Công dân giáo dục - vấn đề không bao giờ cũ
Ra đời cách đây hơn 80 năm, nhưng những bài viết về giáo dục công dân của nhà văn Hoàng Đạo đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Tuyển chọn các bài viết này, mới đây cuốn sách 'Công dân giáo dục - Tự do, quyền và nghĩa vụ công dân đầu thế kỷ XX' đã được Tri thức trẻ Books và Nhà Xuất bản Lao động liên kết xuất bản.
Ngày nay, chúng ta không còn xa lạ với khái niệm công dân, nhưng vào những năm đầu thế kỷ XX, công dân là một ý tưởng mới, cũng như những ý tưởng về tự do, bình đẳng, nhân đạo, công lý khác hẳn với xã hội phong kiến cũ.
Trong một bài viết đăng Báo Ngày nay năm 1939, nhà văn Hoàng Đạo đã viết: “Ngày xưa, các cụ ta không ai có thể tự nhận là công dân cả, các cụ chỉ là thần dân. Dân, hồi ấy, không có quyền hành gì và cũng không bao giờ được coi như một người có đủ sức để phát triển hết tài năng của mình. Dân, hồi ấy, chỉ là những kẻ vị thành niên, dù tóc có bạc răng có long cũng vậy, đặt dưới quyền cai quản của bề trên”.
Chính vì thế, với tầm tri thức của một nhà luật học, nhà hoạt động chính trị, nhà văn và nhà báo, tác giả Hoàng Đạo đã chủ ý xây dựng chuyên đề về công dân giáo dục với loạt 16 bài đăng trên báo Ngày nay. Trên quan điểm tiến hóa và phát triển, tiến bộ và văn minh, ông kiên quyết đoạn tuyệt với lề lối quản lý truyền thống lạc hậu xưa cũ mà ông coi là “xã hội đổ nát”, từ đó nhận thức “con người đã bắt đầu có giá trị” và “thần dân đã bắt đầu học làm công dân”.
Xác định căn bản vị thế cá nhân công dân và xã hội công dân trong mối quan hệ hai chiều gồm quyền hạn và nghĩa vụ, tác giả tập trung đưa người đọc đến những nhận thức mới về cả một hệ vấn đề “công dân giáo dục”, như: “Thế nào là một nước”, “Quyền sống của mỗi nước”, “Lòng yêu nước”, “Quốc thể”, “Hiến pháp”, “Nhân quyền”, “Nghĩa vụ công dân”… Ông khẳng định, “nghĩa vụ của công dân là kết quả dĩ nhiên của quyền hạn của họ” và “có quyền hạn mới có nghĩa vụ, có nghĩa vụ ắt phải có quyền hạn”, “đối với chính mình, công dân cũng có bổn phận”.
Tại buổi ra mắt sách ngày 26-11 tại Hà Nội, PSG.TS Nguyễn Hữu Sơn, người sưu tầm và tập hợp cuốn sách “Công dân giáo dục - Tự do, quyền và nghĩa vụ công dân đầu thế kỷ XX”, khẳng định: “Hoàng Đạo đã chứng minh tầm vóc của mình là một nhà tư tưởng lỗi lạc với những bài viết đầy tính thời sự, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Tuy không nhằm gánh vác nhiệm vụ giáo dục nhưng “Công dân giáo dục” của Hoàng Đạo thực sự có ý nghĩa là tài liệu giáo dục công dân bậc cao, xác định rõ vai trò của tri thức và ý thức công dân “muốn được hưởng tự do và bình đẳng, công dân phải hiểu rõ thế nào là bình đẳng, tự do, phải tự nâng cao học thức và nhân phẩm của mình”.
Cuốn sách “Công dân giáo dục - Tự do, quyền và nghĩa vụ công dân đầu thế kỷ XX” bao gồm 16 bài viết, được sắp xếp theo trật tự thời gian in trên báo Ngày nay và có ghi chú nguồn tài liệu ở cuối bài. Theo bà Mai Thị Thanh Hằng, Giám đốc NXB Lao động, vấn đề công dân giáo dục tuy được tác giả Hoàng Đạo viết đã từ lâu nhưng không bao giờ cũ.
Những trang viết của Hoàng Đạo mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc và toàn diện về công dân, quyền tự do, xã hội, pháp luật và đất nước Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao lịch sử đầy biến động; đồng thời, giúp độc giả hiểu rõ hơn về khái niệm công dân, những quyền tự do, bình đẳng, quyền có tài sản, vai trò của giáo dục, pháp luật, chính trị trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân.
Nhà văn Hoàng Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long, sinh năm 1907 ở Hải Dương; là một thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được bổ sung (không qua bầu cử) làm đại biểu Quốc hội khóa I, giữ chức Bộ trưởng rồi làm Cố vấn Bộ Quốc dân Kinh tế. Ông mất năm 1948, khi 42 tuổi.
Với các bút danh Tứ Ly, Tường Minh, Hoàng Đạo viết nhiều phóng sự, tiểu phẩm, tản văn, hài đàm, luận thuyết châm biếm giới quan lại, mở mang dân trí qua các chuyên mục trên báo Phong hóa, Ngày nay.
Các tác phẩm chính của ông đã được xuất bản như: “Trước vành móng ngựa” (phóng sự, 1938), “Mười điều tâm niệm” (luận thuyết, 1939), “Bùn lầy nước đọng” (luận thuyết, 1940), “Con đường sáng” (tiểu thuyết, viết chung với Nhất Linh, 1940), “Tiếng đàn” (tập truyện ngắn, 1941)…