Có những cuộc tri ân không lời, nhưng là cả một đời khắc ghi

Giữa nghĩa trang liệt sĩ, cuộc hội ngộ không lời của người sống với người đã khuất là khoảnh khắc đặc biệt, tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

"Gặp lại" đồng đội ngày không còn chiến tranh

Tháng 7 lại về, tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Nai, dáng người gầy gò, mái tóc bạc của cựu chiến binh Lê Hồng Thái (76 tuổi, ngụ phường Trấn Biên) lặng lẽ giữa những hàng mộ thẳng tắp.

Cựu chiến binh Lê Hồng Thái (phải) cùng đồng đội thắp nhang cho các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Ảnh: Hoàng Anh

Cựu chiến binh Lê Hồng Thái (phải) cùng đồng đội thắp nhang cho các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Ảnh: Hoàng Anh

Ông đi chậm rãi, ánh mắt trìu mến dõi theo những dòng chữ khắc tên những người đã khuất. Có người đã tìm được danh tính, có người vẫn nằm lại với dòng chữ "chưa xác định".

Dừng chân bên phần mộ các liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968 tại sân bay Biên Hòa, ông Thái lặng người. Nơi đây, người đồng đội thân thiết của ông, Liệt sĩ Lê Xuân Thắng đã ngã xuống.

Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 7, ông lại đến đây. Một cuộc gặp gỡ không lời, nhưng đẫm nước mắt, đầy nỗi niềm của người lính già với đồng đội năm xưa. Người cùng ông chia nhau củ khoai, cùng nhau đi qua tháng ngày bom đạn.

Phần mộ tập thể liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh Tết Mậu Thân tại sân bay Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Anh

Phần mộ tập thể liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh Tết Mậu Thân tại sân bay Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Anh

Ông Thái kể lại, 5 tháng 17 ngày đêm vượt Trường Sơn, mang theo súng đạn, gạo thóc và niềm tin vào ngày chiến thắng là điều mà ông không thể nào quên. Thế nhưng, mùa Xuân năm 1968, người bạn chiến đấu thân thiết của ông đã ngã xuống ở tuổi 21.

“Cứ nghĩ đến những đồng đội của mình là tôi lại rơi nước mắt. Mỗi năm, tôi đều về đây gặp lại các đồng đội để kể cho họ nghe về chuyện gia đình, cuộc sống và ôn lại những tháng năm gian khổ”, ông Thái nghẹn ngào.

Nghẹn ngào giây phút đón liệt sĩ về lại quê hương

Cũng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Nai, một lễ tiễn đưa diễn ra trong không khí lặng lẽ nhưng đầy xúc động. Hài cốt Liệt sĩ Hoàng Văn Huyên, sau hơn 50 năm an nghỉ tại mảnh đất phương Nam, nay đã được đưa về với quê hương đất mẹ tại phường Nếnh, tỉnh Bắc Ninh.

Giây phút tiễn đưa hài cốt liệt sĩ Hoàng Văn Huyên về quê nhà. Ảnh: Hoàng Anh

Giây phút tiễn đưa hài cốt liệt sĩ Hoàng Văn Huyên về quê nhà. Ảnh: Hoàng Anh

Suốt nửa thế kỷ qua, phần mộ của ông được chính quyền và nhân dân Đồng Nai chăm sóc chu đáo. Đến dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, theo nguyện vọng của gia đình, hài cốt của liệt sĩ được đưa về nơi quê hương đất mẹ, nơi ông từng lên đường nhập ngũ.

Trong giây phút nghẹn ngào khi đón nhận hài cốt người thân, anh Hoàng Trung Kiên, cháu ruột của liệt sĩ kể, ông Huyên là chiến sĩ thuộc lực lượng đặc biệt, hoạt động trong điều kiện bí mật, thông tin về nơi hy sinh gần như không có.

Mãi đến một năm trước, một người thân ở Đồng Nai tình cờ phát hiện một ngôi mộ liệt sĩ có nhiều chi tiết trùng khớp. Sau quá trình xác minh cẩn trọng, gia đình xác nhận đây chính là hài cốt người thân.

“Gia đình tôi vô cùng biết ơn chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã giúp đỡ hết lòng để đưa chú tôi trở về quê trong dịp đầy ý nghĩa này. Đây là sự tri ân thiêng liêng với người đã hy sinh và cả những người thân ở lại”, anh Kiên nghẹn lòng.

Chuyến trở về của Liệt sĩ Huyên không chỉ là sự nối dài một hành trình dang dở, mà còn nhắc nhớ thế hệ hôm nay về những hy sinh lặng thầm mà lớn lao để có được hòa bình hôm nay.

Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Anh

Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Anh

Ông Nguyễn Xuân Cương, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua hội đã tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình như viếng nghĩa trang, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và thân nhân liệt sĩ.

"Đặc biệt, chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành giám định ADN để đối chiếu giữa mẫu hài cốt và thân nhân, nhằm xác định danh tính những liệt sĩ còn thiếu thông tin. Riêng ở Long Khánh, hơn 60 phần mộ đã được bổ sung đầy đủ tên tuổi, quê quán nhờ công tác xác minh”, ông Cương chia sẻ.

Theo ông Cương, hành trình ấy sẽ còn tiếp tục với những phần mộ liệt sĩ hy sinh trên địa bàn tỉnh nhưng còn thiếu thông tin. Hội sẽ đồng hành cùng thân nhân để hoàn thiện hồ sơ, bổ sung thông tin trên bia mộ để những người lính năm xưa được trở về đúng tên, đúng quê hương.

Hoàng Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-nhung-cuoc-tri-an-khong-loi-nhung-la-ca-mot-doi-khac-ghi-2425899.html
Zalo