Công tác cán bộ nữ - những bài học quan trọng - Bài cuối: Bài học nâng cao ý thức về bình đẳng giới
Vai trò lãnh đạo nữ ở cơ sở ngày càng được khẳng định, minh chứng cho công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới. Trên thực tế có không ít tình huống khiến cán bộ lãnh đạo, quản lý là nam giới gặp lúng túng trong giải quyết công việc thì các nữ lãnh đạo, quản lý lại có sự nhạy bén, mềm dẻo và linh hoạt. Họ có khả năng lắng nghe và thấu hiểu sâu sắc cuộc sống, tâm tư của đồng nghiệp, cấp dưới và người dân để đưa ra giải pháp một cách hiệu quả. Những kỹ năng và phẩm chất này đã giúp hóa giải nhiều việc khó, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó cho thấy những bài học về nâng cao ý thức cộng đồng về bình đẳng giới.
>>Bài 1: Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị
>>Bài cuối: Bài học nâng cao ý thức về bình đẳng giới
Phát huy lợi thế quyền lực mềm
Ở Tuyên Quang, nhiều nữ lãnh đạo ở cơ sở đã dùng những kỹ năng mềm dẻo vốn có của mình, không ngại khó khăn để hòa nhập vào đời sống của Nhân dân, chia sẻ, thấu hiểu, cảm hóa, vận động Nhân dân thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Một trong những phụ nữ lãnh đạo cơ sở người dân tộc thiểu số bền bỉ nhất ở Tuyên Quang là bà Giàng Thị Chía, thôn Ngòi Khù, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn. Nay bà đã ngoài 70 tuổi, có hơn 17 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn. Bà bảo “Với người Mông, muốn bà con nghe theo mình thì mình phải làm trước, nếu chỉ nói thì không được đâu”. Ngày vận động người dân làm công trình vệ sinh, bể nước sạch, gia đình bà tiên phong làm trước, bà con thấy “chắc ăn” thì làm theo. Với uy tín của mình, bà từng được cán bộ huyện mời tham gia đoàn vận động người Mông ở xã Hùng Lợi từng theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Nhờ hiểu người Mông và tài vận động của mình, người Mông ở Hùng Lợi đã tháo dỡ nhà đòn, nghe theo Đảng.
Còn chị Lý Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Trung Minh kể, người Mông ở xã trước đây sống cục bộ, không tham gia các cuộc họp của xã, bị một số tà đạo xâm nhập lôi kéo. Họ không chịu canh tác mà hay phá rừng, đốt nương, bỏ ruộng hoang. Chị chỉ đạo thành lập tổ tuyên truyền thường xuyên xuống thôn “khoanh chân” với cánh đàn ông ở thôn, hòa mình vào cuộc sống bà con. Chị còn chỉ đạo thành lập các Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, Dao, khôi phục văn hóa truyền thống. Từ đó, người dân đã từ bỏ được những thói cũ lạc hậu, hòa nhập, cởi mở hơn, giao lưu với các dân tộc khác, không còn phá rừng.
Ngòi Trườn là thôn đặc biệt khó khăn, cách trung tâm xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương hơn 7 km đường rừng, không có sóng điện thoại, không có Internet. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chu Thị Thanh Nga đã trở thành hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo 36 hộ. Tiên phong liên doanh trồng rừng, “mẻ” đầu tiên gia đình Nga lãi hơn 60 triệu đồng. Gia đình Nga còn chăn nuôi hàng chục con trâu, con dê, hàng trăm con bồ câu, xây nhà khang trang. Thấy Nga nói được, vận động được và hơn hết, nhìn cơ ngơi của chị, bà con trong thôn làm theo, cùng nhận rừng trồng.
Được tin tưởng sẽ khéo làm việc khó
Những việc khó dưới tay những lãnh đạo nữ dường như hóa mềm, bởi sự nhẫn nại, kiên trì, mềm dẻo vốn có của phụ nữ. Tại xã Thành Long, huyện Hàm Yên, trong quý 4 năm 2023 phải gấp rút giải phóng mặt bằng để thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Cả xã có 16 hộ thuộc diện phải di dời, trong đó có 16 ngôi mộ, nhiều ngôi mới được chôn cất. Biết phong tục người Cao Lan thường đào sâu chôn chặt, không di chuyển mộ, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Tám không dùng cách vận động “cứng”, mà vừa tỉ tê giải thích cái được của đường cao tốc, vừa nhờ đội ngũ người có uy tín tại các thôn nói giúp. Nhờ kiên trì, kiên quyết, nên việc giải phóng mặt bằng của xã đã hoàn thành đúng tiến độ dự án. Chị Tám chia sẻ: “Là lãnh đạo nữ thì mình càng phải cố gắng, không người ta lại nghĩ rằng chỉ nam giới mới làm được lãnh đạo”.
Năm 2021, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú, huyện Hàm Yên Đỗ Thị Thu Hiền vừa lo chống dịch Covid-19, vừa lo phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý tà đạo Dương Văn Mình. Lúc ấy, người Mông ở đây không tin Đảng, Nhà nước mà tin vào tương lai mù mịt do tà đạo Dương Văn Mình vẽ ra, làm nhà đòn, lưu truyền các biểu tượng kỳ quái, không thờ tổ tiên, cho rằng ốm không cần chữa bệnh, chỉ cần cầu nguyện là khỏi, không làm mà vẫn có ăn… Để hóa giải việc này, chị phải bắt đầu với những câu chuyện đời thường, quan tâm gần gũi hơn với đồng bào. Chị áp dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, lúc cương, lúc nhu, đôi khi phải đấu tranh tay đôi và trực diện.
Đợt bão số 3 vừa qua, nhiều khu vực của Yên Phú bị cô lập bởi nước lũ. Bí thư Hiền táo bạo “vượt rào” chỉ đạo các lực lượng trong xã cắm biển báo, căng dây cấm người dân đi qua các tràn và đường ngập nguy hiểm trước khi có chỉ đạo của cấp trên. Chị bảo “Lúc đó tình hình cấp bách, mình chỉ nghĩ được quan trọng nhất là tính mạng của người dân. Khi mọi việc an toàn sẽ báo cáo cấp trên sau”. Có lúc kinh phí chi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng cơn bão chưa kịp về địa phương, chị dùng luôn tiền cá nhân để chi trước cho dân.
Xã Hồng Sơn, huyện Sơn Dương mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của hai xã Hồng Lạc và xã Vân Sơn từ ngày 1-9-2024. Chị Nguyễn Thị Hạnh trước đây là Chủ tịch UBND xã Vân Sơn. Được cấp trên tín nhiệm điều động về làm Chủ tịch UBND xã mới, ban đầu chị cũng hơi băn khoăn vì nghĩ vị trí này phải là nam giới mới đảm đương công việc đầy rẫy những khó khăn. Sau 5 ngày nhận quyết định, chị vừa tổ chức họp được các bộ phận để chuẩn bị triển khai công việc thì lụt bão ập đến. Ngay đêm nghe tin tuyến đê xã Quyết Thắng phía trên bị vỡ, chị đã nghĩ ngay đến việc xã mình phải giữ đê và huy động hơn 1.000 người ngay trong đêm đắp các con trạch chắn nước và gia cố đê. Nhờ đó mà cả mấy thôn thoát nạn. Chị cười: “Mấy hôm đầu chân ướt chân ráo, chưa quen hết nhau, ấy vậy mà nhờ bão lụt được “ăn nằm” với nhau thành ra như gắn bó lâu lắm rồi”.
Việc xóa nhà tạm, vận động Nhân dân làm nhà mới kiên cố ở thôn Ngòi Trườn, xã Minh Thanh cũng rất gian nan. Những căn nhà sàn lụp xụp tồn tại hàng chục năm ở thôn khiến cho nữ Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chu Thị Thanh Nga phải suy nghĩ rất nhiều. Khi có chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, chị nghĩ ngay đến phải thay đổi diện mạo cho thôn. Tuy nhiên, việc vận động các hộ dân rất vất vả, lý do là các hộ lo không có tiền đối ứng, lấy cớ không được tuổi để “né” làm nhà. Chị phải phân tích cho người dân hiểu rằng cơ chế chính sách của Nhà nước không đợi được, nếu không tranh thủ sẽ tuột mất thời cơ. Mưa dầm thấm lâu, người dân cũng nghe theo. Kế hoạch giao cho thôn làm 9 ngôi nhà trong năm 2024, đến hết tháng 9 đã hoàn thành.
Nỗ lực thu hẹp khoảng cách về giới
Từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, điển hình như việc lồng ghép công tác bình đẳng giới trong xây dựng văn bản, tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị đạt cao, tỉnh đã xây dựng đề án phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số tỉnh, phát triển quỹ hỗ trợ phụ nữ, nhất là phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thúy Hà cho biết, việc khuyến khích, thu hút phụ nữ tham gia công tác được Tuyên Quang thực hiện đồng bộ để phấn đấu tỷ lệ đảng viên là trưởng các tổ chức đoàn thể, bao gồm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ là đảng viên đạt trên 70%. Qua đó, giới thiệu phụ nữ ưu tú cho Đảng để bồi dưỡng kết nạp, góp phần tăng tỷ lệ nữ đảng viên, nhất là đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo, khu vực nông thôn và tạo điều kiện để đảng viên nữ tham gia vào các hoạt động xã hội.
Công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác phụ nữ đã có sự chuyển biến rõ rệt. Việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trẻ, cán bộ nữ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện tốt. Tỷ lệ nữ tham gia vào các cấp ủy, giữ các chức vụ chủ chốt của tỉnh, huyện, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ngày càng tăng; phụ nữ Tuyên Quang đã tích cực tham gia các phong trào thi đua chung sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển, vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao... Theo đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ma Thế Hồng, Tuyên Quang thường xuyên rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ nữ nhằm phát hiện những nhân tố mới có triển vọng bổ sung vào quy hoạch, đồng thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không có khả năng phát triển.
Bằng sức mạnh mềm của mình, các nữ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở của Tuyên Quang đã nỗ lực hóa giải những việc khó từ cơ sở, góp phần đóng góp đáng kể vào việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao đời sống người dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Những việc làm của các “nữ tướng” ở Tuyên Quang chính là minh chứng sinh động về công tác cán bộ nữ, tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ được tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, thể hiện các phẩm chất của mình góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.