Còn 196 thôn, bản ở Nghệ An bị cô lập do mưa lũ

Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tính đến 21 giờ ngày 24/7, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn 24 xã bị cô lập với 196 thôn, bản/18.087 hộ/79.683 nhân khẩu, trong đó 2 xã bị cô lập hoàn toàn; 22 xã bị cô lập một phần. Ngoài ra, gần 1.900 ngôi nhà trong vùng mưa lũ vẫn đang bị ngập.

Mưa lũ lớn khiến hàng ngàn nhà dân ở miền núi Nghệ An bị ngập nước, nhiều thôn, bản bị chia cắt, cô lập. Ảnh: Lê Thủy

Mưa lũ lớn khiến hàng ngàn nhà dân ở miền núi Nghệ An bị ngập nước, nhiều thôn, bản bị chia cắt, cô lập. Ảnh: Lê Thủy

Trước tình hình mưa lũ nghiêm trọng, trong hai ngày 23 và 24/7, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Mai Văn Chính chủ trì đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Nghệ An.

Sáng 24/7, Bộ Quốc phòng đã huy động máy bay trực thăng thực hiện nhiệm vụ cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị cô lập. Theo đó, tỉnh Nghệ An đã tổ chức 2 đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, phối hợp với Bộ Quốc phòng tiếp tế 6 tấn mỳ tôm, 4 tấn sữa, 6 tấn lương khô, 4 tấn nước bằng trực thăng cho các xã bị cô lập. Tỉnh Thanh Hóa tổ chức xử lý 4 sự cố đê điều, cắm biển cảnh báo và điều tiết giao thông tại 92 vị trí sạt lở đường giao thông.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai, hiện mực nước thượng lưu sông Cả đang xuống nhưng vẫn ở mức báo động (BĐ)2 đến xấp xỉ BĐ3, mực nước hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn đã đạt đỉnh lúc 4h/25/7 là 5,73m, trên BĐ1 0,33m và đang giữ nguyên.

Hiện, khu vực Bắc Trung Bộ có 11 hồ chứa thủy điện vận hành điều tiết qua tràn, trong đó lưu lượng về hồ Bản Vẽ lúc 7h00 là 1.630m3/s, lưu lượng xả lớn nhất lúc 7h00 là 1.627m3/s; mực nước hồ đạt 199,84m. Về hồ chứa thủy lợi, khu vực Bắc Bộ đến Hà Tĩnh có tổng số 4.487 hồ (2 hồ quan trọng đặc biệt, 446 hồ lớn, 817 hồ vừa, 3.222 hồ nhỏ); lượng nước trữ trong các hồ trung bình đạt khoảng từ 58% - 86% dung tích thiết kế, riêng các hồ Nghệ An cơ bản đã đầy nước.

Số liệu thống kê cho thấy, bão số 3 và mưa lũ đã làm 3 người chết tại Nghệ An (2 người do lũ cuốn, 1 người do sạt lở đất); 1 người mất tích tại Nghệ An (do lũ cuốn); 5 người bị thương (Thanh Hóa 1 người, Nghệ An 4 người).

Do ảnh hưởng của mưa lũ và bão số 3, đã có 987 nhà ở bị hư hỏng, tốc mái (Phú Thọ 19 nhà, Thanh Hóa 30 nhà, Nghệ An 938 nhà). Ngoài ra, hơn 54.000 ha lúa bị ngập (Ninh Bình 41.415ha, Thanh Hóa 13.000ha); 306 con gia súc và hơn 30.700 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Hệ thống giao bị sạt lở, hư hỏng nặng nề do bão số 3 và mưa lũ. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện 301 vị trí sạt lở tại quốc lộ, tỉnh lộ với khối lượng 52.000m3; tại Nghệ An xảy ra 291 vị trí sạt lở, ngập lụt tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, 3 cầu treo bị cuốn trôi.

Ở một số điểm tại xã Tương Dương, Nghệ An nước đã rút để lại bùn đất, đồ đạc của người dân ngổn ngang. Ảnh: Lê Thủy

Ở một số điểm tại xã Tương Dương, Nghệ An nước đã rút để lại bùn đất, đồ đạc của người dân ngổn ngang. Ảnh: Lê Thủy

Trước diễn biến mưa lũ, chiều tối 24/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có công văn đề nghị các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương huy động nguồn lực khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua; theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ cho các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động phòng tránh.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn; tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn, nhất là những khu vực đã xảy ra mưa lớn những ngày vừa qua.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Kiểm tra, rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình xung yếu, các công trình đang thi công, nhất là các vị trí đê điều đã bị sự cố, hồ chứa nhỏ đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết hồ chứa và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời chủ động biện pháp tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/con-196-thon-ban-o-nghe-an-bi-co-lap-do-mua-lu-post492623.html
Zalo