Công tác giám sát của Mặt trận đối với hoạt động của chính quyền cơ sở thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Giám sát là phương thức quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và cũng là phương thức kiểm soát quyền lực của Nhân dân từ bên ngoài để thực hiện cơ chế 'Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ', góp phần tạo đồng thuận xã hội và gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, tháng 7/2023. (Ảnh: Quang Vinh)

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, tháng 7/2023. (Ảnh: Quang Vinh)

Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở thông qua việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Thực hiện chức năng giám sát theo quy định, hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cấp cơ sở đều ban hành kế hoạch tiến hành các cuộc giám sát thông qua các hình thức: nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thời gian qua, để tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có giám sát về công tác tổ chức cán bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 06/6/2018 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII đã xác định rõ vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát công tác tổ chức cán bộ... Trong đó, hầu hết là hướng về giám sát hoạt động của cấp cơ sở, chính quyền cấp cơ sở trong hệ thống chính trị.

Nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về giám sát công tác tổ chức cán bộ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ban hành Chương trình phối hợp số 30/CTPH-MTTW-TCTV ngày 30/10/2018 về phối hợp giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII.

Trọng tâm là xác định rõ những vấn đề mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung phối hợp như: Giám sát việc triển khai, thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ; giám sát việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; giám sát việc triển khai xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; việc thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự; cung cấp, trao đổi thông tin và giải trình khi có yêu cầu; giám sát, xác minh, kiến nghị xử lý kịp thời thông tin phản ánh từ các tổ chức, cá nhân và phương tiện thông tin đại chúng đối với các nội dung liên quan đến đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; giám sát các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giám sát việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên.

Để việc giám sát được thực hiện thống nhất trong hệ thống, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Thông tri hướng dẫn số 10/TT-MTTW-BTT ngày 22/9/2020 về hướng dẫn giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ, trong đó tập trung giám sát một số nội dung sau:

Thứ nhất, đối với giám sát việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ: Giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định về xây dựng đội ngũ cán bộ. Giám sát việc công khai và thực hiện quy trình các khâu trong quản lý cán bộ; giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự lãnh đạo của từng cấp theo quy định; việc cung cấp, trao đổi thông tin và giải trình khi có yêu cầu; trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ. Căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp lựa chọn các khâu để giám sát cho phù hợp với từng thời điểm cụ thể; thực hiện linh hoạt giám sát thường xuyên, đột xuất, định kỳ tổng hợp, phản ánh ý kiến của Nhân dân, người có uy tín tiêu biểu về công tác cán bộ đến cấp ủy, chính quyền, nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp (người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền).

Thứ hai, giám sát việc thực hiện các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền theo Quy định số 205- QĐ/TW của Bộ Chính trị: Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện việc theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; lắng nghe ý kiến Nhân dân; phản ánh, cung cấp thông tin với cấp ủy, chính quyền những trường hợp cán bộ thiếu tiêu chuẩn, không trung thực, biểu hiện lợi dụng công tác cán bộ, vi phạm nguyên tắc, quy định, có các biểu hiện tiêu cực, hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp có thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ.

Thứ ba, giám sát việc thực hiện trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân thực hiện góp ý, giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam thực hiện nghiêm túc và hiệu quả nhiệm vụ giám sát bầu cử, góp phần đảm bảo các cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng để giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước; giám sát công tác tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên cũng được quan tâm thực hiện thường xuyên.

Theo “Đề án nghiên cứu thể chế hóa nội dung dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm đề xuất giải pháp thể chế hóa nội dung “dân giám sát”, “dân thụ hưởng” do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2022, những kết quả nổi bật trong công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở thông qua việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng như sau:

Về kết quả hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

Trong giai đoạn 2015-2020, thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ trì hoặc phối hợp với các các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước triển khai nhiều chương trình, hoạt động giám sát[1]; Đặc biệt, hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ... và nhiều chương trình phối hợp giám sát khác đã mang lại những kết quả rất rõ rệt, đáng ghi nhận. Trong thời gian này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở cơ sở đã chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện giám sát được 531.411 cuộc; trong đó, cấp tỉnh: 7821 cuộc; cấp huyện: 48.303 cuộc; cấp xã: 475.287 cuộc.

Về kết quả hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân

Theo Báo cáo của Ban Thường trực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tiếp tục được duy trì và phát huy. Tính đến năm 2018, tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có 10.956 Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Tổng số Ủy viên ban Thanh tra nhân dân là 94.184 người. Hầu hết Trưởng ban Thanh tra nhân dân là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn hoặc trưởng các đoàn thể. Đa số các thành viên Ban Thanh tra nhân dân là những người có hiểu biết pháp luật, trung thực, tự nguyện, có tinh thần trách nhiệm, được Nhân dân tín nhiệm. Trong giai đoạn 2014 - 2018, tổng số cuộc giám sát do Ban Thanh tra nhân dân thực hiện là 189.461 cuộc. Số vụ việc kiến nghị xử lý: 24.705, số vụ việc được cơ quan có thẩm quyền xử lý là 3.451. Tổng số hiện vật thu hồi là 598.783 m2 đất, tiền thu về là 6.100.125.000 đồng.

Đối với hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách - pháp luật ở cơ sở, Ban Thanh tra tập trung giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân như: giám sát việc thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, lao động công ích; giám sát hoạt động của đại biểu dân cử; việc thu chi, quản lý các loại quỹ từ Nhân dân đóng góp; việc thực hiện chính sách pháp luật với người có công; việc quản lý đất đai; trật tự đô thị; các công trình xây dựng, các chính sách kinh tế, xã hội. Qua giám sát, Thanh tra nhân dân đã phát hiện và kiến nghị nhiều vụ việc vi phạm, giúp chính quyền và các cơ quan chức năng khắc phục được những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước.

Đối với hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, trong nhiều năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo ngày càng phức tạp, có nơi, có lúc gia tăng do sự phát triển kinh tế, đô thị hóa và hình thành khu công nghiệp, tranh chấp đất đai, đền bù đất đai, môi trường ô nhiễm, việc điều hành và quản lý ở địa phương... đòi hỏi các cấp các ngành phải nâng cao trách nhiệm của mình trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhân dân, trong đó việc giám sát của Thanh tra nhân dân đã góp phần tích cực vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người.

Đối với hoạt động giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, hoạt động của Thanh tra nhân dân có nhiều thuận lợi, tạo điều kiện cho Thanh tra nhân dân phát huy vai trò giám sát, phát hiện, kiến nghị, qua đó vai trò đại diện quyền dân chủ cho Nhân dân được thể hiện rõ hơn. Thanh tra nhân dân thay mặt Nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, vì vậy ý thức làm chủ của Nhân dân ngày một nâng lên. Ban Thanh tra nhân dân tập trung vào những nội dung được quy định trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ để giám sát và động viên Nhân dân giám sát.

Tuy nhiên, trong tất cả những nội dung giám sát theo quy định của pháp luật, Thanh tra nhân dân cũng chỉ mới tiến hành giám sát và đạt kết quả ở một số nội dung giám sát như: Hoạt động của HĐND và UBND, việc thực hiện Nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND, hoạt động của đại biểu HĐND và cán bộ xã, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền, việc nghiệm thu và quyết toán các công trình do dân đóng góp, thu chi các loại quỹ và lệ phí, các khoản đóng góp của Nhân dân, việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi, giúp đỡ thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, những người và gia đình có công với nước. Ngoài ra, Thanh tra nhân dân còn giám sát việc bầu trưởng thôn, trưởng ấp và tham gia các Ban Giám sát công trình, thực hiện quyền giám sát đối với những công trình hạ tầng cơ sở do Nhân dân tự đóng góp hoặc Nhân dân và Nhà nước cùng làm.

Về kết quả hoạt động giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Trong giai đoạn 2014 - 2018, tổng số Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cấp xã trên cả nước là 12.946; Tổng số ủy viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là 92.285 người, trong đó số kiêm nhiệm 49%; số ban được cấp kinh phí là 8.737; số Ban chưa được cấp kinh phí là 4.209. Tổng số cuộc giám sát do Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện là 173.929 cuộc; Số việc kiến nghị xử lý là 6.679 việc. Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giúp tránh thất thoát, thu về cho Nhà nước được 11.833.943.000 đồng.

Thực tế cũng cho thấy, có những khó khăn, vướng mắc sau đây đối với công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

Một là, việc xác định đối tượng, nội dung, phương thức triển khai thực hiện giám sát ở một số nơi còn lúng túng. Tính chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương chưa cao, còn không ít Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương chưa chủ động công tác giám sát, thậm chí còn có tư tưởng trông chờ sự chỉ đạo của cấp ủy và đề xuất của các cơ quan nhà nước. Việc triển khai giám sát đối với cá nhân cán bộ, đảng viên còn lúng túng về phương pháp, cách làm.

Hai là, nhận thức về công tác giám sát của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa thống nhất, chưa đúng bản chất của hoạt động giám sát. Đôi khi, chưa phân biệt được về chủ thể, nội dung, tính chất giữa giám sát của cơ quan dân cử và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ba là, nội dung văn bản trả lời của nhiều cơ quan, tổ chức được giám sát còn chung chung, hoặc không chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu hoặc có ý kiến phản hồi.

Bốn là, một số địa phương chưa quan tâm vận dụng tốt 4 hình thức giám sát cho phù hợp với từng nội dung giám sát; mới chú trọng hình thức giám sát theo đoàn và phối hợp giám sát, chưa quan tâm đến việc giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản. Phương pháp giám sát chưa thu hút được sự quan tâm, tham gia của Nhân dân.

Năm là, trình độ, năng lực cán bộ tham mưu công tác giám sát còn hạn chế, chất lượng các văn bản kiến nghị giám sát còn chưa bảo đảm, nhiều nơi còn hình thức, chủ yếu tập trung góp ý kỹ thuật soạn thảo văn bản. Một số nơi còn nhầm lẫn hoạt động giám sát với hoạt động kiểm tra nội vụ; nhầm lẫn giữa hoạt động giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước với hoạt động giám sát thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Sáu là, trong thực hiện hoạt động giám sát, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở một số địa phương chưa thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát. Việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát ở nhiều nơi chưa được chú trọng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao.

Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân là:

Thứ nhất, ở một số nơi, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân còn hạn chế, hình thức, chậm được kiện toàn, củng cố; việc xây dựng chương trình hoạt động hàng năm, chế độ sinh hoạt tháng, quý chưa được duy trì thường xuyên nên không kịp thời nắm bắt được những ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để kịp thời giám sát.

Thứ hai, vị trí, vai trò, trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân ở một số nơi chưa thực sự coi trọng và sử dụng như một công cụ giám sát của Nhân dân. Công tác thi đua khen thưởng, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác này chưa được làm thường xuyên, kịp thời do đó chưa khuyến khích sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình từ thành viên Ban Thanh tra nhân dân.

Thứ ba, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở một số nơi chưa tham gia thường xuyên và chủ động phối hợp với chính quyền trong việc xử lý những kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân, do vậy chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc trong Nhân dân dẫn đến vẫn còn hiện tượng đơn thư kéo dài, vượt cấp.

Thứ tư, nội dung giám sát của Thanh tra nhân dân phức tạp, đòi hỏi người giám sát phải có trình độ chuyên môn sâu, rộng. Công tác tuyên truyền, phổ biến về việc giám sát của Nhân dân cho các chủ thể có liên quan như chính quyền địa phương, cán bộ Mặt trận ở một số nơi còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời.

Thứ năm, kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (02 triệu đồng/01 năm/01 Ban) là quá thấp, không đủ để Ban Thanh tra nhân dân duy trì hoạt động, ở một số nơi mức kinh phí này cũng chưa đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Mức kinh phí này quá thấp so với thực tế công việc, không đủ để chi cho các hoạt động và điều kiện làm việc cho Ban Thanh tra nhân dân của xã, do vậy ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc, có nơi không chú trọng đến nhiệm vụ..

Thứ sáu, quy định về số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân tối đa là 11 người chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, vì thực trạng hiện nay có nhiều xã, phường, thị trấn có đến 15-20 thôn, tổ dân phố, khu dân cư… nên rất khó phân công nhiệm vụ.

Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là:

Một là, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chưa được cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động. Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nhiều nơi hiệu quả còn hạn chế, đôi khi hình thức.

Hai là, quy trình, thủ tục bầu thành viên còn rườm rà; trình độ, năng lực của thành viên các ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn hạn chế, trong khi giám sát các công trình xây dựng là một lĩnh vực phức tạp, khó khăn, đòi hỏi người giám sát phải có chuyên môn, kinh nghiệm.

Ba là, việc phối hợp trả lời, giải trình, cung cấp các thông tin theo quy định của pháp luật khi cộng đồng yêu cầu còn gặp nhiều khó khăn, có chủ đầu tư hoặc nhà thầu còn trốn tránh, không muốn làm việc với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, nhưng thiếu cơ chế bảo đảm thực hiện.

Bốn là, không ít kiến nghị sau giám sát của các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chưa được xử lý kịp thời, nhưng cũng chưa có cơ chế hiệu quả ràng buộc trách nhiệm xử lý của các cơ quan, tổ chức liên quan.

Về nguyên nhân của hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chủ yếu là do: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở một số nơi chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, do đó chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo cũng như theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hoạt động này. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số nơi chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, chưa thực sự coi trọng và sử dụng Thanh tra nhân dân như một công cụ giám sát của Nhân dân. Chưa tham gia thường xuyên và chủ động phối hợp với chính quyền trong việc xử lý những kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân. Hầu hết thành viên Ban Thanh tra nhân dân hiện nay năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế, hoạt động chủ yếu từ kinh nghiệm, sự nhiệt tình và ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định hiện hành có thời hạn 02 năm là quá ngắn, không ổn định, biến động, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở một số địa phương hiểu chưa đúng về việc xây dựng kế hoạch giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dẫn đến việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị hoặc cấp ủy cùng cấp yêu cầu phải phê duyệt kế hoạch giám sát hàng năm là chưa đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Cá biệt một vài nơi, cấp ủy trong khi phê duyệt còn thu hẹp nội dung, phạm vi giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn đến tính chủ động, độc lập của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Định hướng hoàn thiện công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở trong thời gian tới

Về định hướng chung:

Thứ nhất, thống nhất và nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ một cách thực chất, hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện phương châm “dân giám sát” “dân thụ hưởng” một cách thiết thực.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm phát huy quyền con người, quyền công dân được hiến định đầy đủ hơn, trong đó chú trọng quy định về chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tạo hành lang pháp lý để kiến tạo mô hình hệ thống an sinh xã hội với các trụ cột cơ bản (phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro).

Thứ ba, các quy định của Đảng và Nhà nước cần có chế tài và các điều kiện bảo đảm thực thi “dân giám sát”, “dân thụ hưởng”. Thực hành và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân một cách thực chất, gắn với khơi dậy sức sáng tạo của Nhân dân, khơi dậy nguồn lực của Nhân dân vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ tư, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời khẳng định, nếu việc ra nghị quyết là một thì khâu chỉ đạo tổ chức thực hiện phải là mười, hai mươi, ba mươi.

Thứ năm, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, có khát vọng cống hiến, tận tụy phục vụ Nhân dân. Cán bộ luôn là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Dân giám sát, dân thụ hưởng đến mức nào tùy thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp.

Về những định hướng cụ thể

Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trên cơ sở Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, cần tiếp tục cụ thể hóa phương châm “dân giám sát” thành các nội dung sau:

- Các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn cụ thể nội dung, hình thức, trình tự thủ tục Nhân dân giám sát theo hướng có sự phân biệt với nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra.

- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (kế thừa những quy định còn phù hợp, đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, hiệu quả; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những hạn chế, bất cập, vướng mắc của pháp luật hiện hành về Thanh tra nhân dân, như: sửa đổi quy định về số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân và nhiệm kỳ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; quy định các điều kiện bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân (kinh phí, cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng,...); sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân. Hướng dẫn cụ thể, chi tiết về tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và viện dẫn tới pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

- Quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng giám sát phải thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của mình để Nhân dân giám sát từ phê duyệt chủ trương, quá trình triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao (trừ nội dung mật theo quy định), đồng thời chịu trách nhiệm giải trình khi nhận được kiến nghị, yêu cầu của Nhân dân.

- Quy định về hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ; chế tài, hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chậm trễ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, cũng như việc lợi dụng thực hiện dân chủ để kích động, gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan, đơn vị và Nhân dân.

Hai là, nghiên cứu xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang nghiên cứu vấn đề này, dự kiến trình Quốc hội ban hành trước năm 2025). Nội dung các quy định, chế định của Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân phải quán triệt và thể hiện rõ, đầy đủ các quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về các phương diện thực hiện chủ quyền nhân dân, quyền giám sát của Nhân dân đối với nhà nước và xã hội trong đạo luật này. Giám sát của Nhân dân phải trở thành phương diện kiểm soát quyền lực nhà nước quan trọng trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc xử lý kỷ luật cán bộ, truy cứu trách nhiệm hình sự nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn, kể cả cán bộ cao cấp trong thời gian qua đã phản ánh rất rõ việc Nhà nước ta chưa làm tốt công tác kiểm soát quyền lực nhà nước. Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân phải thể hiện được vai trò tổ chức của MTTQ Việt Nam trong hoạt động này. Nhân dân trong Luật Hoạt động giám sát là chủ thể được tổ chức để thực hiện những hành vi pháp lý do luật định. MTTQ Việt Nam theo quy định của Hiến pháp là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức, vì vậy phải là tổ chức có vị trí, vai trò nòng cốt trong việc tổ chức Nhân dân tiến hành các hoạt động giám sát.

Với tư cách là một thiết chế chính trị, MTTQ Việt Nam có chức năng giám sát và phản biện xã hội, nên việc nghiên cứu để giao MTTQ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tập hợp, tổ chức Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân trong hoạt động giám sát là một yêu cầu cần thiết, khách quan. Mặt khác, cần quan niệm việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam là một trong những phương diện quan trọng nhất của hoạt động giám sát của Nhân dân. Theo đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của luật, vừa bảo đảm tuân thủ điều lệ của các tổ chức đó.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa các quy định về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (tại Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”) trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức chính quyền địa phương...

[1]. Chương trình số 02 CTPH- BNV- CCB- TUMTTQVN phối hợp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, nhà nước giai đoạn 2018 - 2020; Phối hợp giám sát thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chương trình phối hợp số 90/CTrPH/CP-ĐCTUBTWMTTQVN về vận động và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020; Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2019.

TS. Phạm Thị Hồng

ThS. Đỗ Thị Vân An

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/cong-tac-giam-sat-cua-mat-tran-doi-voi-hoat-dong-cua-chinh-quyen-co-so-thong-qua-viec-thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so-va-hoat-dong-cua-ban-thanh-tra-nhan-dan-ban-giam-sat-dau-tu-cua-cong-dong-57324.html
Zalo