Cốt cách 'người Thông tin và Truyền thông'
Lời thề của 'người Bưu điện', lời hứa giữ bản lĩnh của 'người làm báo', lời hứa danh dự của 'người làm thông tin' là những mảnh ghép trong bức tranh 'cốt cách' của người làm Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Trải qua 80 năm đồng hành cùng đất nước, người làm Bưu điện, Thông tin tuyên truyền, Báo chí… luôn tự hào về truyền thống ngành, tự hào đóng góp công sức, trí tuệ và cả máu xương để góp phần đưa đất nước phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và tiến xa hơn nữa sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn.
Từ những lời dạy của Người…
Theo Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Ðỗ Trung Tá, trong suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm thích đáng đến công tác thông tin liên lạc.
Tư tưởng thông tin liên lạc phải dựa vào dân, gắn bó với nhân dân chính là một phần của tư tưởng chiến tranh nhân dân và cao hơn là tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta.
Ngày 05/01/1946, trong Chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ” cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, đề cập công tác giao thông, thông tin liên lạc. Ngày 17/1/1946, trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng”, “thù trong giặc ngoài” của những ngày đầu xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, Người đã dành thời gian đến thăm “chớp nhoáng” Bưu điện Trung ương Bờ Hồ.
Bỏ qua những lời hoa mỹ, Người nói: “Tuy ta giành được chính quyền, giành được độc lập nhưng nhân dân còn đói khổ vì vừa trải qua chiến tranh và lũ lụt làm chết đói hàng triệu người. Vì vậy mọi người hãy ủng hộ Chính phủ, vượt qua khó khăn tạm thời, góp phần xây dựng đất nước”.
“Lời yêu cầu ủng hộ Chính phủ một cách mộc mạc khi động viên cán bộ viên chức ở đây dốc lòng phục vụ chế độ mới được những người làm Bưu điện coi như lời hiệu triệu.
Cuộc viếng thăm Bưu điện Bờ Hồ đã để lại ấn tượng rất sâu sắc và là nguồn động viên to lớn với cán bộ, viên chức Bưu điện Thủ đô nói riêng và ngành Bưu điện Việt Nam nói chung”, ông Tá nói.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ sự cấp thiết trong việc bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống.
Thực tế, ngay từ tháng 5/1941 tại căn cứ địa cách mạng ở Pác Bó (Cao Bằng), khi mà chúng ta còn chưa giành được chính quyền Người đã dạy: “Việc liên lạc là một việc quan trọng nhất trong công tác cách mạng, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”.
Lời dạy của Người về thông tin liên lạc thực sự đã trở thành kim chỉ nam, thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hình thành, chiến đấu và trưởng thành của công tác thông tin liên lạc cách mạng nước ta.
Với lĩnh vực báo chí, Người không những là người sáng lập nhiều tờ báo cách mạng Việt Nam, mà còn là một nhà báo lớn. Từ thực tiễn cách mạng và kinh nghiệm hoạt động báo chí, Người đã có nhiều đúc kết thành những quan điểm toàn diện và sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ, tính chất của báo chí trong sự nghiệp cách mạng; về nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm báo; về đạo đức báo chí và phong cách làm báo, viết báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định “báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang.
… đến những lời thề danh dự của ngành
Thấm nhuần tư tưởng và khắc ghi lời dạy của Người, những người làm trong ngành TT&TT luôn tâm niệm phải đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ Ðảng và Nhà nước, phụng sự nhân dân; chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – nhiệm vụ này được coi như một lời hứa danh dự của những người làm nghề. Những khẩu hiệu như: “Ðứt dây như đứt ruột, gẫy cột như gẫy xương”, “Ðường thư là mặt trận, xe thư là vũ khí”… được coi là những lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của người Bưu điện.
Chính vì lời thề và lẽ sống đó, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng với lực lượng thông tin quân sự, ngành Bưu điện đã vượt qua mọi khó khăn, giữ vững huyết mạch thông tin phục vụ chiến đấu, góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Gần 1 vạn người con ưu tú của ngành Bưu điện đã ngã xuống trên khắp các chiến trường cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Bước vào thời kỳ thống nhất đất nước và tham gia công cuộc Ðổi mới, những người con của ngành TT&TT cũng tham gia thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
10 chữ vàng: “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” được ra đời trong thời kỳ này, là 10 chữ vàng được cha anh viết bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu để tạo nên bản sắc của ngành TT&TT, làm nên cốt cách của người Bưu điện.
Theo ông Nguyễn Tăng Liêm, nguyên Chủ tịch Công đoàn Ngành Bưu điện Việt Nam: “Ngành Bưu điện sinh ra từ Cách mạng, để làm Cách mạng và 10 chữ vàng của Ngành được tạo dựng từ những người giao liên và thế hệ sau cần tiếp tục phát huy 10 chữ vàng đó”.
Với lĩnh vực báo chí, 512 nhà báo đã ngã xuống để ghi lại những thước phim, phản ánh sống động những diễn biến tại chiến trường trong các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc được coi là những lời thề cao cả nhất.
Bằng ngòi bút sắc bén, các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng đã hòa mình vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền Nam.
Nhiều tấm gương xung phong vào chiến trường trực tiếp chiến đấu và công tác, nhiều tác phẩm báo chí ra đời ngay trên chiến hào với bản thảo được viết bằng máu.
Trong công cuộc Ðổi mới và hội nhập hiện nay, với 884 cơ quan báo chí, 21.000 nhà báo được cấp thẻ chính là những chiến sĩ trên mặt trận thông tin. Và để giữ vững được bản lĩnh người làm báo, trung thành với nguồn tin, hành xử chuyên nghiệp trong công tác cũng được coi là một lời thề danh dự.
Chính vì vậy, ngày 16/12/2016, tại Hà Nội, Hội nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Ðây không chỉ là cẩm nang cho người làm báo, nó còn là lời thề danh dự của những người làm nghề - đội ngũ cầm bút trên mặt trận tư tưởng, thông tin.
Với lĩnh vực Bưu điện, lời thề của những “cán bộ đường dây” là không để Việt Nam tụt hậu. Có lẽ vì thế, ngay những ngày đầu thiết lập hạ tầng của ngành viễn thông, tần số vô tuyến điện cho tới công cuộc chuyển đổi số hiện nay, Việt Nam luôn có những bước nhảy vọt, thậm chí là kỳ tích.
Ví dụ, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc cho ngành đường sắt chỉ trong 8 tháng; phổ cập Internet nhanh, hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất sớm ở khu vực, tắt sóng 2G và thương mại hóa 5G nhanh top đầu châu Á; công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đã đã thực sự trở thành toàn dân và toàn diện.
Xét cho cùng, lời thề là danh dự, là sinh mệnh, là đạo lý và phẩm giá để làm người. Chính vì lẽ đó, dù ở đâu - những người “làm Bưu điện, làm Báo chí, làm Tuyên truyền…” đều nêu cao được phẩm chất đạo đức, tác phong nghiệp vụ, cốt cách của những người làm TT&TT.