'Cơn bão' tẩy chay

Hiện tượng tẩy chay trên mạng xã hội dường như ngày càng nhanh, mạnh và nóng hơn. Ứng xử chưa chuẩn mực của những người nổi tiếng, đặc biệt là giới nghệ sĩ không chỉ bị cộng đồng soi xét, bình luận mà còn tạo nên những làn sóng tẩy chay.

Các hội nhóm antifan người nổi tiếng đang “mọc lên như nấm” trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: CMH.

Các hội nhóm antifan người nổi tiếng đang “mọc lên như nấm” trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: CMH.

Quyền lực mạng xã hội

Tại một số nước, đặc biệt ở các quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển, câu chuyện tẩy chay, thậm chí là “phong sát” đã khiến nhiều nghệ sĩ phải đánh đổi bằng cả danh dự và sự nghiệp.

Còn ở Việt Nam, dù việc này mới bắt đầu xuất hiện, nhưng cũng đang khiến nhiều nghệ sĩ điêu đứng, buộc phải tạm dừng các hoạt động nghệ thuật. Đơn cử như năm 2023, dù mới bước chân vào giới giải trí nhưng Hoa hậu Thế giới Việt Nam Huỳnh Trần Ý Nhi vấp phải sự chỉ trích của cư dân mạng sau khi có những phát ngôn hạ thấp bạn trai và những người cùng trang lứa. Phản ứng từ dư luận dẫn đến làn sóng lên án và kêu gọi nàng hậu phải lưu tâm hơn đến những phát ngôn của mình.

Hay như ca sĩ Thủy Tiên, nghệ sĩ Hoài Linh từng được khán giả vô cùng yêu mến, nhưng scandal bị tố ăn chặn tiền từ thiện vào năm 2021 đã khiến sự nghiệp và danh tiếng của 2 nghệ sĩ này tụt dốc. Thậm chí, cho đến thời điểm hiện tại, mỗi khi có cuộc phát động kêu gọi ủng hộ từ thiện thì 2 nghệ sĩ này lại được cộng đồng mạng “gọi tên”.

Ngoài ra là trường hợp ca sĩ Jack (Trịnh Trần Phương Tuấn) với hàng loạt ca khúc với trăm triệu view, trở thành “ngôi sao đang lên” trong giới trẻ, nhưng khi bị tố cáo là bắt cá hai tay, vô trách nhiệm với con… Lập tức anh đã bị cộng đồng mạng tẩy chay. Sau gần 1 năm nghỉ hát vì scandal, Jack trở lại với sản phẩm âm nhạc mới nhưng vẫn tiếp tục bị chỉ trích. Thậm chí dù nỗ lực với hình ảnh tươi mới nhưng kết quả vẫn không lấy lại được hình ảnh. Đây cũng kết cục buồn của ca sĩ Hiền Hồ, Đạt G… sau những ồn ào liên quan đến tình cảm cá nhân.

Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh bày tỏ, đã có rất nhiều sự thay đổi trong cách khán giả nhìn nhận về scandal của nghệ sĩ. “Tôi thấy nhiều khán giả đang trở nên khắt khe hơn và dần hình thành làn sóng tẩy chay có chủ đích. Điều này có nghĩa là đối với những người nổi tiếng, scandal ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp. Nếu như trước đây, khán giả chỉ tẩy chay nhẹ nhàng với những sản phẩm họ phải bỏ tiền ra chi trả thì hiện tại, khán giả tẩy chay cả những sản phẩm phát hành miễn phí” - ông Minh nhìn nhận.

Văn hóa hay trào lưu?

Có thể nói, với sự phát triển của các loại hình giải trí cũng như sự bùng nổ của công nghệ, giờ đây một nghệ sĩ nổi tiếng đến với công chúng không chỉ còn là những sản phẩm nghệ thuật. Chỉ cần một sự ồn ào nào đó bắt đầu nhen nhóm lên (cả vô tình lẫn cố ý) lập tức làn sóng antifan - tẩy chay bắt đầu xuất hiện.

Một nghệ sĩ trong giới giải trí hiện nay mà không có antifan là rất hiếm. Không khó để tìm ra vô số những trang antifan thu hút hàng chục, hàng trăm nghìn lượt người theo dõi. Thế nhưng điều đáng nói là các thông điệp chính trong những trang này lại là các hình ảnh, video, những tư liệu (thường không rõ nguồn gốc và thiếu chứng cứ) để bóc phốt, nói xấu; có khi họ cũng dùng ảnh chế để miệt thị “đối tượng mục tiêu”.

Theo PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, gần đây, các hình thức ẩn dưới tẩy chay lan tỏa mạnh mẽ thông qua việc thành lập các nhóm antifan (người tẩy chay hay người chống đối) có số lượng rất đông đảo. Chỉ từ một sự việc rất nhỏ của một ai đó là ngay lập tức họ kêu gọi tham gia tẩy chay có khi lên tới cả mấy trăm nghìn người. Điều đáng chú ý là, tình trạng chèo kéo, a dua tẩy chay trên mạng lan rộng đã ảnh hưởng lớn đến phát triển nhân cách, đạo đức và văn hóa của giới trẻ, thậm chí có đối tượng đã lợi dụng việc này để tống tiền và bị khởi tố.

Thực tế cho thấy phản ứng của khán giả trước những sai phạm của các nghệ sĩ là cần thiết. Nhưng việc tẩy chay hiện nay được coi là văn hóa hay chỉ là một trào lưu vẫn đang là vấn đề còn bỏ ngỏ. Bởi ở một góc độ nào đó, phản đối, tẩy chay là hành động thể hiện quan điểm của khán giá trước những phát ngôn, hành xử thiếu chuẩn mực hay vi phạm quy tắc đạo đức của nghệ sĩ. Một trong những lý do khiến quyền lực của khán giả ngày càng phát huy hiệu quả vì số lượng người sử dụng Internet ngày càng tăng cao, số lượng người có trang cá nhân trên mạng xã hội nhiều. Quyền lực của khán giả không phải là khái niệm mơ hồ nữa mà được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể.

Để dung hòa, bà Oanh cho rằng, người Việt có câu “thương người như thể thương thân”, đây chính là một phần văn hóa khoan dung, độ lượng đã được vun đắp từ nghìn đời. Cùng với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thì xây dựng văn hóa khoan dung, độ lượng chính là giúp mỗi người tìm được sự nhẹ nhàng, bình yên trong tâm hồn, dễ nhận được sự yêu mến, nể phục từ mọi người xung quanh. Sự khoan dung, độ lượng sẽ giúp mối quan hệ giữa người với người trong xã hội được cải thiện đồng thời cũng mở ra cánh cửa để xây dựng cuộc sống an yên, vui vẻ, văn minh và văn hóa. Đây chính là cách để hạn chế bớt những biến thể và hệ lụy do việc lạm dụng tẩy chay gây ra.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, chiêu thức “im lặng, chờ đợi, quay lại” của nhiều nghệ sĩ đến nay vẫn hiệu quả, tức là người hâm mộ vẫn... nhanh quên. Và chừng nào người hâm mộ còn dễ quên như vậy thì các nghệ sĩ sẽ còn sử dụng cách này như một “lá bài hộ mệnh”.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/con-bao-tay-chay-10282444.html
Zalo