Cổ phiếu vốn hóa nhỏ được chú ý
Trong giai đoạn thị trường diễn biến giằng co với áp lực bán ròng từ khối ngoại, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến những nhóm cổ phiếu vốn hóa thấp. Những mã này có thể tối ưu cơ hội sinh lời, đồng thời cũng hạn chế tác động từ đà bán ròng của khối ngoại.
Dòng tiền phân hóa
Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tháng giao dịch với nhiều biến động. Chỉ số VN-Index giảm liên tục từ đầu tháng 11, từ vùng 1.265 điểm xuống gần ngưỡng 1.230 điểm trong hai tuần đầu. Chỉ số của sàn HOSE tiếp tục rơi mạnh trong tuần cuối tháng, có thời điểm mất mốc 1.200 điểm trước khi phục hồi trở lại.
Sau nhịp rung lắc mạnh nửa cuối tháng 11, VN-Index trong hai tuần đầu tháng 12 trở lại xu hướng giằng co. Chỉ số chính của chứng khoán Việt Nam trong 5 phiên gần nhất ghi nhận biên độ thay đổi chưa tới 5 điểm, với sự phân hóa mạnh của các nhóm cổ phiếu. Đi cùng với diễn biến này là thanh khoản giữ ở mức thấp.
Các mã trụ trong rổ chỉ số VN30 luân phiên tăng giảm giữ các chỉ số chính không thay đổi lớn, với biên độ nhiều phiên dưới ngưỡng 1%. Thay vào đó, dòng tiền có khuynh hướng chuyển dịch sang các nhóm vốn hóa thấp, trên cả hai sàn giao dịch HoSE, HNX và thị trường UPCoM.
Phiên giao dịch ngày 11/12, trong khi VN-Index chốt phiên trong sắc đỏ, nhiều mã bluechip đóng cửa sát tham chiếu, một số cổ phiếu nhỏ bất ngờ được kéo tăng vọt. SMC có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp, TCO, PSH, KSV, HSV… cũng được kéo tăng hết biên độ.
Như SMC, cổ phiếu của doanh nghiệp phân phối thép này đã tăng 4 phiên gần nhất, từ 6.700 đồng lên hơn 8.000 đồng, tương ứng biên độ tăng gần 20%. Kết quả này có phần đi ngược lại với bức tranh tài chính của SMC, khi doanh nghiệp thương mại ngành thép đang trong vòng xoáy thua lỗ. Tương tự, TCO cũng tăng 4/5 phiên gần nhất, với biên độ cộng thêm gần 15%.
Trước đó, những phiên giao dịch đầu tháng 12, một số mã nhóm mid-cap và penny cũng trở thành tâm điểm trong giai đoạn thị trường đi ngang. Mức độ sinh lời của nhiều mã nhóm này đạt trên 10% kể từ đầu tháng 12, đánh bại thị trường chung và hầu nhất các nhóm cổ phiếu trụ.
Tại sao dòng tiền dịch chuyển?
Có hai lý do chính, theo giới phân tích, khiến dòng tiền tìm đến những nhóm cổ phiếu vốn hóa thấp trong giai đoạn hiện nay, gồm cơ hội sinh lời tốt hơn và tránh ảnh hưởng từ đà bán ròng của khối ngoại.
Tâm điểm của thị trường trong tháng trước là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Nhóm này có tháng bán ròng gần như xuyên suốt và chỉ có dấu hiệu quay lại mua ròng trong tuần cuối tháng khi tỷ giá trong nước hạ nhiệt. Giá trị bán ròng của khối ngoại tăng lên gần 12.000 tỷ đồng trong tháng 11, gồm 9.500 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh và 2.500 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận. Theo đó, tỷ trọng giao dịch của nhóm này cũng tăng lên ngưỡng 13,92% vào cuối tháng 11, cao nhất kể từ tháng 4/2023.
Các nhóm cổ phiếu trụ cột, như bất động sản dân cư, ngân hàng, dịch vụ tài chính hay thực phẩm đồ uống đều chịu lực bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, VHM bị bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng, SSI và MSN cùng ghi nhận áp lực bán ra của khối ngoại trên 1.000 tỷ đồng.
“Thị trường và dòng tiền luôn đi tìm cơ hội đầu tư có khả năng sinh lời tốt. Và trong giai đoạn hiện tại thì nhóm vốn hóa lớn không phải lựa chọn hấp dẫn do đang bị khối ngoại bán ròng liên tục, diễn biến này ít nhiều cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư” - ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta bình luận.
Thay vào đó, theo chuyên gia này, nhóm cổ phiếu mid-cap và penny sẽ được chú ý bởi đứng ngoài “làn sóng” bán ròng. Nhà đầu tư nước ngoài hiện chủ yếu nắm giữ cổ phiếu các doanh nghiệp vốn hóa lớn, đầu ngành, ở những nhóm nhỏ tỷ lệ chỉ ở mức thấp hoặc không có sở hữu nước ngoài. Ngoài ra, do quy mô vốn hóa nhỏ, nhiều mã có tính chất sở hữu cô đặc, dư địa tăng trưởng sẽ tốt hơn.
Theo Công ty Chứng khoán Shinhan (Việt Nam), một trong những lý do khi tỷ giá tăng sẽ khiến cho khối ngoại có xu hướng bán ròng đó là chính là sự gia tăng rủi ro, làm giảm lợi nhuận kỳ vọng. Trước diễn biến này, các nhà đầu tư trong nước có xu hướng tìm kiếm các cơ hội đầu tư an toàn hơn, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài có thể tạm thời rút vốn để chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường.
Theo đó, thay vì tập trung vào những cổ phiếu có thể được hưởng lợi từ tác động chính sách của vị Tổng thống Mỹ mới, nhà đầu tư có thể ưu tiên những lựa chọn an toàn hơn, tránh làn sóng bán ròng của khối ngoại.
Những lựa chọn cổ phiếu được nhóm phân tích từ Chứng khoán Shinhan khuyến nghị là những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính tại thị trường nội địa Việt Nam, ít các khoản vay nước ngoài, giao dịch trên thị trường UPCoM hay sàn HNX vì các cổ phiếu sẽ ít được quan tâm bởi các quỹ ETF thụ động, và có biến động cổ phiếu thấp (beta thấp).
Quỹ ngoại liên tục bị rút ròng
Theo SSI Research, giao dịch từ cả nhóm quỹ chủ động và ETF đang nghiêng nhiều theo xu hướng rút ròng từ các thị trường đang phát triển và triển vọng trong tháng 12 cũng chưa quá nhiều kỳ vọng khi thị trường Mỹ vẫn đang thu hút phần lớn sự chú ý.
Các quỹ ETF đẩy mạnh rút vốn trên thị trường Việt Nam trong tháng 11 sau hai tháng chậm lại, với tổng giá trị lên đến 1.480 tỷ đồng, so với mức 700 tỷ đồng trong tháng 9 và 300 tỷ đồng trong tháng 10. Đây là tháng rút ròng liên tiếp thứ 11 trong năm nay, nâng giá trị rút ròng từ đầu năm lên gần 22.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 30% tổng tài sản vào cuối năm 2023.
Áp lực rút vốn tăng mạnh ở nhóm quỹ Mỹ - Âu, điển hình là quỹ VanEck (642 tỷ đồng) và quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF (214 tỷ đồng), tương đồng với bối cảnh dòng tiền rút mạnh ở thị trường đang phát triển. Bên cạnh đó, các quỹ nội là DCVFM VN30, DCVFM VNDiamond và MAFM VNDIAMOND ETF cũng đảo chiều rút ròng trong tháng 11 với giá trị lần lượt là 301 tỷ đồng, 204 tỷ đồng và 82 tỷ đồng.