Có nên phẫu thuật tẩy nốt ruồi?
Nhiều người băn khoăn, chưa biết rõ về các phương pháp tẩy nốt ruồi trên gương mặt, tay, cổ, ngực... sao cho đảm bảo thẩm mỹ và an toàn.
Gia đình tôi có "truyền thống" nhiều nốt ruồi trên mặt, tay. Tôi muốn đi tẩy nốt ruồi bằng tiểu phẫu hoặc laser có được không? Phương pháp này có an toàn không, có để lại sẹo và phải kiêng khem gì sau can thiệp hay không, thưa bác sĩ? (Minh Chuyên, Hà Nội).
Bác sĩ Lê Thanh Hiền, Khoa Phẫu thuật, Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tư vấn:
Tại Việt Nam, việc tẩy nốt ruồi diễn ra rất phổ biến, khoảng 80% là vì lý do phong thủy và tính thẩm mỹ. Chỉ khoảng 10-20% bệnh nhân tới các cơ sở y tế với mục đích loại bỏ nốt ruồi vì liên quan tới bệnh lý, mọc ở lòng bàn tay chân, kích thước lớn, màu sắc hình dạng không bình thường...
Ít người để ý, quan tâm nốt ruồi nằm ở vùng cọ xát như ở khu vực quai áo, cạp quần, vùng cổ… do ít ảnh hưởng thẩm mỹ, dù chúng có nguy cơ biến tính cao do thường xuyên bị cọ xát, thậm chí gây chảy máu.
Tẩy nốt ruồi có nhiều phương pháp như laser, đốt điện hay tiểu phẫu... Trong đó, tiểu phẫu nốt ruồi gần như không đau vì trước khi làm, bác sĩ tiêm thuốc giảm đau, thuốc tê, bệnh nhân chỉ đau khoảng 1-2 giây.
Có nhiều cách để thực hiện tiểu phẫu nốt ruồi, nhưng điều cần lưu ý là trước khi tiểu phẫu cần xem đó có phải là nốt ruồi hay không. Bởi nếu không phải là nốt ruồi mà là tổn thương ung thư da, nếu thực hiện bằng laser hoặc không phải phẫu thuật thì có thể làm tổn thương lan rộng thêm.
Bác sĩ sẽ là người quyết định xem đó là nốt ruồi hay không, phương pháp nào là tốt và phù hợp nhất. Nếu đốt nốt ruồi ở sâu thì tiểu phẫu là tối ưu, còn laser rất dễ bị tái phát. Đặc biệt nốt ruồi mọc ở những vị trí nguy hiểm (như bờ mi, viền môi, mũi...) khi tẩy bằng laser, đốt điện dễ để lại sẹo.
Tiểu phẫu nốt ruồi là phương pháp mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao nhất, sẹo nhỏ hơn so với nốt ruồi ban đầu dù dài hơn (không đáng kể). Bác sĩ sẽ cố gắng đưa vào các nếp nhăn tự nhiên trên da, sau 2-3 tháng, bệnh nhân không còn thấy sẹo.
Tiểu phẫu nốt ruồi khá đơn giản, hầu như không phải kiêng khem ăn uống gì sau can thiệp nhưng bệnh nhân cần tránh nước lã vào vết thương trong 5-7 ngày để đảm bảo vết thương không nhiễm trùng và sẹo sau tiểu phẫu đẹp hơn.
Về độ an toàn, tất cả tiểu phẫu hay phẫu thuật lớn đều tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, nhưng tiểu phẫu thì nguy cơ thấp hơn do thời gian thực hiện ngắn, thuốc điều trị trong quá trình tiểu phẫu chỉ có thuốc tê, tỷ lệ nguy cơ gây dị ứng dạng sốc là hiếm gặp.
Tiểu phẫu nốt ruồi thường an toàn nếu thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về chăm sóc sau phẫu thuật, dường như không có biến chứng nào xảy ra.
Các phương pháp loại bỏ tổn thương trên da nói chung hay nốt ruồi nói riêng đều có thể để lại sẹo. Trừ trường hợp nốt ruồi ảnh hưởng thẩm mỹ, giao tiếp, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, còn lại tốt nhất nên tẩy nốt ruồi sau 18 tuổi. Lúc này, cơ thể hoàn thiện về thể chất, da không bị giãn nữa, sinh tổng hợp collagen trong quá trình hình thành sẹo đạt mức ổn định nhất, khó để lại sẹo xấu hơn so với việc tẩy trước 18 tuổi.