Cú hích từ chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Những vùng đất từng heo hút, thiếu điện, thiếu nước ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa nay đã có đường bê tông đến tận bản, trường học và trạm y tế kiên cố, đời sống người dân ngày một cải thiện.

Đó là kết quả rõ nét từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 (Chương trình 1719) trên địa bàn.

Từ nguồn vốn Chương trình 1719, nhiều công trình đã được khởi công xây dựng, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các thôn, bản vùng dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa

Từ nguồn vốn Chương trình 1719, nhiều công trình đã được khởi công xây dựng, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các thôn, bản vùng dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa

Chương trình 1719 được triển khai tại 174 xã, thị trấn thuộc khu vực miền núi Thanh Hóa, với hơn 70% dân số toàn vùng là người dân tộc thiểu số. Sau gần 4 năm thực hiện, chương trình đã tạo cú hích mạnh mẽ trong chuyển dịch diện mạo nông thôn miền núi, thúc đẩy phát triển bền vững và rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng.

Với tổng vốn đầu tư hơn 2.691 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ ngân sách Trung ương, chương trình đã thực hiện hàng trăm công trình hạ tầng thiết yếu, bao gồm: 471 công trình phục vụ sản xuất và dân sinh; 33 công trình nước sạch tập trung; 16 tuyến đường giao thông được cứng hóa; xây dựng, cải tạo 15 trạm y tế xã và 37 trường học dân tộc nội trú, bán trú. Kết quả này giúp 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ trường lớp học, trạm y tế được xây dựng kiên cố, đều đạt 100% kế hoạch đến năm 2025.

Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng” thuộc Chương trình 1719 được triển khai hiệu quả tại Thanh Hóa

Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng” thuộc Chương trình 1719 được triển khai hiệu quả tại Thanh Hóa

Ngoài tập trung vào phát triển hạ tầng, Chương trình 1719 còn chú trọng phát triển sinh kế bền vững. Thông qua các dự án phát triển chuỗi giá trị nông - lâm nghiệp, khôi phục làng nghề, phát triển du lịch cộng đồng… đã góp phần nâng thu nhập bình quân cho người dân khu vực dân tộc thiểu số từ 39,61 triệu đồng/người (năm 2023) lên 44,39 triệu đồng/người (năm 2024). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,6%, thấp hơn gần 7% so với năm trước.

Trong lĩnh vực sản xuất, tỉnh đã hỗ trợ phát triển 15 chuỗi giá trị liên xã, 83 dự án sản xuất cộng đồng, khoán bảo vệ hơn 258.000ha rừng. Song song với phát triển kinh tế, các giá trị văn hóa truyền thống cũng được bảo tồn: 2 lễ hội dân tộc tiêu biểu được khôi phục; 124 thiết chế văn hóa, thể thao thôn bản được xây dựng; hàng trăm đội văn nghệ dân gian được hỗ trợ duy trì hoạt động.

Ngoài ra, từ nguồn lực Chương trình 1719, hơn 330 lớp đào tạo nghề, 594 hội nghị hướng nghiệp đã được tổ chức; hàng nghìn lượt học sinh, lao động được hỗ trợ tham gia các lớp học nghề, tư vấn việc làm. Trong lĩnh vực y tế, 5 trung tâm y tế huyện được đầu tư, hàng chục nghìn lượt người dân được khám sức khỏe, tư vấn sinh sản và phòng bệnh.

Chương trình cũng ghi dấu ấn trong thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em qua hàng trăm buổi truyền thông, tập huấn, xây dựng hơn 340 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” và “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”. Hàng chục nghìn người dân được tiếp cận kiến thức pháp luật, bảo vệ quyền lợi và nâng cao vai trò trong cộng đồng.

Tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Chương trình 1719 giai đoạn 1 vào năm nay

Tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Chương trình 1719 giai đoạn 1 vào năm nay

Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu trong năm nay sẽ hoàn thành 19 chỉ tiêu của Chương trình 1719 giai đoạn 1, như: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% trường, lớp học, trạm y tế được kiên cố hóa; 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch hợp vệ sinh…

Tuy nhiên, theo địa phương, hiện còn 4 chỉ tiêu khó đạt, gồm: số xã, thôn, bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người; tỷ lệ học sinh THPT đến trường đúng độ tuổi. Ngoài ra, một số chính sách vẫn còn vướng mắc như định mức hỗ trợ đất ở thấp, thiếu hướng dẫn thực hiện với nhóm dân tộc đặc biệt khó khăn…

Ông Lê Minh Hành - Phó giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thanh Hóa - nhấn mạnh: “Để hoàn thành mục tiêu chương trình, cấp ủy, chính quyền cần phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, chủ động vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là yếu tố then chốt đưa Chương trình 1719 giai đoạn 1 về đích đúng hẹn”.

Dù còn một số khó khăn nhưng tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực hoàn thành toàn bộ các mục tiêu chương trình vào năm nay. Trong đó, trọng tâm là giảm hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số xuống dưới 5%, nâng thu nhập bình quân đầu người vượt mốc 66 triệu đồng/năm, 100% thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng và đội văn nghệ hoạt động thường xuyên.

Chương trình 1719 không chỉ là một giải pháp kinh tế - xã hội, mà còn là động lực để đồng bào dân tộc thiểu số Thanh Hóa thêm gắn bó với quê hương, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Quỳnh Trâm

Cù Thị Hương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thanh-hoa-cu-hich-tu-chuong-trinh-danh-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-2420610.html
Zalo