Cứ lên sân khấu là như bị… 'nhập'

'Cô gái Quan họ' là 'nick-name' được Minh Ngọc tự đặt cho mình trên mạng xã hội. Giọng ca sinh năm 2004 được biết đến là 'hiện tượng' hát dân ca với rất nhiều video clip 'triệu view' và lượng người theo dõi lớn. Khi mới 14 tuổi, cô gái Gen Z này đã giành giải Quán quân cuộc thi 'Tuyệt đỉnh song ca nhí' (2018) nhờ giọng hát bản năng, thậm chí còn chưa được học về nốt nhạc. Mới đây, Minh Ngọc lại gây tiếng vang khi là gương mặt đại diện Việt Nam giành giải Vàng cuộc thi 'Liên hoan nghệ thuật châu Á 2025' diễn ra tại Singapore. Vừa trở về với chiến thắng ấn tượng này, Minh Ngọc đã có những chia sẻ về con đường cũng như ước mơ âm nhạc mà mình theo đuổi.

Từng mơ làm kiến trúc sư hoặc thiết kế thời trang…

- Phóng viên: Chào Minh Ngọc, câu chuyện về cô bé 14 tuổi chẳng có kiến thức gì về âm nhạc nhưng lại giành chiến thắng cao nhất ở một cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp như “Tuyệt đỉnh song ca nhí” hẳn vẫn là kỷ niệm khó quên. Điều gì đã thôi thúc bạn ghi danh dự thi khi ấy?

- Ca sĩ Minh Ngọc: Mọi việc có lẽ gói gọn trong hai chữ “tình cờ”. Thời điểm đó, tôi tình cờ xem quảng cáo trên mạng và nói với mẹ: “Con muốn casting chương trình này. Nếu vượt qua thì con sẽ được vào TP.HCM thi tiếp và mọi chi phí đã có ban tổ chức lo”. Thế là bố mẹ đưa tôi từ Bắc Ninh lên Hà Nội để casting. Hôm ấy, nhạc sĩ Minh Vy làm Giám đốc âm nhạc chương trình đã cho thử giọng và tôi được chọn vào vòng tiếp theo. Cứ từng vòng như vậy, tôi thi với tâm thế “chắc mình sẽ bị loại thôi”. Nhưng tôi cứ vào sâu dần, sâu dần, rồi bất ngờ đăng quang. Các vòng thi diễn ra tại TP.HCM nên suốt 6 tháng sau tôi vừa học văn hóa ở quê nhà, vừa tranh thủ vào Sài Gòn thi. Cứ 1 tháng lại vào đó 1 - 2 tuần, thi xong lại ra học tiếp. Thú thật, ngay cả lúc tham dự cuộc thi, tôi cũng không nghĩ sau này mình sẽ đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp và trở thành ca sĩ.

- Vậy ước mơ trước đó là gì, điều gì đã khiến bạn thay đổi?

- Sau khi thi “Tuyệt đỉnh song ca nhí” tôi mới có ước mơ làm ca sĩ, chứ trước đó chỉ mong được làm kiến trúc sư, ngân hàng, hay thiết kế thời trang… Có lẽ do đi thi nên tôi được sống trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, có nhạc sĩ phối khí, có ban nhạc, có người lo hình ảnh... mọi thứ rất tuyệt vời. Trước đó, bố mẹ tôi dạy nhạc ở trường THPT, tôi còn nói với bố: “Con không thích học nhạc đâu”. Thế nên dù bố muốn dạy tôi đàn, mẹ muốn dạy tôi hát một cách bài bản, nhưng tôi toàn trốn vì không thích. Sau này khi học hết THPT và thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tôi mới chính thức học những nốt nhạc đầu tiên. Nhờ có sự định hướng của thầy cô và gia đình, tôi đã thi đỗ và học xong 4 năm Trung cấp Thanh nhạc ở học viện, sau đó học tiếp lên bậc đại học.

- Lần casting “Tuyệt đỉnh song ca nhí” ở Hà Nội, các giám khảo đã nhận xét về bạn thế nào?

- Lần casting đó tôi chọn hát dân ca và giới thiệu mình đến từ Bắc Ninh. Nghe thế, chú Minh Vy bảo: “Cháu hát thử một bài Quan họ cho chú xem nào”. Lúc đó trong phòng không có nhạc, tôi chỉ có mỗi chiếc điện thoại nên bật beat bài “Buôn bấc buôn dầu”. Sau màn trình diễn đó thì tôi được chọn vào quay vòng lộ diện phát trên truyền hình. Không ngờ tiết mục được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt. Giờ nhiều người vẫn nhắc cách đây 7 - 8 năm có một cô bé hát “Buôn bấc buôn dầu” tên là Minh Ngọc.

Từ năm thứ 4 học Trung cấp Thanh nhạc, tôi mới xuất hiện nhiều hơn, mọi người quen dần và theo dõi trên mạng xã hội, từ Facebook đến Tiktok. Tôi hay đăng các video hát dân ca, quan họ với khung cảnh “sống bờ mương” vì trước mặt nhà tôi ở có bờ mương và cánh đồng. Có những video rất đời thường như cuốc đất, trồng rau, cho gà ăn, hái lá, ôm chú cún… Tôi cứ vừa làm vừa hát và có những video thu hút “triệu view”. Ngay từ lúc quyết định đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp, tôi đã chọn hát dân ca theo lối truyền thống và thấy mọi người cũng thích thú.

Hát Quan họ theo cách của mình

- Ca sĩ Hòa Minzy rất nổi tiếng với “Bắc Bling”, bạn cũng sinh ra và lớn lên ở vùng quê Quan họ thì có thấy áp lực không?

- Tôi nghĩ là không, vì tôi chọn đường đi riêng. Chị Hòa Minzy nhiều kinh nghiệm hơn, chững chạc hơn, trưởng thành hơn và có hướng đi trẻ trung hơn. Tôi lại muốn đi theo con đường truyền thống. Trong học viện, giữa những bài thính phòng thì tôi vẫn có những bài kỹ thuật dân ca phải hoàn thành trong các kỳ thi, các bài này cũng thiên về truyền thống…

- Nhưng con đường này e là sẽ khó nổi tiếng như nhạc trẻ hoặc cách tân nhạc dân gian, hoặc hát dân gian đương đại, vì sao bạn vẫn kiên định chọn?

- Có thể do một phần khi còn nhỏ tôi thấy mình không hợp với âm nhạc sôi động, vũ điệu cũng chỉ nhẹ nhàng thôi. Không phải bài nào tôi cũng hát được. Nói thật, mọi người hỏi cảm xúc ở đâu để hát, tôi cũng chẳng biết phải nói thế nào. Cảm xúc cứ như sẵn ở trong máu vậy, tôi chẳng nghĩ nhiều đâu, cứ cất tiếng hát hay đứng trên sân khấu là như bị “nhập” vậy. Tôi hát dân ca 3 miền, nhưng vẫn thấy sở trường nhất là Quan họ.

Tôi nghĩ khán giả trẻ cũng sẽ quan tâm và bị thu hút bởi một người trẻ hát nhạc truyền thống. Biết đâu cùng tuổi trẻ nên chúng tôi có thể thu hút nhau. Tôi rất vui khi đọc được những bình luận trên mạng xã hội như: “Nhờ Minh Ngọc mà mình nghe Quan họ nhiều hơn” hay “Nghe cô này hát Quan họ cũng thấy hay hay”… Mặc dù những bài Quan họ truyền thống, Quan họ cổ, em cũng có nhiều dịp được nghe các nghệ nhân hát, có thể em không truyền đạt được 100% nhưng giữ lại được phần lớn và hát theo cách của mình.

Tự thấy bản thân hơi… lạ lạ

- Trở lại với tiết mục đoạt giải Vàng tại “Liên hoan nghệ thuật châu Á 2025” ở Singapore vừa rồi, bạn có thể chia sẻ về màn trình diễn đó không?

- Tại cuộc thi, tôi chọn ca khúc “Gửi về Quan họ”. Trước khi lên sân khấu, mọi người đã trầm trồ với bộ trang phục mà tôi chọn - một bộ tứ thân Quan họ cổ cách tân của nhà thiết kế Cao Minh Tiến, cũng chít khăn mỏ quạ nhưng màu hồng, họa tiết thêu trẻ trung. Khi tôi ra trình diễn, khán giả hầu hết là người nước ngoài đều vỗ tay rất nồng nhiệt, nhất là khi người dẫn chương trình giới thiệu đây là thể loại âm nhạc dân gian đặc trưng của Việt Nam. Tôi không rõ khán giả có hiểu hết ý tứ ca từ của bài hát không, nhưng ai cũng vỗ tay hưởng ứng rất thích thú.

- Cảm xúc của Minh Ngọc thế nào khi được xướng tên giải Vàng tại Liên hoan?

- Nói thật là lúc đi thi, tôi thấy mọi người chọn hát thính phòng, chỉ có tôi chọn hát dân ca nên tự thấy mình cũng hơi… lạ lạ. Khi hát bài “Gửi về Quan họ”, tôi chỉ nghĩ mang dân ca Việt Nam đến với bạn bè quốc tế chứ không ngờ lại đoạt giải. Lúc Ban tổ chức hỏi tại sao chọn trình diễn tiết mục này, tôi chia sẻ rất thật rằng, tôi cũng hát được nhạc thính phòng, hát được các nhạc phẩm quốc tế, nhưng tôi chọn dân ca vì muốn quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam. Tôi rất lo vì có thể ca khúc mà mình chọn không phù hợp với tiêu chí cuộc thi, nhưng cuối cùng không sao cả, may mắn đã đến. Khi ngồi ở phòng chờ, tôi nói chuyện với mấy bạn Singapore, Indonesia… họ cứ khen nức nở trang phục dân tộc của Việt Nam tuyệt đẹp. Tôi hỏi các bạn ấy có muốn học hát Quan họ không, họ bảo có. Thế là tôi dạy họ hát từng câu từng chữ. Sau đó gặp mấy chị trang điểm, làm tóc, ai cũng bảo tôi hát lại Quan họ đi, họ rất hào hứng nghe. Với tôi đó là niềm hạnh phúc vô cùng!

- Cuộc sống hiện tại của bạn thế nào?

- Hiện tại tôi vẫn ở nhà thuê. Tôi đi diễn, có thu nhập, cũng gọi là đỡ vất vả nhưng không quá nhiều. Tôi dùng tiền kiếm được để làm nhạc, thu âm, phối khí, ghi hình… Tôi muốn học thêm về đạo diễn vì rất thích lên kế hoạch, ý tưởng, viết MV, làm kịch bản chương trình, kết nối ê-kíp… Hiện dù đang đi học nhưng tôi may mắn ký được hợp đồng cộng tác với một số đơn vị nghệ thuật, trong đó có Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nên có nhiều cơ hội cọ xát với các chương trình nghệ thuật và sân khấu lớn.

- Cảm ơn những chia sẻ của Minh Ngọc!

Ý An

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cu-len-san-khau-la-nhu-bi-nhap-post618026.antd
Zalo