Có nên xem xét tiếp tục hạ độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội?

Theo chuyên gia, quy định mới đã cho thấy sự tiến bộ khi hạ độ tuổi được nhận trợ cấp hưu trí xã hội xuống còn 75 tuổi, tuy nhiên còn những điểm có thể nghiên cứu xem xét thêm…

Sau khi nhận được thông tin từ 1/7, người từ 75 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội mới, bà Vũ Thị Côi (78 tuổi, phường Cầu Giấy, Hà Nội) đến UBND phường Cầu Giấy làm thủ tục trợ cấp cho bà và chồng.

Ngay khi được tổ dân phố phổ biến chính sách mới, gia đình bà Côi vui mừng khi biết có hai người đủ điều kiện được nhận trợ cấp hưu trí. Đặc biệt, nếu như trước đây, bà Côi cần chờ đợi thêm hơn 2 năm nữa mới được nhận khoản trợ cấp này thì nay mỗi tháng bà có thêm một khoản chế độ 500.000 đồng.

Tại địa điểm đăng ký, bà Côi được nhân viên hướng dẫn liên hệ với người nhà đồng thời hỗ trợ viết giúp hồ sơ để hoàn tất được thủ tục nhanh chóng. "Chồng đột quỵ đang nằm viện nên tôi đến khai cho cả 2. Trí nhớ kém nên tờ khai tôi được nhân viên hỗ trợ ghi giúp, con cháu cũng đi bộ từ nhà ra UBND phường để làm nốt thủ tục. Chúng tôi rất vui với được khoản trợ cấp này vì cả 2 vợ chồng đều không có lương hưu. Đây là một chính sách tốt cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến những người cao tuổi như chúng tôi", bà Côi chia sẻ.

Bà Côi làm thu tục đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại quận Cầu Giấy.

Bà Côi làm thu tục đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại quận Cầu Giấy.

GS.TS Nguyễn Đình Cử (Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội) cho rằng, đây là một chính sách mới, tiến bộ hơn nhiều so với các quy định cũ. Trước đây đối tượng áp dụng là các cụ 80 tuổi không có lương hưu và không có bất kỳ khoản trợ cấp nào khác thì được một khoản trợ cấp là 360.000đ/tháng.

Với quy định mới, số tuổi rút đi chỉ còn 75 và mức hưởng cũng cao lên tức là 500.000 đồng. Điều này có ý nghĩa tích cực đối với đời sống của người cao tuổi không có lương hưu.

Ông Cử cho biết thêm, hiện nay tỷ lệ người cao tuổi có lương hưu rất thấp, người có lương hưu và người hưởng chính sách trợ cấp của người có công với cách mạng khoảng 46%. Do vậy việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội lần này đã làm tăng độ phủ của những người cao tuổi được hưởng lương hưu hoặc là trợ cấp, từ đó làm tăng thêm nguồn thu nhập thường xuyên của người cao tuổi.

Đồng quan điểm trên, GS.TS Giang Thanh Long (giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, hiện nay tỉ lệ người cao tuổi hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội chưa bao phủ hết, đặc biệt là nhóm người cao tuổi từ 75 trở lên hiện rất nhiều người không có lương hưu cũng không có trợ cấp.

Những đối tượng này không có lương hưu, trợ cấp mà hiện tại các cái vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm lại thay đổi nên khả năng họ nhận được những hỗ trợ từ gia đình cũng sẽ có xu hướng giảm đi. Do đó, việc hạ độ tuổi xuống để bao phủ thêm người cao tuổi sẽ giúp đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Có thể tiếp tục giảm tuổi được nhận trợ cấp hưu trí?

Dù chính sách mới đã có những điểm tiến bộ so với trước đây, tuy nhiên GS.TS Nguyễn Đình Cử cho rằng vẫn còn những điểm cần phải nghiên cứu xem xét thêm.

Theo ông Cử, từ những năm 1967, Liên Hợp Quốc đã có khuyến nghị với Chính phủ các nước nên trợ cấp cho những người không có lương hưu từ 65 tuổi trở lên. Hiện nay, Nghị định mới đã có tiến bộ nhưng vẫn còn rất xa so với khuyến nghị của Liên Hợp Quốc.

"Ở thời điểm năm 1967, GDP bình quân đầu người chung của cả thế giới mới có 600$. Trong khi đó hiện tại, GDP của Việt Nam là 4.700$ rồi, gấp tám lần GDP bình quân đầu người năm 1967 thế nhưng vẫn duy trì mức chuẩn là 75 tuổi thì vẫn cao", ông Cử nhận định

Một vấn đề cần xem xét là tình trạng là tuổi thọ bình quân của các tỉnh ở nước ta là rất khác nhau. Ví dụ như theo số liệu năm 2024, tỉnh Lai Châu tuổi thọ bình quân của nam giới là 62 tuổi còn ở thành phố Hồ Chí Minh tuổi thọ bình quân của nữ lên đến 79,4, sự chênh lệch cao tới khoảng 17 tuổi.

Hiện nay các tỉnh vẫn chung một tiêu chuẩn là 75 tuổi thì mới được hưởng trợ cấp, như vậy người cao tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh có thể hầu hết được hưởng chế độ nói trên nhưng với tỉnh Lai Châu thì vẫn có thể chỉ là "chế độ treo".

Do đó, theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, chế độ tối ưu để không người cao tuổi nào bị bỏ lại phía sau thì chúng ta nên trợ cấp cho những người từ 65 tuổi trở lên. "Tuy nhiên nên trợ cấp theo những mức khác nhau theo trình độ phát triển của nền kinh tế địa phương. Chính phủ có thể quy định những mức khác như chẳng hạn như từ 65- 70 tuổi khoảng 400.000 đồng/tháng; từ 70- 79 khoảng 500.000 đồng/tháng; từ 80-89 khoảng 600.000 đồng/tháng và từ 90 tuổi trở là 700.000 đồng/tháng", GS.TS Nguyễn Đình Cử cho hay.

Trong khi đó, GS.TS Giang Thanh Long lưu ý, trợ giúp xã hội chi trả từ nguồn thuế từ Chính phủ - nguồn đóng góp từ người lao động. Để giảm bớt gánh nặng về sau thì đương nhiên bây giờ người lao động phải đóng góp để sau này họ hưởng trên cái phần họ đóng góp.

Tùy thuộc vào điều kiện ngân sách, Chính phủ cũng cân nhắc để nâng mức hưởng cho người cao tuổi lên. Tuy nhiên với con số khoảng hơn 2,1 triệu người đang thụ hưởng chính sách này, nếu một lần nâng từ 500.000 đến 1.000.000đ mỗi người sẽ là một con số lớn. Do đó Chính phủ cần có chiến lược dài hạn để có lộ trình tăng thêm thu nhập cho người cao tuổi trong thời gian tới.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-nen-xem-xet-tiep-tuc-ha-do-tuoi-nhan-tro-cap-huu-tri-xa-hoi-169250718144116475.htm
Zalo