Công ty TAMAC: Nỗ lực phục hồi chuyển lỗ thành lãi
Bước qua 6 tháng đầu năm 2025, Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp (TAMAC) đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực dù đối mặt với hàng loạt khó khăn nội tại và thách thức từ thị trường.
Với sự điều hành linh hoạt, kiên trì ổn định sản xuất và kiểm soát chi phí, Công ty TAMAC không chỉ duy trì được nhịp độ hoạt động mà còn lần đầu chuyển từ lỗ sang có lãi sau thời gian dài.
Doanh thu tăng, lợi nhuận dương trở lại
Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chủ yếu của Công ty TAMAC trong 6 tháng đầu năm 2025 đều tăng so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 11,2 tỷ đồng, tăng 7%; doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 20,6 tỷ đồng, tăng 10%, đặc biệt, lợi nhuận trước thuế đạt 0,6 tỷ đồng, chuyển từ âm sang dương và vượt kế hoạch năm.

Biểu đồ so sánh kết quả kinh doanh của TAMAC trong 6 tháng đầu năm 2024, ước thực hiện 6 tháng 2025 và kế hoạch năm 2025.
Kết quả khả quan này chủ yếu đến từ việc duy trì ổn định sản xuất và tiêu thụ dòng máy kéo BS12A1, sản phẩm chủ lực của Công ty TAMAC với sản lượng đạt 218 chiếc, tăng 7% so với cùng kỳ và đạt 59% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, việc thanh lý các tài sản không còn giá trị sử dụng cũng giúp cải thiện lợi nhuận, dù đây là nguồn thu không thường xuyên.
Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm của Công ty TAMAC vẫn thiên về các dòng truyền thống chưa có tính đột phá như máy kéo 2 bánh BS6 và BS86, vốn đang dần mất lợi thế trên thị trường do cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc, Nhật Bản và hàng đã qua sử dụng. Một số sản phẩm tiêu thụ chậm do không còn phù hợp với thị hiếu hoặc điều kiện canh tác vùng miền. Hiện nay sản phẩm máy kéo hai bánh của TAMAC chủ yếu tiêu thụ tại một số địa phương có diện tích canh tác nhỏ. Trong 6 tháng đầu năm, sản phẩm máy kéo BS6 tiêu thụ 52 chiếc, BS86 tiêu thụ 50 chiếc, đạt 100% kế hoạch nhưng chưa tạo ra đột phá về doanh thu.
Hoạt động sản xuất vẫn gặp nhiều rào cản như hệ thống thiết bị lạc hậu, chưa có định hướng đầu tư tổng thể, khiến doanh nghiệp khó cải tiến kỹ thuật hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm. Chi phí quản lý và bán hàng dù được kiểm soát trong kế hoạch nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khá cao, lần lượt 24,3% và 2,2% trên tổng doanh thu, ảnh hưởng tới biên lợi nhuận chung.

Máy kéo hai bánh BS12 của Công ty TAMAC
Ngoài ra, hoạt động hợp tác nội bộ với các đơn vị như DISOCO, Trần Hưng Đạo, Cơ khí Chính xác số 1... tiếp tục được duy trì, giúp tạo việc làm ổn định và góp phần tăng doanh thu. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu từ hợp tác vẫn còn khiêm tốn.
Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2025, Công ty TAMAC đã đạt được bước tiến đáng khích lệ khi thoát khỏi tình trạng thua lỗ. Tuy nhiên, nếu loại bỏ khoản thu từ thanh lý tài sản, hoạt động cốt lõi vẫn chưa thật sự ổn định. Do đó, trong thời gian tới, Công ty cần quyết liệt hơn trong tái cơ cấu sản phẩm, đổi mới công nghệ và phát triển nhân lực để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Đẩy mạnh tiêu thụ các dòng sản phẩm chủ lực
Để duy trì và mở rộng kết quả đã đạt được trong nửa đầu năm, Công ty TAMAC sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2025, trọng tâm là tái cơ cấu sản phẩm, đầu tư công nghệ và nhân lực. Trước tiên, công ty xác định tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ các dòng sản phẩm chủ lực, đặc biệt là máy kéo BS12A1, dòng máy hiện đang có thị trường ổn định và tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao. Đồng thời, TAMAC sẽ đưa sản phẩm cải tiến BS6 ra thị trường Tây Bắc vào cuối năm 2025, kỳ vọng mở rộng địa bàn tiêu thụ và khơi thông đầu ra tại khu vực trung du miền núi.

TAMAC chủ trương khai thác thêm các sản phẩm phi truyền thống nhằm tận dụng hiệu quả dây chuyền thiết bị hiện có
Cùng với đó, TAMAC chủ trương khai thác thêm các sản phẩm phi truyền thống nhằm tận dụng hiệu quả dây chuyền thiết bị hiện có. Các sản phẩm như hộp số, phụ tùng máy gặt đập, sản phẩm kết cấu cơ khí... được xác định là hướng đi tiềm năng để mở rộng quy mô sản xuất và giảm phụ thuộc vào thị trường máy kéo đang thu hẹp.
Trong công tác điều hành, Công ty tiếp tục chú trọng kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tăng cường quản lý vật tư đầu vào, hạn chế tồn kho và đẩy mạnh thu hồi công nợ. Việc tiết giảm chi phí sẽ góp phần cải thiện biên lợi nhuận, đồng thời nâng cao năng lực tài chính vốn đang còn hạn chế.
Về nhân lực, TAMAC sẽ tập trung đào tạo tại chỗ lực lượng lao động trẻ, đồng thời tuyển dụng bổ sung kỹ sư và thợ tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất các đơn hàng lớn hoặc sản phẩm mới. Đây được xem là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện khả năng cạnh tranh lâu dài.
Rà soát, đánh giá lại toàn bộ danh mục sản phẩm hiện có, loại bỏ dần những dòng sản phẩm không còn phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện canh tác. Qua đó từng bước định hình chiến lược phát triển mới, hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và tạo sức bật cho các năm tiếp theo.
Với kết quả bước đầu tích cực và những định hướng phù hợp trong giai đoạn tới, TAMAC đang cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận trong quá trình phục hồi. Nếu thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, Công ty hoàn toàn có khả năng duy trì đà tăng trưởng và từng bước lấy lại vị thế trong lĩnh vực máy kéo và máy nông nghiệp.