Công nhận nghề truyền thống Hà Nội đối với nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công

Ngày 29-9, Đảng ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Định Công (quận Hoàng Mai) tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận danh hiệu 'Nghề truyền thống Hà Nội' đối với nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công.

Lãnh đạo quận Hoàng Mai tặng hoa chúc mừng phường Định Công. Ảnh: PV

Lãnh đạo quận Hoàng Mai tặng hoa chúc mừng phường Định Công. Ảnh: PV

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm trao Bằng công nhận danh hiệu "Nghề truyền thống Hà Nội" đối với nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công. Ảnh: PV

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm trao Bằng công nhận danh hiệu "Nghề truyền thống Hà Nội" đối với nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công. Ảnh: PV

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Tiến Thắng cho biết, lễ đón nhận Bằng công nhận danh hiệu nghề truyền thống Hà Nội - nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong hành trình gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương, mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực, tâm huyết của các nghệ nhân, thợ kim hoàn và nhân dân phường Định Công.

Nghề kim hoàn, đậu bạc đã có lịch sử hàng nghìn năm, gắn liền với những câu chuyện đầy tự hào về những người thợ tài hoa nơi đây. Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ, nghề kim hoàn đang đối mặt với nhiều thách thức: Nguồn nhân lực kế cận ngày càng thiếu hụt, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển nghề đậu bạc Định Công là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Tiến Thắng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Tiến Thắng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: PV

“Hãy cùng nhau xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ để bảo tồn nét đẹp tinh hoa của nghề kim hoàn, đậu bạc cho thế hệ mai sau. Lãnh đạo quận Hoàng Mai cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nghệ nhân và người dân trong việc phát triển nghề truyền thống này. Với sự quyết tâm từ phía chính quyền địa phương và sự nỗ lực từ cộng đồng, tôi tin rằng chúng ta sẽ đưa nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công vươn xa hơn nữa”, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, nghệ nhân nhân dân Quách Văn Hiểu cho biết: “Lễ đón nhận danh hiệu nghề truyền thống do thành phố Hà Nội công nhận là sự kiện giá trị, vinh dự cho nghề truyền thống Định Công. Sự ghi nhận này mở ra cơ hội tạo thêm việc làm, thu hút nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển nghề truyền thống của địa phương. Đây là niềm vui lớn không chỉ của riêng tôi mà của chung những nghệ nhân, những người thợ đã và đang đóng góp, cố gắng rất nhiều cho nghề truyền thống của địa phương, là tín hiệu tốt đẹp cho một khởi đầu mới với nhiều giá trị”.

Các đại biểu xem sản phẩm bạc được chế tác tinh xảo từ bàn tay của nghệ nhân và người thợ đậu bạc Định Công. Ảnh: PV

Các đại biểu xem sản phẩm bạc được chế tác tinh xảo từ bàn tay của nghệ nhân và người thợ đậu bạc Định Công. Ảnh: PV

Định Công được biết đến là đất tổ nghề kim hoàn của Việt Nam. Trải qua năm tháng, thợ kim hoàn Định Công nổi tiếng khéo tay, tài hoa và có nhiều lương công (thợ giỏi). Sản phẩm đậu bạc của Định Công nức danh khắp đất kinh kỳ xưa, nhiều nghệ nhân được vào làm việc cho triều đình. Nghề đậu bạc phát triển và trở thành 1 trong 4 nghề tinh hoa nhất kinh thành Thăng Long.

Hiện nay, nghề đậu bạc Định Công chỉ còn lại số ít người còn làm nghề, mặc dù vậy các sản phẩm đậu bạc của Định Công vẫn được khách hàng, cũng như các chuyên gia đánh giá rất cao cả về kỹ thuật và mỹ thuật. Sản phẩm có tính ứng dụng cao (nhẫn, vòng, hoa tai, bức tranh trang trí, các logo, đồ trưng bày, hộp đựng card, khay, đĩa…), mẫu mã đa dạng, kết hợp nhiều chất liệu (đá quý, gỗ, sơn mài…) với kỹ thuật độc đáo, tinh xảo nên được khách hàng ưa chuộng. Tại các cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ toàn quốc, sản phẩm đậu bạc của Định Công đã giành rất nhiều giải cao...

Nghề đậu bạc Định Công có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, gồm: 1 Nghệ nhân nhân dân (Quách Văn Hiểu), 1 Nghệ nhân ưu tú (Quách Văn Trường) (đã mất năm 2022) và 2 nghệ nhân, con của 2 nghệ nhân trên (Quách Văn Tú, Quách Phan Tuấn Anh) được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Các nghệ nhân đã và đang là người giữ hồn cho nghề đậu bạc truyền thống duy trì và phát triển.

Trong khuôn khổ buổi lễ, các đại biểu đã được xem màn trình diễn kết hợp giữa áo dài và trang sức bạc Định Công; tham quan các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm bạc được chế tác tinh xảo từ bàn tay của nghệ nhân và người thợ đậu bạc Định Công; tham quan các gian hàng làng nghề quận Hoàng Mai, như: Làng nghề truyền thống bánh cuốn Thanh Trì; thưởng thức màn hát giao duyên quan họ trên thuyền…

Trình diễn áo dài và trang sức bạc Định Công. Ảnh: PV.

Trình diễn áo dài và trang sức bạc Định Công. Ảnh: PV.

Chiều cùng ngày, cán bộ, người dân được hòa mình vào trò chơi dân gian, thưởng thức chương trình văn nghệ đặc biệt “Sắc vàng Định Công”.

Hiền Thu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cong-nhan-nghe-truyen-thong-ha-noi-doi-voi-nghe-kim-hoan-dau-bac-dinh-cong-679700.html
Zalo