Công an TP.HCM triệt phá 24 băng nhóm tín dụng đen dịp cận Tết

Qua một tháng ra quân trấn áp tội phạm, Công an TP.HCM đã triệt phá 24 băng nhóm, với 64 đối tượng hoạt động tín dụng đen.

Chiều 18/1, UBND TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.

Tại buổi họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM đã thông tin về việc trấn áp tội phạm “tín dụng đen” trong dịp cận Tết Nguyên đán.

Theo ông Hà, qua một tháng (từ 15/12/2023-15/1/2024) ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán 2024, Công an thành phố đã triệt phá 24 băng nhóm, 64 đối tượng hoạt động liên quan “tín dụng đen”. Các đối tượng thường dùng thủ đoạn khủng bố tinh thần người vay, người thân người vay (gọi điện đe dọa liên tục, tạt chất bẩn, ghép hình, rải tờ rơi tại nơi làm việc…).

Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại buổi họp báo

Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại buổi họp báo

Đáng chú ý, Phòng Cảnh sát hình sự đã khám phá chuyên án cướp tài sản và cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với lãi suất lên đến 360%/năm để thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Cụ thể, khi con nợ chậm trả tiền, các đối tượng tìm đến nhà dùng súng công cụ hỗ trợ uy hiếp, đánh người để siết tài sản và bắt ép phải viết giấy nhận nợ.

Bên cạnh trấn áp, truy quét, Công an thành phố cũng phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nhân dân đề cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm.

Ngoài ra, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng cũng được tăng cường để chủ động phát hiện, điều tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm có liên quan.

Tạm giữ 32.000 phương tiện vi phạm giao thông

Trước thông tin báo chí nêu, lý do CSGT không cho đặt tiền bảo lãnh để người dân tự bảo quản phương tiện vi phạm, ông Hà cho biết, tùy vào từng vụ việc mà người dân chọn phương án phù hợp, đúng quy định.

“Tuy nhiên số lượng người dân, doanh nghiệp đặt tiền đảm bảo ít được áp dụng, mà lựa chọn áp dụng biện pháp tạm giữ giấy tờ (đăng ký xe, đăng kiểm xe, bằng lái xe...) để đảm bảo thay cho việc tạm giữ phương tiện”, ông Hà cho biết.

Theo ông Hà, trong năm 2023, số phương tiện bị tạm giữ trong quá trình xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm trên 155.000 phương tiện (1.537 ô tô, 153.493 xe mô tô, xe máy và 1.283 xe 3,4 bánh). Trong đó, Phòng CSGT đang tạm giữ tại các kho khoảng 32.000 phương tiện; Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức khoảng trên 20.000 phương tiện.

Thượng tá Hà cũng thông tin thêm, trong năm 2023 Công an thành phố đã tịch thu, bán đấu giá 27.571 phương tiện. Riêng Phòng CSGT đã lập hồ sơ tịch thu, đấu giá 6 đợt với 19.105 phương tiện.

Cũng tại buổi họp báo, Sở TN&MT TP.HCM thông tin về xử lý ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke. TP đã lập các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, như Tổng đài 1022, đường dây nóng của Sở TN&MT, đường dây nóng-cổng thông tin điện tử và ứng dụng mạng xã hội của các phường, xã, thị trấn.

Qua thống kê, 88% số phản ánh qua Tổng đài 1022. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2023, cổng này tiếp nhận hơn 11.100 phản ánh. Qua đó, TP đã kiểm tra, nhắc nhở 5.880 trường hợp vi phạm và xử phạt 45 trường hợp, giảm 1,4 lần so với năm 2022...

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-an-tp-hcm-triet-pha-24-bang-nhom-tin-dung-den-dip-can-tet-2241023.html
Zalo