Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-BTTTT quy định về công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam; công nhận chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ 15/8/2024.

Cụ thể, Thông tư 06/2024/TT-BTTTT áp dụng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài đề nghị công nhận tại Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu giao dịch điện tử với tổ chức, cá nhân nước ngoài mà chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ trong nước chưa được công nhận tại nước đó; tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam; công nhận chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam.

Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Thông tư 06 quy định một số điểm cần quan tâm như hồ sơ, thời hạn công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, thời hạn công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam là thời hạn theo giấy phép cung cấp dịch vụ của tổ chức đó tại nước sở tại và không quá thời hạn của chứng thư chữ ký điện tử của tổ chức đó.

Về thủ tục nộp hồ sơ, thực hiện căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 06/2024/TT-BTTTT, tổ chức, cá nhân sẽ nộp hồ sơ công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam đến Bộ Thông tin và Truyền thông theo hình thức trực tiếp hoặc đường bưu điện và trực tuyến qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến (Cổng dịch vụ công quốc gia, https://dichvucong.gov.vn hoặc Cổng dịch vụ công của Bộ Thông tin và Truyền thông, https://dichvucong.mic.gov.vn).

Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công nhận hoặc chứng nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự) và được dịch thuật công chứng sang tiếng Việt.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cong-nhan-to-chuc-cung-cap-dich-vu-chung-thuc-chu-ky-dien-tu-nuoc-ngoai-tai-viet-nam-154289.html
Zalo