Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá 24 băng nhóm 'tín dụng đen'
Công an thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá 24 băng nhóm, 64 đối tượng hoạt động liên quan 'tín dụng đen' sau 1 tháng ra quân trấn áp tội phạm.
Thông tin trên được Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an thành phố Hồ Chí Minh) cho biết tại họp báo kinh tế - xã hội và các vấn đề dư luận quan tâm do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức chiều 18-1.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, qua 1 tháng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Công an thành phố đã triệt phá 24 băng nhóm, 64 đối tượng hoạt động liên quan “tín dụng đen” với thủ đoạn cũ là khủng bố tinh thần người vay, người thân người vay (gọi điện đe dọa liên tục, tạt chất bẩn, ghép hình, rải tờ rơi tại nơi làm việc…).
Điển hình, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hồ Chí Minh) đã khám phá chuyên án cướp tài sản và cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với lãi suất lên đến 360%/năm để thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Khi con nợ chậm trả tiền, các đối tượng tìm đến nhà dùng súng, công cụ hỗ trợ uy hiếp, đánh người để siết tài sản và bắt ép phải viết giấy nhận nợ.
Công an thành phố tiếp tục phối hợp các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nhân dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm.
Thông tin tại họp báo, liên quan đến xử lý phương tiện giao thông vi phạm bị tịch thu hoặc tạm giữ nhưng chủ phương tiện không đến nhận lại, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, quá trình thực hiện thủ tục đấu giá tang vật phương tiện bị tạm giữ, tịch thu liên quan đến quyền sở hữu của công dân theo quy định của Hiến pháp, nên quy định về thủ tục, trình tự tịch thu, xử lý, bán đấu giá tang vật, phương tiện bị tạm giữ chặt chẽ, tốn nhiều thời gian.
Cụ thể, để tịch thu, bán đấu giá tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải thực hiện nhiều bước theo quy định của pháp luật như: Tổ chức xác minh, giám định số khung, số máy phương tiện; đăng báo tìm chủ sở hữu; lập phương án xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu báo cáo về Bộ Công an sau đó Công an thành phố ra quyết định phê duyệt phương án cho bán đấu giá; tổ chức các bước bán đấu giá tài sản theo quy định.
Trong năm 2023, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã tịch thu, bán đấu giá 27.571 phương tiện (trong đó riêng Phòng Cảnh sát giao thông đã lập hồ sơ tịch thu, đấu giá 6 đợt với 19.105 phương tiện). Riêng đợt đấu giá lần 3 của Phòng Cảnh sát giao thông về bán đấu giá 5.334 phương tiện đã thực hiện xong, thu hơn 4 tỷ đồng.