Có nên bỏ phù hiệu xe kinh doanh vận tải?

Thời gian qua, một số ý kiến đề xuất bỏ quy định xe kinh doanh vận tải phải dán phù hiệu vì không còn phù hợp thực tế, gây tốn kém. Vậy đề xuất này có phù hợp, nhất là khi mỗi loại hình vận tải đều có quy định, điều kiện kinh doanh khác nhau?

Giảm thủ tục, giảm chi phí

Theo Nghị định 158/2024 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đăng ký để được cấp phù hiệu cho từng xe tham gia kinh doanh vận tải.

Biển màu vàng xác định chung là xe kinh doanh, chưa phân biệt xe kinh doanh loại hình vận tải nào.

Biển màu vàng xác định chung là xe kinh doanh, chưa phân biệt xe kinh doanh loại hình vận tải nào.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP ô tô Điện Biên, thời gian qua, cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó quản lý bằng phù hiệu là một giải pháp.

Tuy vậy, hiện nay các tiêu chí về người lái, điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, quy trình quản lý hành trình xe chạy đã bước đầu áp dụng công nghệ thông tin. Biển số xe kinh doanh vận tải đã có màu nhận diện riêng là màu vàng nên việc quản lý bằng phù hiệu không còn mang lại nhiều hiệu quả.

"Thời hạn cấp phù hiệu lên đến 7 năm, cấp xong doanh nghiệp chạy loại hình vận tải nào hiện chưa quản lý được. Nên bỏ quy định không cần thiết này để giảm thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp", ông Mạnh đề xuất.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải tuyến cố định cho rằng, phù hiệu là để nhận biết xe kinh doanh vận tải nhưng thực tế, phù hiệu không có nhiều tác dụng. Chưa kể tình trạng làm giả phù hiệu hiện rất nhiều nhưng không ai kiểm soát được.

"Doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh vận tải nên đăng ký kinh doanh loại hình vận tải nào, đều có thể quản lý qua phần mềm, chỉ cần gõ đúng biển số xe là có thể biết xe thuộc doanh nghiệp nào, kinh doanh loại hình vận tải gì", vị này nói.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền cho rằng, việc cấp phù hiệu cho xe kinh doanh vận tải có tác dụng trong một giai đoạn nhất định. Trước đây, tất cả xe ô tô cá nhân và xe ô tô kinh doanh vận tải đều đeo biển số có nền biển màu trắng, nên việc gắn phù hiệu để quản lý đối với xe kinh doanh vận tải là phù hợp và cần thiết.

Còn theo quy định hiện hành, xe kinh doanh vận tải phải đổi biển số sang nền biển màu vàng, nên yêu cầu gắn phù hiệu với xe kinh doanh vận tải không còn nhiều ý nghĩa.

Nghiên cứu để doanh nghiệp tự in, tự dán phù hiệu

Dù vậy, ở góc độ khác, ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Vận tải Futa - Hà Sơn cho biết, kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải nào thì sẽ được cấp phù hiệu tương ứng với loại hình đó. Xe hợp đồng phải hoạt động theo điều kiện xe hợp đồng, xe tuyến cố định phải chấp hành điều kiện kinh doanh tuyến cố định.

Theo ông Dũng, thủ tục cấp phù hiệu hiện nay cũng rất thuận tiện cho doanh nghiệp. Trên phù hiệu hiện nay đã có mã QR, khi quét mã này, cơ quan chức năng biết được mã số tuyến, cự ly, điểm đi/đến của phương tiện.

"Không nên bỏ cấp phù hiệu, biển hiệu, thay vào đó nên quản lý chặt chẽ hơn. Nếu bỏ phù hiệu sẽ gây khó trong quản lý luồng tuyến, khi đó doanh nghiệp tùy thích hoạt động, không có sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, dẫn đến rối loạn hoạt động vận tải", ông Dũng nói.

Lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho biết, Luật Đường bộ năm 2024 đã phân định rõ 4 loại hình kinh doanh vận tải gồm: Kinh doanh vận tải tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải khách bằng xe taxi, vận tải khách hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới. Mỗi loại hình này có quy định, điều kiện kinh doanh khác nhau.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen cấp cho xe hoạt động kinh doanh vận tải.

Khi đăng ký xe, chủ xe tự khai đăng ký theo biển số màu vàng, khi đó là theo nguyện vọng muốn tham gia kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp, sau khi đăng ký xe có biển số màu vàng mà chủ xe không làm thủ tục đăng ký kinh doanh và xe chưa được cấp phù hiệu thì xe đó vẫn chưa là xe kinh doanh hợp pháp. Trường hợp này mới xác định là chủ xe đã thực hiện được một yếu tố đầu vào cần thiết.

Hơn nữa, việc có biển màu vàng thì chỉ xác định chung là xe kinh doanh chứ chưa phân biệt được xe kinh doanh loại hình vận tải nào (là xe buýt, taxi, hợp đồng hay xe tuyến cố định hoặc là xe vận tải hàng hóa). Vì thế, vẫn cần quy định về cấp phù hiệu theo quy định tại Nghị định số 158/2024.

"Hiện, đã có mã định danh điện tử bằng mã QR trên phù hiệu. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để có giải pháp và nâng cấp phần mềm quản lý để đơn vị kinh doanh vận tải có thể tự in, tự dán phù hiệu (có mã QR) cho phương tiện đơn vị mình quản lý.

Cục Đường bộ VN sẽ rà soát, nghiên cứu đề xuất giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng Sở Xây dựng thực hiện trên hệ thống quản lý vận tải của Bộ Xây dựng. Nếu hồ sơ đủ điều kiện thì đơn vị vận tải tự in giấy phép kinh doanh vận tải, in phù hiệu để quản lý", lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho hay.

Nghị định 168/2024 quy định về mức phạt vi phạm khi xe không có phù hiệu như sau: Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe chở hành khách không có hoặc không gắn phù hiệu theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đồng thời, cũng quy định mức phạt tiền với chủ xe, phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20 - 24 triệu đồng đối với tổ chức.

Trần Duy

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/co-nen-bo-phu-hieu-xe-kinh-doanh-van-tai-192250715212530599.htm
Zalo