Công nghệ số là lực lượng sản xuất mới, mở ra kỷ nguyên mới
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghệ số là lực lượng sản xuất mới, thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại. Việt Nam muốn trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số, về công nghiệp công nghệ số.
Ngày 30-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Công nghiệp công nghệ số.
Các đại biểu Quốc hội (ĐB) nhất trí rằng để ngành này có thể phát triển đột phá, cần có những cơ chế ưu đãi và khuyến khích đặc thù, tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế số, xã hội số và đẩy mạnh chuyển đổi số trên toàn quốc.
Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số
ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) nhấn mạnh, phần lớn các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ mới. Vì vậy, việc thiết kế các chính sách ưu đãi có trọng tâm và trọng điểm là cần thiết để tạo đột phá trong phát triển ngành.
Đồng tình với ý kiến này, ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề nghị cần bổ sung các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Bà đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ bảo lãnh từ các ngân hàng để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, các đại biểu kêu gọi Chính phủ tăng cường chi tiêu công, đặt hàng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm “Make in Việt Nam”.
Việc này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước mà còn tạo điều kiện cho ngành công nghiệp công nghệ số khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành, ĐB Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị bổ sung vào dự thảo luật các quy định ưu tiên đầu tư vào xây dựng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông nhấn mạnh rằng, việc phát triển nguồn nhân lực không chỉ là yêu cầu trước mắt mà còn cần có chiến lược dài hạn.
Để giải quyết vấn đề này, ĐB Thanh kiến nghị Chính phủ triển khai các chính sách thu hút nhân tài, phát triển đội ngũ nghiên cứu viên, chuyên gia công nghệ cao, và mở rộng các mô hình đào tạo hiện đại.
Việc đưa sinh viên giỏi đi đào tạo ở các nước tiên tiến cũng được đề xuất, với mục tiêu tạo ra lực lượng nhân lực công nghệ số có trình độ cao, sẵn sàng phục vụ đất nước.
ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) kêu gọi Nhà nước đưa ra các cơ chế mạnh mẽ để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số. Chương trình đào tạo hiện tại cần được đổi mới, bổ sung kiến thức về các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và blockchain để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của ngành.
Công nghệ số là lực lượng sản xuất mới
Giải trình một số ý kiến, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin nhưng có tính cách mạng. Công nghệ số sinh ra chuyển đổi số.
Bộ trưởng khẳng định, công nghệ số là lực lượng sản xuất mới, thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại. Việt Nam muốn trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số, về công nghiệp công nghệ số.
“Nếu Quốc hội thông qua luật này trong kỳ họp tới, Việt Nam sẽ là nhóm nước đầu tiên có một bộ luật riêng về công nghiệp công nghệ số”, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết.
Theo Bộ trưởng, công nghệ số sinh ra dữ liệu và xử lý dữ liệu. Dữ liệu là tài nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới, là đầu vào mới của sản xuất, giống như đất đai trong thế giới thực.
Công nghệ số xử lý dữ liệu, sinh ra giá trị mới, tạo ra sự phát triển cho đất nước. Vì thế, công nghệ số là động lực chính của phát triển, của chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên mới.
Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ đầu tư thêm về nội dung công nghiệp công nghệ số xanh vì công nghệ số sẽ là lĩnh vực tiêu dùng nhiều năng lượng nhất và cả rác thải điện tử.
Công nghiệp công nghệ số sẽ không chỉ xanh mà còn phải tự cường và an toàn. Bởi vậy, cơ quan soạn thảo sẽ đầu tư thêm về nội dung tự cường, an toàn và xanh.
Một điểm đáng chú ý trong quá trình xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện mâu thuẫn và chồng chéo giữa các văn bản pháp luật. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là bước tiến quan trọng, thể hiện sự đổi mới và ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước.
Yêu cầu cấp thiết trong quản lý tài sản số
Liên quan đến vấn đề tài sản số, ĐB Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho biết, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu không có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn trong lĩnh vực kinh tế số.
Đồng tình với ý kiến này, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề xuất bổ sung quy định cụ thể về các loại tài sản số như tài sản trí tuệ số, tiền mã hóa, và tài sản liên quan đến dữ liệu lớn. Ông cũng đề nghị các giao dịch tài sản số phải đảm bảo tuân thủ quy định về bảo vệ người tiêu dùng và các tiêu chuẩn an ninh mạng quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng.