COP29 kéo dài thêm thời gian do các nước nghèo từ chối lời đề nghị 250 tỷ USD

Hội nghị khí hậu 2024 của Liên hợp quốc (COP29) đã phải kéo dài sang thứ Bảy, sau khi các quốc gia đang phát triển từ chối lời đề nghị trị giá 250 tỷ USD từ các nước giàu để giúp họ giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu.

Chủ nhà COP29 Azerbaijan cho biết các cuộc đàm phán sẽ kéo dài "suốt đêm" tại thành phố Baku để đưa ra một văn kiện cuối cùng. Văn bản này sẽ được trình lên gần 200 quốc gia để phê duyệt vào thứ Bảy, dự kiến không sớm hơn 10 giờ sáng giờ địa phương.

"Thật đáng xấu hổ khi đưa ra các văn bản như thế này", Tina Stege, đặc phái viên về khí hậu của Quần đảo Marshall, một quốc gia đảo bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao, cho biết.

 Người biểu tình kêu gọi các quốc gia phát triển cung cấp tài chính để chống lại biến đổi khí hậu tại Baku, Azerbaijan vào ngày 22 tháng 11 năm 2024. Ảnh: Reuters

Người biểu tình kêu gọi các quốc gia phát triển cung cấp tài chính để chống lại biến đổi khí hậu tại Baku, Azerbaijan vào ngày 22 tháng 11 năm 2024. Ảnh: Reuters

Chủ nhà COP29 Azerbaijan kêu gọi các quốc gia tiếp tục nỗ lực, nhưng thừa nhận rằng con số 250 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho tới vào năm 2035 là không "công bằng hoặc đủ tham vọng".

Liên minh các quốc đảo nhỏ, nơi biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu, cho biết lời đề nghị này cho thấy "sự khinh miệt đối với những người dân dễ bị tổn thương của chúng ta".

Ali Mohamed, Chủ tịch của Nhóm đàm phán châu Phi, một khối có ảnh hưởng khác đang bị đe dọa bởi thảm họa khí hậu, gọi đề xuất này là "hoàn toàn không thể chấp nhận được và không đủ".

Một nhóm gồm 134 quốc gia đang phát triển bao gồm Trung Quốc đã yêu cầu ít nhất 500 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho chi phí xây dựng khả năng phục hồi chống lại biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh.

Đức, nước sẽ tổ chức COP30 vào năm tới, cho biết các quốc gia không thể tự mình đáp ứng các chi phí này. Việc tái cấu trúc nợ và các đòn bẩy tài chính khác sẽ cần phải được tính đến.

Châu Âu muốn "thực hiện trách nhiệm của mình, nhưng cũng theo cách không đưa ra những lời hứa mà mình không thể thực hiện", Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên.

 COP29 sẽ tiếp tục kéo dài đàm phán sang hôm nay do các bên vẫn chưa thống nhất được khoản phí đền bù khí hậu từ các nước giàu. Ảnh: Reuters

COP29 sẽ tiếp tục kéo dài đàm phán sang hôm nay do các bên vẫn chưa thống nhất được khoản phí đền bù khí hậu từ các nước giàu. Ảnh: Reuters

Bản dự thảo văn kiện COP29 cũng đặt ra mục tiêu chung đầy tham vọng là huy động ít nhất 1,3 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm kể từ năm 2035, không chỉ từ các nước giàu có mà còn từ khu vực tư nhân.

Các quốc gia đang phát triển không bao gồm Trung Quốc cần 1 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm từ sự hỗ trợ bên ngoài vào năm 2030, theo các nhà kinh tế được Liên hợp quốc ủy quyền đánh giá.

Cũng chính những nhà kinh tế này cho biết hôm thứ Sáu rằng 250 tỷ đô la là "quá thấp và không nhất quán" với các mục tiêu đã thống nhất trên toàn cầu để kiểm soát biến đổi khí hậu.

Obed Koringo, một nhà hoạt động người Kenya của CARE, cho biết 250 tỷ USD là "một trò đùa". Ông nói: "Từ châu Phi, nơi tôi đến, chúng tôi muốn nói rằng... không có thỏa thuận nào còn tốt hơn một thỏa thuận tồi".

Mỹ và Liên minh châu Âu muốn các nền kinh tế mới nổi giàu có như Trung Quốc - nước phát thải lớn nhất thế giới - tham gia vào việc phải bồi thường khí hậu.

Trung Quốc, vẫn được phân loại là một quốc gia đang phát triển theo khuôn khổ của Liên hợp quốc, cung cấp hỗ trợ khí hậu nhưng muốn tiếp tục thực hiện theo các điều khoản tự nguyện của riêng mình.

Các cuộc đàm phán về khí hậu hàng năm do Liên hợp quốc dẫn đầu diễn ra vào thời điểm thế giới đang chuẩn bị ghi nhận năm 2024 sẽ là năm nóng nhất lịch sử kể từ khi được ghi chép và khi các thảm họa thiên nhiên liên quan tới biến đổi khí hậu đang gia tăng trên khắp thế giới.

Ngay từ khi COP29 bắt đầu vào ngày 11/11, những cơn bão chết người tiếp tục tấn công Philippines và Honduras. Ecuador đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do hạn hán và cháy rừng, còn Tây Ban Nha vẫn phải vật lộn sau trận lũ lịch sử.

Hoàng Hải (theo COP29, AFP, CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cop29-keo-dai-them-thoi-gian-do-cac-nuoc-ngheo-tu-choi-loi-de-nghi-250-ty-usd-post322525.html
Zalo