Pháp) cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng tỏ hiệu quả vượt trội từ đầu năm đến nay. Chỉ số VN Index đã tăng khoảng 8%, trong khi các thị trường lớn như Mỹ chỉ đạt mức tăng khoảng 3,5-3,7%.
Triển vọng cho 6 tháng cuối năm của thị trường Việt Nam được đánh giá khá tích cực. Nền kinh tế trong nước đang nhận được động lực mạnh mẽ từ bốn nghị quyết quan trọng vừa được ban hành, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng.
"Bên cạnh đó, các yếu tố thuận lợi từ thị trường thế giới cũng đang hỗ trợ, đặc biệt là kỳ vọng lớn vào đợt cắt giảm lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nhiều khả năng sẽ diễn ra vào tháng 9.
Hơn nữa, các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia khác cũng đang cân nhắc giảm lãi suất khi lạm phát được kiểm soát, tạo thêm không gian chính sách tích cực cho Việt Nam. Những yếu tố vĩ mô thuận lợi này hứa hẹn sẽ thúc đẩy thị trường trong các quý cuối năm"- ông Trí đánh giá.

Những yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam đang tạo bệ phóng vững chắc cho thị trường chứng khoán. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Theo bà Vũ Ngọc Linh, Việt Nam đang bước vào quá trình "Đổi mới 2.0" khi triển khai hàng loạt cải cách quan trọng. Việt Nam đang định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ việc phụ thuộc vào xuất khẩu và FDI sang chú trọng phát triển kinh tế trong nước. Mục tiêu là hướng tới tăng trưởng GDP dài hạn cao hơn, ở mức 8-10% mỗi năm. Điều này sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Bước sang nửa cuối năm 2025, thị trường chứng khoán được kỳ vọng hưởng lợi từ các yếu tố hỗ trợ như chính sách tiền tệ nới lỏng tạo môi trường thanh khoản dồi dào, kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi thu hút dòng vốn ngoại cùng các cải cách mạnh mẽ trong khuôn khổ “Đổi Mới 2.0”.
Chúng tôi cho rằng bộ tứ trụ cột bao gồm Nghị quyết 66, 59, 68, và 57 sẽ đem lại nhiều đột phá cho nền kinh tế. Về dài hạn, chúng tôi tin rằng những chính sách này sẽ mang lại khả năng tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp tư nhân và đồng thời thúc đẩy thị trường chứng khoán.
Bà Vũ Ngọc Linh, Giám đốc bộ phận phân tích và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital
Tiến sĩ Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán BIDV đánh giá, các vòng đàm phán của Việt Nam với Mỹ về chính sách thuế đang cho thấy mức thuế sẽ thấp hơn đáng kể so với dự kiến ban đầu, đây là một tín hiệu rất tốt. Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25% ngay trong tháng 7 hoặc tháng 9 tới.
Như vậy, tháng 9 có lẽ là một tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính thế giới, và dĩ nhiên là cả Việt Nam. Cuối cùng, trong năm nay, chúng ta vẫn kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán. Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam hứa hẹn sẽ có một giai đoạn cuối năm đầy tích cực.
Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng rủi ro vẫn có thể tiềm ẩn trên thị trường chứng khoán. Động lực chính tăng trưởng cho thị trường vẫn là nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, những người hiện đang chiếm tới 95% thanh khoản. Điều này khiến thị trường Việt Nam trở nên rất năng động nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cao do mức độ dao động mạnh.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ và các nền kinh tế lớn khác trên thế giới hiện đang đối mặt với nguy cơ chậm lại. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng, làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Điều này cũng sẽ phản ánh vào thị trường chứng khoán.
GDP của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng 7,5%, đây là mức cao kỷ lục trong vòng 15 năm qua. Chúng tôi tin rằng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong các quý tới, và mục tiêu tăng trưởng GDP 8% hoặc hơn trong năm nay là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng thị trường Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn. Không chỉ về mặt vĩ mô tích cực, mà chúng ta còn có những chất xúc tác mạnh mẽ khác, đặc biệt liên quan đến dòng vốn ngoại.
Sự chuyển động và phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính, cùng với khả năng Việt Nam được nâng hạng thị trường trong kỳ đánh giá tháng 9 tới, sẽ là những chất xúc tác quan trọng, giúp thị trường tiến đến những vùng cao mới trong thời gian sắp tới.
Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc sản phẩm đầu tư Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) nhận định.