Cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành Du lịch TP.Hồ Chí Minh

Nhiều doanh nghiệp tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) lần thứ 17 năm 2023 (ITE HCMC 2023) kỳ vọng sẽ kết nối được với các đối tác, đặc biệt là các đối tác nước ngoài để có thể giới thiệu, quảng bá, kết nối nhiều khách quốc tế đến với địa phương.

Ngày 7/9, Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.Hồ Chí Minh lần thứ 17 năm 2023 (ITE HCMC 2023) với chủ đề "Tăng cường liên kết, phát triển du lịch bền vững" đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7. Hội chợ sẽ diễn ra đến ngày 9/9/2023, dự kiến sẽ thu hút 25.000 khách tham quan với chuỗi hoạt động hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương đa dạng, phong phú.

Năm nay, ITE HCMC 2023 đã lựa chọn và mời 199 người mua quốc tế từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ là các thị trường du lịch inbound trọng điểm và tiềm năng của du lịch Việt Nam, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Mỹ... Qua đó, ITE HCMC 2023 kỳ vọng mở ra hơn 9.000 cuộc hẹn thương mại B2B giữa người mua và các đơn vị triển lãm.

ITE HCMC 2023 dự kiến sẽ thu hút 25.000 khách tham quan.

ITE HCMC 2023 dự kiến sẽ thu hút 25.000 khách tham quan.

Mang nhiều sản vật Sơn La đến với hội chợ, chị Nguyễn Lê Hoa, Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La cho biết, qua ITE HCMC 2023 chị mong muốn có thể truyền tải những hình ảnh đẹp của núi rừng Sơn La cho các du khách TP.Hồ Chí Minh nói riêng và du khách cả nước nói chung. Ngoài những hình ảnh về núi rừng, các nông sản của Sơn La cũng là điểm nhấn để hút khách du lịch trong hội chợ lần này, điển hình như: chè xanh, hồng, mãng cầu, nhãn...

"Vì khoảng cách giữa TP.Hồ Chí Minh và Sơn La khá xa, nên nhiều du khách tại đây vẫn chưa biết đến về hình ảnh, văn hóa, đặc sản của Sơn La, do đó, hi vọng qua hội chợ lần này các khách du lịch có thể biết về đôi nét về Sơn La. Qua những lần tham gia ITE HCMC trước đó, tôi nhận thấy hiệu quả mang lại cho du lịch địa phương rất cao, nên tôi mong lần này cũng sẽ gặt hái được những thành quả như vậy", chị Hoa cho biết.

Chị Nguyễn Lê Hoa, Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La giới thiệu nhiều sản vật địa phương cho khách tham quan.

Chị Nguyễn Lê Hoa, Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La giới thiệu nhiều sản vật địa phương cho khách tham quan.

Chị Cao Thị Khánh Chi, Chuyên gia du lịch sinh thái, Helvetas VietNam cho biết, đến với ITE HCMC 2023 chị kỳ vọng sẽ kết nối được với nhiều đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để có thể giới thiệu, quảng bá, kết nối nhiều khách quốc tế đến với vùng sâu, vùng xa của Thừa Thiên Huế.

"Loại hình du lịch cộng đồng ở các vùng Nam Đông và A Lưới đang rất phát triển, đó cũng là một trong những thế mạnh du lịch của Thừa Thiên Huế bên cạnh những sản phẩm du lịch nổi tiếng trước đó. Ngoài ra, loại hình du lịch cộng đồng còn khá mới và có nhiều khách nội địa vẫn chưa biết đến, do đó, qua ITE HCMC 2023 nhiều người sẽ có cơ hội tìm hiểu và biết nhiều hơn về loại hình du lịch này", chị Khánh Chi cho biết.

Chị Khánh Chi cho biết, loại hình du lịch cộng đồng cũng là một trong những cách để giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số có thể sống dựa vào rừng, có nguồn thu nhập ổn định và gia tăng chất lượng cuộc sống. Từ đó, hạn chế được nạn phá rừng, bảo vệ rừng nguyên sinh và trồng thêm rừng mới. Hiện nay, Công ty Connect Travel là đối tác cùng với Dự án VFBC hỗ trợ cộng đồng xây dựng sản phẩm, kết nối thị trường và đưa khách đến các khu du lịch cộng đồng tại Thừa Thiên Huế.

Hình ảnh du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hình ảnh du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong khi đó, chị Dương Kim Chuyển, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, với hai điểm du lịch sinh thái Đất Mũi - Hoàng Hôn và điểm du lịch sinh thái Mười Ngọt nổi tiếng tại Cà Mau, các doanh nghiệp của tỉnh đến ITE HCMC 2023 với mong muốn có thể kết nối và phát triển sản phẩm với các doanh nghiệp lữ hành để từ đó phát triển các tour, tuyến thu hút thêm du khách đến với cà mau.

Từ sau dịch Covid-19 đến nay, lượng khách du lịch đến với Cà Mau đã có sự phục hồi rõ rệt. Với vị trí là ở cực nam của Tổ quốc, Cà Mau luôn luôn hấp dẫn du khách đến tham quan, du lịch. Do đó, qua hội chợ lần này hy vọng những hình ảnh của Cà Mau sẽ càng được phổ biến hơn cho du khách cả nước.

Là một đơn vị quốc tế, ông Uchida Shusuke, Phó Trưởng đại diện Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, không chỉ ở Đông Nam Á mà ở trên toàn cầu, Việt Nam là một thị trường du lịch trọng điểm của Nhật Bản, nhất là khi dân số Việt Nam đang cao và nhu cầu đi du lịch của người dân cũng tăng mạnh qua các năm. Do đó, ngành du lịch Nhật Bản đang xây dựng nhiều chương trình chào đón, hỗ trợ khách du lịch Việt Nam khi đến với Nhật Bản.

ITE HCMC là cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiềm năng.

ITE HCMC là cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiềm năng.

"Số lượng khách du lịch Việt Nam đến với Nhật Bản đã có sự tăng mạnh so với thời điểm trước dịch Covid-19. Do đó, ngành Du lịch Nhật Bản đang hỗ trợ nhiều chương trình tặng quà cho khách lẻ cũng như các chương trình chào đón đặc biệt cho khách MICE từ Việt Nam đến với Nhật Bản. Qua 3 lần tham gia ITE HCMC, chúng tôi hi vọng sẽ tìm thêm được nhiều đối tác hơn nữa, để hỗ trợ kết nối du lịch giữa hai nước", ông Uchida Shusuke cho biết.

Tại hội chợ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn tăng tốc phục hồi sau đại dịch Covid-19, ITE HCMC 2023 được xem là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, tăng dòng khách lưu chuyển giữa các quốc gia và tối ưu hóa thu nhập du lịch thông qua việc kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, doanh nghiệp du lịch các nước hạ nguồn sông Mê Kông với doanh nghiệp các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, ITE HCMC 2023 rất có ý nghĩa khi được tổ chức trong bối cảnh ngành Du lịch và các địa phương của Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, nhất là chính sách thị thực mới có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.

"Riêng đối với TP.Hồ Chí Minh, ITE HCMC 2023 còn mở ra cơ hội cho những cơ chế, chính sách mang tính động lực để phát triển ngành Du lịch khi được tổ chức trong giai đoạn Thành phố đang tập trung triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh", ông Phan Văn Mãi chia biết thêm.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/co-hoi-tang-truong-manh-me-cho-nganh-du-lich-tpho-chi-minh-160060.html
Zalo