Có 'visa' chính ngạch, năm nay xuất khẩu dừa Việt có thể mang về 1 tỉ USD
Việt Nam với diện tích trồng dừa gần 200.000 ha, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu dừa đạt hơn 900 triệu USD, năm 2024 ngành dừa kỳ vọng đạt hơn 1 tỉ USD.
Ngày 13-12, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa”.
Xuất khẩu tăng mạnh
Diễn đàn nhằm thúc đẩy kết nối giữa các bên trong chuỗi giá trị dừa, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nông dân nắm bắt các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Đồng thời hướng tới phát triển bền vững ngành dừa Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường - Bộ NN&PTNT cho biết, dừa là một trong sáu cây công nghiệp chủ lực theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Mục tiêu của đề án đến năm 2030 diện tích dừa trên toàn quốc khoảng 195.000 - 210.000 ha, vùng trồng dừa trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 170.000 - 175.000 ha...
Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua phát triển sản xuất và chế biến dừa được Bộ NN&PTNT rất quan tâm. Cụ thể vừa qua Bộ NN&PTNT đã làm việc, ký kết hiệp định thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu dừa chính ngạch; phối hợp Đại học Trà Vinh nghiên cứu lai tạo giống dừa để tạo thuận lợi cho ngành dừa phát triển.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, tổng diện tích trồng dừa của tỉnh trên 80.000 héc ta, chiếm gần 42% diện tích dừa cả nước. Đến nay toàn tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích 8.391 ha và có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua kim ngạch xuất khẩu dừa vẫn ổn định trên 350 triệu USD/năm, riêng từ tháng 10-2024 dừa Bến Tre được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc con số tăng trưởng cao. Dự kiến năm nay xuất khẩu dừa của tỉnh đạt gần 400 triệu USD” - ông Đức nói.
Lo tình trạng mua bán mã vùng trồng ảnh hưởng đến xuất khẩu
Mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ hơn 4 tỉ quả dừa, mới đây Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi nên Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho ngành dừa Việt Nam.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre khẳng định, thời gian qua cơ quan chức năng chưa phát hiện tình trạng gian lận thương mại đối với mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa. Công tác kiểm soát vùng trồng, mã đóng gói được kiểm tra sát sao.
“Để phòng ngừa tình trạng trên, thời gian tới chúng tôi khuyến khích vận động người nông dân, hợp tác xã không tiếp tay đồng thời tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ” - ông Đức nhấn mạnh.
Tuy vậy, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group cho biết, Việt Nam là quốc gia có sản lượng dừa lớn, đặc biệt từ Bến Tre và các tỉnh miền Tây, đảm bảo khả năng cung cấp ổn định cho thị trường. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng mua bán mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản xuất khẩu nói chung đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, khả năng cạnh tranh của Việt Nam, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, một số tổ chức sau khi được cấp mã số vùng trồng không sử dụng mà bán lại cho bên khác làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm. Bên cạnh đó, một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đăng ký, dẫn đến việc vi phạm kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Theo ông Phú, tình trạng vi phạm trong sử dụng mã số vùng trồng có thể dẫn đến việc các nước nhập khẩu siết chặt kiểm soát, thậm chí là đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Hơn nữa, những sai phạm làm giảm niềm tin từ các đối tác quốc tế, khiến việc đàm phán mở rộng thị trường khó khăn hơn.
"Nhà nước cần xây dựng hệ thống số hóa quản lý mã số vùng trồng để theo dõi chặt chẽ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu. Chế tài mạnh mẽ đối với hành vi gian lận để bảo vệ uy tín của hàng nông sản Việt Nam..." - ông Phú nói.