Công nghệ số gắn kết lòng dân, giữ bình yên ở khu vực biên giới

Trên địa bàn xã Quảng Lâm, tỉnh Điện Biên, những bước chân bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa không chỉ giữ gìn sự bình yên nơi phên dậu của Tổ quốc, mà còn góp phần vun đắp mối quan hệ quân-dân ngày càng gắn bó, thắm thiết qua những mô hình dân vận sáng tạo, thiết thực. Nổi bật trong số đó là mô hình 'Hòm thư điện tử ẩn danh tố giác tội phạm và xuất, nhập cảnh trái phép'. Đây là một sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dân vận, góp phần thực hiện phong trào thi đua 'Dân vận khéo', xây dựng 'Đơn vị dân vận tốt', nâng cao hiệu quả bảo vệ an ninh biên giới trong tình hình mới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ số để tham gia tố giác tội phạm và xuất, nhập cảnh trái phép. Ảnh: Đình Hùng

Cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ số để tham gia tố giác tội phạm và xuất, nhập cảnh trái phép. Ảnh: Đình Hùng

"Dân vận khéo" bằng công nghệ số

Với đặc thù là địa bàn vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật tiềm ẩn phức tạp, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng luôn đối mặt với không ít thách thức, hiểm nguy. Nhằm đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong công tác bảo vệ an ninh trật tự ở khu vực biên giới, đầu năm 2024, Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã triển khai mô hình “Hòm thư điện tử ẩn danh tố giác tội phạm và xuất, nhập cảnh trái phép”.

Đây là cách làm dân vận dựa trên nền tảng công nghệ số, dễ tiếp cận đối tượng tuyên truyền và đặc biệt phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, hướng tới mục tiêu vừa phát huy vai trò chủ động của người dân, vừa đảm bảo tính bảo mật, thuận tiện và kịp thời trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin.

Không còn những hộp thư góp ý truyền thống dễ bị lãng quên hoặc người dân ngại ngần khi sử dụng, mô hình mới được thiết kế với sự hỗ trợ của công nghệ số. Các poster in mã QR kèm hướng dẫn sử dụng ngắn gọn bằng tiếng Việt và tiếng Mông được bố trí tại những điểm công cộng như trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, chợ phiên... Người dân chỉ cần dùng điện thoại thông minh, quét mã QR bằng ứng dụng Zalo hoặc camera mặc định là có thể truy cập biểu mẫu để điền thông tin cần phản ánh. Toàn bộ nội dung sau khi gửi được chuyển trực tiếp đến hộp thư điện tử của đơn vị, bảo đảm tính kịp thời và bảo mật cao.

Thiếu tá Đỗ Xuân Điềm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Cô Sa, người khởi xướng mô hình cho biết: “Điều quan trọng là người dân cảm thấy an toàn và tin tưởng khi sử dụng. Hệ thống không yêu cầu cung cấp danh tính hay đăng nhập, nhờ đó mà bà con an tâm chia sẻ những nội dung phản ánh có giá trị thực tiễn, góp phần bảo vệ sự bình yên của bản làng mình”.

Từ khi mô hình đi vào hoạt động, ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác của nhân dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt. Nhiều thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động tội phạm, các trường hợp cư trú bất hợp pháp, hành vi buôn bán, sử dụng vũ khí tự chế... đã được người dân phản ánh kịp thời thông qua hệ thống.

“Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến tháng 6/2025, Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã tiếp nhận gần 50 tin báo từ người dân thông qua mô hình thư điện tử. Nhờ đó, đơn vị đã xử lý kịp thời 2 vụ trộm cắp tài sản, vận động người dân giao nộp 2 khẩu súng tự chế, phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương đẩy đuổi 6 đối tượng cư trú bất hợp pháp ra khỏi địa bàn. Đặc biệt, nhiều vụ việc được phát hiện từ rất sớm nhờ những thông tin được cung cấp đúng lúc, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn” - Thiếu tá Đỗ Xuân Điềm cho biết.

Nhân rộng mô hình từ thực tiễn

Không dừng lại ở việc đưa mô hình vào thực tiễn, Đồn Biên phòng Na Cô Sa xác định, để mô hình thực sự phát huy hiệu quả thì công tác tuyên truyền, hướng dẫn phải được tiến hành bài bản, phù hợp với trình độ, nhận thức của bà con. Do vậy, cán bộ, chiến sĩ Đội Vận động quần chúng đã trực tiếp đến từng bản làng, phối hợp với các tổ tự quản, già làng, trưởng bản để hướng dẫn bà con cách quét mã QR và điền thông tin phản ánh một cách ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ tiếp cận của người dân. Với những người lớn tuổi, ít tiếp xúc với công nghệ, cán bộ Biên phòng còn hướng dẫn thao tác cụ thể, giúp bà con trải nghiệm thực tế để tạo thói quen và sự tin tưởng.

Bên cạnh đó, đơn vị còn chủ động tận dụng các nền tảng số như Zalo, Fanpage của đồn để thường xuyên cập nhật thông tin tuyên truyền, đồng thời sử dụng hệ thống loa truyền thanh xã, loa kéo lưu động để thông báo rộng rãi đến các thôn, bản. Các cán bộ trực tiếp phụ trách thư điện tử cũng được quán triệt rõ quy trình tiếp nhận, phân loại, xác minh và xử lý thông tin phản ánh. Mọi phản ánh đều được bảo mật tuyệt đối danh tính người cung cấp và xử lý công tâm, nghiêm túc, đúng quy định pháp luật.

Mô hình này không chỉ là công cụ tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, mà còn mở ra kênh đối thoại hai chiều giữa lực lượng BĐBP và người dân tại địa phương. Những phản ánh, kiến nghị của nhân dân được tiếp thu, xử lý nghiêm túc, tạo sự đồng thuận, góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận, phát huy dân chủ ở cơ sở.

Đáng chú ý, mô hình “Hòm thư điện tử ẩn danh tố giác tội phạm và xuất, nhập cảnh trái phép” không đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, không cần trang thiết bị hiện đại hay nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ. Chỉ với sự quyết tâm, tinh thần đổi mới và tư duy linh hoạt của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, mô hình đã phát huy tác dụng rõ rệt, hoàn toàn có thể nhân rộng tại các địa phương khác có điều kiện tương đồng. Trong bối cảnh công tác quản lý, bảo vệ biên giới ngày càng phức tạp, đặc biệt là sự gia tăng các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, việc áp dụng chuyển đổi số vào công tác dân vận là hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế thời đại.

Từ những kết quả thực tiễn tại Đồn Biên phòng Na Cô Sa có thể thấy, mỗi mô hình "Dân vận khéo", mỗi cách làm sáng tạo đều góp phần cụ thể hóa chủ trương xây dựng “thế trận lòng dân”, là điểm tựa bền vững để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong tình hình mới. Sự tin tưởng của người dân, sự chủ động tham gia của cộng đồng chính là “lá chắn mềm” nhưng vô cùng vững chắc để bảo vệ biên giới quốc gia.

Trong điều kiện địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, thì việc đưa công nghệ vào hoạt động tuyên truyền, vận động là bước đi đột phá. Từ chỗ ngại ngần, e dè, người dân trở nên cởi mở, tự giác hơn, trở thành “tai mắt” của lực lượng chức năng. Hình ảnh người lính mang quân hàm xanh cần mẫn, gần dân, vì dân đã trở nên thân thuộc với bà con nơi biên cương. Và chính những việc làm như sử dụng thư điện tử ẩn danh để tố giác tội phạm và xuất, nhập cảnh trái phép đã góp phần để nhân dân đóng góp nhiều hơn cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Mô hình “Hòm thư điện tử ẩn danh tố giác tội phạm và xuất, nhập cảnh trái phép” của Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong thời gian tới, đơn vị dự kiến tiếp tục nhân rộng mô hình, tích hợp thêm các kênh tương tác số nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân phản ánh thông tin và kết nối với lực lượng chức năng, phù hợp với tiến trình chuyển đổi số trong BĐBP.

Thanh Xuân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cong-nghe-so-gan-ket-long-dan-giu-binh-yen-o-khu-vuc-bien-gioi-post492192.html
Zalo