Cơ hội việc làm rộng mở với ngoại ngữ 'hiếm'

Nhờ có trong tay vốn ngoại ngữ 'hiếm', nhiều bạn trẻ đã nhanh chóng phát huy lợi thế, có được nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập cao.

Nhiều bạn trẻ chọn “lối đi riêng” bằng cách học những ngôn ngữ ít người lựa chọn, bất chấp định kiến như kén việc làm, khó tiếp thu….

Nhiều bạn trẻ chọn “lối đi riêng” bằng cách học những ngôn ngữ ít người lựa chọn, bất chấp định kiến như kén việc làm, khó tiếp thu….

Nắm bắt xu thế hội nhập toàn cầu, nhiều lao động trẻ “đổ xô” đi học các ngoại ngữ chưa được nhiều người theo đuổi như: Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thái Lan…

Không lo thất nghiệp

Bà Trần Thị Thanh Thúy (40 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) hiện là Trưởng phòng Tuyển dụng nhân sự tại một doanh nghiệp liên doanh với Thái Lan cho biết, công ty có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí như: Trợ lý giám đốc, thư ký, biên dịch… với mức lương khởi điểm hàng tháng từ 1.000 USD. Số lượng ứng viên trẻ thành thạo tiếng Thái ở thị trường Việt Nam không nhiều. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn để tìm được nhân viên đáp ứng nhu cầu. Thậm chí, doanh nghiệp còn phải đưa người từ nước ngoài về Việt Nam làm việc, tốn kém nhiều chi phí.

Ngoài công việc quản lý xuất khẩu tại doanh nghiệp nước ngoài, chị Đỗ Thị Quỳnh Mai (27 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) còn nhận thêm công việc phiên dịch tiếng Bồ Đào Nha cho một số doanh nghiệp khi họ có nhu cầu. Chị Mai tự hào cho biết, công việc hiện tại đem lại mức thu nhập “khủng”, lên tới 2.500 USD/tháng.

Với kinh nghiệm của người đi trước, chị Mai đã khuyên em gái mình theo học ngôn ngữ “cửa hẹp”. Vì vậy, Thùy Chi, em gái của chị Mai cũng đã đăng ký nguyện vọng 1 kỳ thi THPT vào Khoa Ngôn ngữ Tây Ban Nha của một trường đại học.

“Tôi vốn là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh. Đến khi học năm thứ 3 đại học, tôi học thêm tiếng Bồ Đào Nha. Ban đầu, tôi cũng không hy vọng gì nhiều với ngoại ngữ có phần lạ lẫm với người Việt Nam như này. Nhưng tôi đã bất ngờ. Với vốn ngoại ngữ Bồ Đào Nha được xếp vào hàng khá, ngay từ khi còn ở trên ghế nhà trường, tôi đã tìm kiếm được nhiều cơ hội việc làm như: Dịch thuật, biên dịch, trợ lý...”, chị Quỳnh Mai chia sẻ.

Qua trải nghiệm của bản thân, chị Quỳnh Mai nhận thấy tiếng Anh hiện tại đã bão hòa. Nhà tuyển dụng không khó để tìm kiếm ứng viên có trình độ tiếng Anh tốt. Người đạt điểm số IELTS cao không còn là “siêu lợi thế” khi đi xin việc như nhiều năm trước. Ngược lại, thời điểm hiện tại, những lao động có ngoại ngữ “hiếm” có nhiều cơ hội việc làm, được các doanh nghiệp săn đón.

Báo cáo dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam năm 2023, được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia công bố, độ tuổi thi IELTS của người Việt Nam hiện nay ngày càng trẻ.

Cụ thể, vào năm 2018, hơn 50% người thi IELTS có độ tuổi trên 23. Chỉ gần 1,5% người thi IELTS thuộc độ tuổi 16 - 18, hơn 13% trong nhóm 19 - 22 tuổi. Sau 5 năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên 16 - 22 tuổi trong tổng số người thi IELTS tăng lên 62%. Tính riêng, nhóm 16 - 18 tuổi chiếm 30%, tăng 20 lần so với năm 2018; nhóm 19 - 22 tuổi tăng hơn hai lần. Nhóm trên 23 tuổi giảm hơn một nửa, từ gần 52% xuống 20%.

 Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tự tạo cơ hội cho bản thân

Cầm trong tay tấm bằng đại học chính quy, chị Nguyễn Thị Thu Trang (26 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể, gần 1 năm sau khi ra trường vẫn không tìm được công việc phù hợp. Thời gian sau đó, Thu Trang chấp nhận đi làm công việc “trái ngành” tại đại lý bán tour du lịch, với mức thu nhập chỉ 6.000.000 đồng/tháng. Với Thu Trang, mức lương ít ỏi này không đủ để chị đáp ứng chi phí sinh hoạt.

Trong quá trình làm việc, Thu Trang nhận ra, thị trường du lịch Việt Nam có tiềm năng rất lớn, thu hút rất nhiều khách nước ngoài. Vì vậy, sau nhiều lần đắn đo, cân nhắc, Thu Trang quyết định học thêm ngoại ngữ mới, chưa thật sự thông dụng tại Việt Nam – tiếng Ý.

“Nghĩ là làm, tôi quyết định đăng ký học văn bằng 2 Khoa Ngôn ngữ Ý tại Trường Đại học Hà Nội. Đến học kỳ II năm thứ 2, với vốn tiếng Ý bập bẹ, tôi đã may mắn được một công ty du lịch nhận khi ứng tuyển vị trí hướng dẫn viên. Lý do tôi được nhận là vì người biết ngoại ngữ này khi đó vẫn còn “khan hiếm”. Khi đã bắt đầu quen việc (sau gần 1 năm), tôi tự tin nhận nhiều khách hơn. Tiếp xúc hàng ngày với người bản xứ, vốn ngoại ngữ của tôi được cải thiện, phản xạ cũng nhanh hơn trước nhiều”, Thu Trang hào hứng chia sẻ.

Theo Thu Trang, ngoài mức lương cơ bản, chị còn được khách tham quan thưởng tiền “tip” (nhờ sự nhanh nhẹn, nhiệt tình của cá nhân). Mức thu nhập hiện tại từ công việc hướng dẫn viên và ngoại ngữ “hiếm” khiến Thu Trang vô cùng hài lòng.

Đánh giá riêng lĩnh vực du lịch, theo báo cáo tình hình kinh tế, xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm từ Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), số lượng khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh. Riêng tháng 3/2024 đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong khi đó, nguồn hướng dẫn viên có ngoại ngữ hiếm còn rất hạn chế.

Như vậy, có thể thấy, thị trường khách du lịch quốc tế mở rộng là môi trường thuận lợi cho người lao động có ngoại ngữ “hiếm” thể hiện năng lực.

Không chỉ doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng nhân sự biết ngoại ngữ hiếm làm việc cho các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước, đại sứ quán… cũng không hề nhỏ. Cánh cửa luôn rộng mở đối với các bạn trẻ thật sự có năng lực.

Tuy việc học một ngôn ngữ “lạ” đem lại nhiều cơ hội, nhưng người học cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều sinh viên cho biết, việc thiếu giáo trình, thiếu giảng viên, tài liệu học tập chưa đa dạng, không nhiều cơ hội thực hành, vất vả trong cách tiếp cận từ vựng, ngữ pháp… là khó khăn chung mà học viên học những ngoại ngữ ít người chọn như tiếng Ý, Bồ Đào Nha, Đức… gặp phải. Thực tế, không ít bạn trẻ đã bỏ ngang việc học vì nản chí khi gặp điều kiện không thuận lợi.

Ngoại ngữ là một môn học không dễ dàng. Người học cần phải thật sự nghiêm túc, chăm chỉ, kiên trì và nỗ lực để gặt hái được “trái ngọt” mà không rơi vào tình trạng “đứt gánh giữa đường”.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-viec-lam-rong-mo-voi-ngoai-ngu-hiem-post690037.html
Zalo