Công nghiệp phục hồi nhưng vẫn nhiều khó khăn

Ngành công nghiệp tăng trưởng tích cực trong quý II/2024 đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Cơ quan chức năng cho biết sẽ đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%, đóng góp 2,14% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Điều đó cho thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi từ quý 1 và tăng trưởng với xu hướng rõ nét hơn trong quý 2, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước: Quý 1 tăng 5,9%; quý 2 ước tăng 9,5%; 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 7,7% so cùng kỳ năm trước.

Nhiều ngành quan trọng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều ngành quan trọng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Ở góc độ địa phương, bức tranh sáng về sản xuất công nghiệp cũng rõ nét hơn. Như tại Nam Định, tỉnh tập trung thu hút các dự án có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tỉnh Nam Định đang tiến hành mở rộng dư địa tăng trưởng công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Ty, Cục trưởng Cục Thống kê Nam Định cho hay, sản xuất công nghiệp của tỉnh duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực từ cuối năm 2023, các doanh nghiệp chủ động về kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đảm bảo đơn hàng trong dài hạn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 14,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò động lực tăng trưởng của tỉnh khi tăng 14,45%, đóng góp 14,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Cùng với đó, ông Nguyễn Hồng Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Vĩnh Phúc cũng cho biết, quý II/2024, kinh tế Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì xu hướng phục hồi, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Cụ thể, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã phục hồi trong nửa đầu năm 2024 với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,89%.

Theo ông Hoàng Văn Thuân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai, 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương ước đạt hơn 21 nghìn tỉ đồng, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt trên 2.396 tỉ đồng. Từ đầu quý II, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn Lào Cai dù vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn trên đà tăng trưởng ở cả 3 lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến và điện nước...

Bên cạnh các điểm tích cực, bà Phí Hương Nga cho rằng, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 còn một số khó khăn bởi tốc độ tăng 6 tháng đầu năm nay chỉ cao hơn năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2021, 2022 cho thấy ngành Công nghiệp chưa thể hoàn toàn phục hồi như trước dịch COVID-19: Sản xuất xi măng, vôi, thạch cao giảm 2%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia giảm 3,9%...

Trên thực tế, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê trên 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh cho thấy, có 73,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động quý II/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024; 26,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động khó khăn hơn. Về khó khăn của doanh nghiệp, kết quả khảo sát quý II/2024 cho thấy, “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 53,8% và 43,6%. Riêng đối với doanh nghiệp xây dựng có 46,9% doanh nghiệp gặp khó khăn do “không có hợp đồng xây dựng mới”.

Về giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành Công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...

Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ trung ương đến địa phương, tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ôtô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/cong-nghiep-phuc-hoi-nhung-van-nhieu-kho-khan-i736133/
Zalo