Cú 'bẻ lái' chạm Huy chương Vàng Olympic Hóa học ICHO 2025

Giành Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế ICHO 2025, Giang Đức Dũng, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đã có một cú 'bẻ lái thành công' từ Toán học.

Em Giang Đức Dũng, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), vừa xuất sắc giành Huy chương Vàng (HCV) Olympic Hóa học quốc tế (IChO) lần thứ 57, năm 2025. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam giành cả 4 HCV trong một kỳ thi IChO được tổ chức trực tiếp, ghi dấu ấn đậm nét trên đấu trường trí tuệ thế giới.

 Việt Nam xếp đồng hạng với Mỹ và Trung Quốc về số Huy chương Vàng tại Olympic Hóa học quốc tế ICHO 2025. Ảnh: NVCC.

Việt Nam xếp đồng hạng với Mỹ và Trung Quốc về số Huy chương Vàng tại Olympic Hóa học quốc tế ICHO 2025. Ảnh: NVCC.

Cú bẻ lái bước ngoặt

Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, chị Lưu Thị Thanh Loan, mẹ của Dũng chia sẻ, chị không quá bất ngờ khi nhận tin Dũng đạt giải cao, bởi năm ngoái, Dũng cũng từng đạt Huy chương Vàng (HCV) Olympic Hóa học Quốc tế Imcho lần thứ 58 tại Trung Quốc. Tuy nhiên,Khi nhận được tin con trai cùng đội tuyển một lần nữa mang vinh quang về cho đất nước, chị vẫn rất hạnh phúc và tự hào.

 Dũng cũng từng đạt Huy chương Vàng (HCV) Olympic Hóa học Quốc tế Imcho lần thứ 58 tại Trung Quốc. Ảnh: NVCC.

Dũng cũng từng đạt Huy chương Vàng (HCV) Olympic Hóa học Quốc tế Imcho lần thứ 58 tại Trung Quốc. Ảnh: NVCC.

"Bởi đây là Kỳ thi có quy mô lớn và uy tín nhất trên thế giới dành cho học sinh THPT trong lĩnh vực Hóa học. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam giành cả 4 HCV trong một kỳ thi IChO được tổ chức trực tiếp. Khi nhận tin từ các thầy cô trong đoàn thi của con, niềm vui vỡ òa", chị Loan chia sẻ.

 Với thành tích xếp thứ 14 thế giới, Giang Đức Dũng đã góp phần quan trọng vào cột mốc đáng tự hào của đội tuyển Việt Nam tại Olympic Hóa học quốc tế ICHO 2025. Ảnh: MOET.

Với thành tích xếp thứ 14 thế giới, Giang Đức Dũng đã góp phần quan trọng vào cột mốc đáng tự hào của đội tuyển Việt Nam tại Olympic Hóa học quốc tế ICHO 2025. Ảnh: MOET.

Ít ai biết rằng, "cậu bé Vàng" của Hóa học Việt Nam từng có một cú rẽ bất ngờ trên con đường học tập. Chia sẻ về hành trình này của con, chị Loan cho biết, Dũng có một chút nền tảng từ gia đình khi bố của em từng đạt giải Ba môn Hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, ban đầu Dũng lại có thiên hướng và đam mê với Toán học.

 Từ một học sinh định theo đuổi môn Toán, Dũng đã trở thành học sinh chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Ảnh: NVCC.

Từ một học sinh định theo đuổi môn Toán, Dũng đã trở thành học sinh chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Ảnh: NVCC.

Ngay từ bậc Tiểu học, Dũng đã giành được nhiều giải trong các kỳ thi Olympic Toán. Lên cấp 2, Dũng nằm trong top 4 thí sinh có điểm thi cao nhất vào Trường THCS Nguyễn Tất Thành với điểm tuyệt đối ở môn Toán. Năm lớp 6, Dũng tiếp tục giành giải Nhất cuộc thi Toán cấp trường và xác định sẽ theo chuyên Toán.

 Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế ICHO 2025 Giang Đức Dũng. Ảnh: NVCC.

Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế ICHO 2025 Giang Đức Dũng. Ảnh: NVCC.

Thế nhưng, đến lớp 7, Dũng bất ngờ chia sẻ với mẹ, rằng “môn Toán không hợp với con, hơi khó. So với các bạn, đầu óc con không nhanh nhạy bằng". Con tự nhận thấy mình không có thế mạnh ở lĩnh vực này. Lắng nghe con, hai mẹ con đã cùng nhau trao đổi và quyết định thử sức với môn Hóa. Thật may mắn, quyết định này đã mở ra một con đường đúng đắn. Dũng nhanh chóng tìm thấy đam mê và xác định theo đuổi môn Hóa một cách nghiêm túc.

Ý thức tự giác, chủ động trong học tập và đồng hành từ gia đình

Chị Loan cho hay, điểm nổi bật ở Dũng là ý thức tự giác, sự chủ động trong học tập. Bước vào lớp 1, Dũng có khởi đầu như bao bạn nhỏ khác, học “trường thường, lớp thường”. Cuối năm lớp 1, Dũng tham gia và đạt giải với số điểm cao nhất trong cuộc thi Trạng nguyên ở Trường. Sau đó, những thành tích đều đến từ nỗ lực bền bỉ của con, tạo nền tảng để con có những bước tiến sau này.

 Chặng đường học tập của Dũng, luôn có sự đồng hành từ gia đình. Ảnh: NVCC.

Chặng đường học tập của Dũng, luôn có sự đồng hành từ gia đình. Ảnh: NVCC.

Quyết định chuyển từ học Toán sang học Hóa, cũng xuất phát từ sự nhận biết, tự đánh giá năng lực và lựa chọn của con. Tuy nhiên, hành trình của Dũng không thể thiếu sự đồng hành, thấu hiểu của gia đình. Chị Loan không bao giờ áp đặt mà luôn lắng nghe, tâm sự để tìm ra thế mạnh, thế yếu của con. Khi con gặp vướng mắc, hai mẹ con lại cùng nhau tháo gỡ.

Để tìm được môi trường học tập tốt nhất, chị đã chủ động tìm hiểu và kết nối với phụ huynh của các học sinh khóa trước đã đạt thành tích cao. "Tôi học hỏi kinh nghiệm từ họ, hỏi xem các con đã học thầy cô nào, theo lộ trình ra sao. Từ đó, tôi tìm lớp, tìm thầy và xin cho con được theo học, đi theo con đường mà những người thành công đi trước đã vạch ra", chị Loan chia sẻ.

Khi có đam mê, học tập không là gánh nặng

Từ khi chuyển sang môn Hóa năm lớp 7 và có mục tiêu thi vào trường chuyên, lịch học của Dũng khá dày. Ngoài các môn chính ở trường, Dũng còn theo học các thầy giỏi ở ngoài. Thời gian gần như kín hết, nhưng đó là sự lựa chọn và đam mê của con, nên con không thấy mệt mỏi. Ngoài giờ học, Dũng chơi đàn guitar, đi bơi để thư giãn.

 Gia đình đón Dũng trở về với chiếc huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế ICHO 2025.

Gia đình đón Dũng trở về với chiếc huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế ICHO 2025.

"Lịch học của con đúng là rất dày đặc, nhưng điều quan trọng nhất là con được học đúng với đam mê của mình. Tôi tin rằng khi một đứa trẻ có năng khiếu và được đặt vào đúng môi trường, việc học không còn là gánh nặng mà trở thành nguồn cảm hứng", chị Loan tâm sự.

Chị Loan cho rằng khi các con đã có đam mê, bố mẹ không cần phải ép buộc hay thúc giục nhiều. Môi trường học tập, đặc biệt là ở các lớp chuyên cho các con động lực rất lớn, vì thầy giỏi, bạn giỏi và các con tự bảo ban nhau tiến bộ.

Từ những kinh nghiệm của mình, chị Loan cho rằng điều quan trọng nhất trong việc giáo dục con là sự đồng hành và định hướng từ sớm. "Hãy chia sẻ và lắng nghe con kịp thời. Việc đồng hành cùng con không chỉ là tìm thầy giỏi, lớp tốt mà còn là việc lắng nghe, thấu hiểu và cùng con lên kế hoạch và thực hiện mục tiêu một cách vững chắc nhất", chị Loan chia sẻ.

Bảng thành tích đáng nể của Huy chương Vàng Giang Đức Dũng

Lớp 9:

- Giải Nhất cấp Quận môn Hóa học.

- Giải Nhất cấp Thành phố môn Hóa học

- Học sinh tiêu biểu Thủ đô năm 2022-2023, học sinh tiêu biểu Quận Cầu Giấy năm 2022-2023

- Tuyển thẳng Trường THPT Chuyên Sư phạm, Chuyên Khoa học Tự nhiên, đỗ THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ.

Lớp 10:

- Huy chương Vàng Olympic Khoa học tự nhiên năm học 2022-2023.

- Giải Ba HSG môn Hóa học cấp Đại học Quốc gia năm học 2022-2023.

Lớp 11:

- Giải Nhất trong kỳ thi HSG cấp Quốc Gia môn Hóa học năm học 2023- 2024.

- Giải Nhất HSG cấp Đại học Quốc gia môn Hóa học năm học 2023- 2024 .

- Huy chương Vàng Olympic Hóa học Quốc tế Imcho lần thứ 58 tại Trung Quốc năm 2024.

- Bằng khen Bộ trưởng Bộ giáo dục, Bằng khen của Giám đốc ĐHQG, Bằng khen của Hội Hóa học Việt Nam năm 2024.

Lớp 12:

- Giải Nhất trong kỳ thi HSG cấp Quốc Gia môn Hóa học ( TOP 3) năm học 2024-2025.

- Giải Nhất HSG cấp Đại học Quốc gia môn Hóa học năm học 2024-2025.

- Huy chương Vàng Olympic Hóa học Quốc tế Icho lần thứ 57 tại UAE năm 2025.

- Kết nạp Đảng tháng 6/2025.

- Bằng khen Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/cu-be-lai-cham-huy-chuong-vang-olympic-hoa-hoc-icho-2025-post1555506.html
Zalo