Cơ hội mua tích lũy đang mở ra

1.300 điểm chỉ là con số và thời điểm VN-Index vượt ngưỡng cản quyết liệt hơn vẫn được kỳ vọng. Các nhịp điều chỉnh, rung lắc trong của tuần đáo hạn phái sinh sẽ mở ra cơ hội mua tích lũy đối với cổ phiếu mục tiêu.

Chứng khoán Mỹ - Giữ vững trạng thái trên đỉnh

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục ghi nhận là một tuần tăng điểm với 2 chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều thiết lập đỉnh lịch sử mới trong sự đón nhận tích cực của nhà đầu tư đối với báo cáo lạm phát mới nhất.

Lĩnh vực công nghệ vẫn là điểm nhấn chính, với sự phấn khích về trí tuệ nhân tạo (AI) và triển vọng lãi suất giảm thúc đẩy câu chuyện về sự tăng trưởng. Tâm điểm chuyển hướng sang Apple khi công ty này tuyên bố những quyết định quan trọng về định hướng sản phẩm mới gắn với AI, giúp giá cổ phiếu quay trở lại xu hướng đi lên.

Báo cáo lạm phát tháng 5/2024 cho thấy, xu hướng giảm lạm phát tại Mỹ vẫn tiếp tục và không có sự thay đổi so với tháng 4, trong khi chỉ số CPI cơ bản tăng 0,2% và cả hai đều thấp hơn dự kiến. So với cùng kỳ năm trước, CPI cơ bản tăng 3,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ, luôn ở mức cao trong suốt năm qua, chỉ tăng 0,2% so với tháng 4, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.

Bên cạnh đó, kết quả cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng 6 đã diễn ra và đúng như dự báo, lãi suất được giữ nguyên.

Ngoài ra, dự đoán về việc Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2024 đã giảm từ 3 lần hồi tháng 3 xuống còn 1 lần. Các dự báo hiện nay cho thấy, các quan chức Fed kỳ vọng sẽ có 4 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2025 (tăng so với dự kiến 3 lần hồi tháng 3) và 4 lần vào năm 2026.

Tại thị trường châu Á, chứng khoán Nhật Bản chứng kiến những diễn biến không đồng nhất giữa 2 chỉ số Nikkei 225 và Topix, còn chứng khoán Trung Quốc ghi nhận giảm điểm. Lạm phát tháng 5/2024 của Trung Quốc ở mức 0,3%, thấp hơn kỳ vọng 0,4% và không thay đổi so với tháng 4.

Trong khi đó, vận động của các loại tài sản cho thấy, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ghi nhận giảm trở lại, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm dưới 4,3%, sau khi đầu tuần ở mức gần 4,5%, đây là phản ứng tích cực sau khi các báo cáo lạm phát mới nhất làm giảm áp lực tăng lên lợi suất. Chỉ số USD (DXY) duy trì ổn định và giá vàng quay đầu đi vào vùng giảm mạnh. Nhìn chung, vận động này vẫn đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán toàn cầu duy trì đà tăng và sức mạnh tích lũy ở vùng tăng mạnh. Tâm lý đầu tư đang hứng khởi trước các thông tin vĩ mô tích cực, khiến chỉ số rủi ro VIX nằm yên ở góc xa trong vùng giảm mạnh.

Giá dầu hồi phục sau khi giảm liên tiếp ở các tuần trước đó. Dầu Brent được giao dịch trên mức 82 USD/thùng, tăng gần 4% trong tuần qua, còn giá dầu WTI dao động quanh mức 78 USD/thùng. Nhìn chung, giá dầu đang ở trạng thái cân bằng khi triển vọng kinh tế thế giới dần tích cực hơn mong đợi, hỗ trợ nhu cầu, trong khi nguồn cung tăng lên nhưng chưa ở thời điểm thặng dư lớn.

VN-Index - Lùi một bước để tiến mạnh hơn

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tuần giao dịch vừa qua bằng một cây nến giảm điểm mạnh trong phiên cuối tuần, trả lại toàn bộ thành quả có được ở các phiên trước đó.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, sau khi bứt phá lên ngưỡng 1.300 điểm trong các phiên giữa tuần, áp lực bán gia tăng là điều dễ hiểu, đặc biệt khi sự bứt phá chưa thực sự quyết liệt, khiến nhà đầu tư e ngại và thực hiện chốt lãi. Thanh khoản ghi nhận cải thiện cho thấy lực cầu bắt đáy tham gia, nhưng vẫn ở mức thận trọng trước áp lực chốt lời.

Biến động rung lắc có thể sẽ tiếp diễn để chỉ số kiểm định vùng hỗ trợ mạnh 1.250 - 1.270 điểm. Trong kịch bản tích cực, nếu thị trường cho tín hiệu giữ vững được vùng hỗ trợ này sẽ mở ra kỳ vọng vận động của chỉ số thị trường chung trở lại chinh phục ngưỡng cản 1.300 điểm. Nhịp hồi phục cần đi kèm sự cải thiện của lực cầu chủ động và yếu tố đồng thuận của nhóm cổ phiếu dẫn dắt để mang lại độ tin cậy cao hơn. Ngược lại, xu thế tăng ngắn hạn bị vi phạm, thủng ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn, thì thị trường có thể lùi về ngưỡng hỗ trợ sâu hơn để tạo đà bật lên.

Tuy nhiên, sau mỗi lần điều chỉnh, các mức sụt giảm đang nông dần, thời gian hồi phục nhanh hơn và đáy sau hình thành cao hơn đáy trước. Vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, cơ hội bứt phá đang trở nên khác biệt, động lượng bứt phá lớn hơn, đặc biệt khi chỉ số đã có thời điểm chạm đến ngưỡng cản 1.300 điểm trong tuần qua.

Bối cảnh tâm lý thị trường đang có sự cải thiện khi các biến động về tỷ giá, giá vàng, lãi suất và các yếu tố liên thị trường quốc tế đi theo hướng ổn định và hồi phục sẽ hỗ trợ cho các giao dịch ngắn hạn. Kỳ vọng hạ lãi suất lớn dần kết hợp với nội tại doanh nghiệp từng bước hồi phục dựa trên nền tảng cơ bản vững vàng đang củng cố các giao dịch mua và tích lũy trong trung và dài hạn. Vậy nên, 1.300 điểm chỉ là con số và thời điểm vượt cản quyết liệt hơn vẫn được kỳ vọng.

Về các chỉ báo định lượng, tuần qua ghi nhận yếu đi, dòng tiền giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hay các nhóm cổ phiếu trọng tâm gồm ngân hàng, chứng khoán, thép đóng góp vai trò kéo tăng chỉ số nhưng chưa đáng kể và phiên cuối tuần, các nhóm này tạo sức ép đối với vận động của chỉ số thị trường. Rõ ràng, tâm lý vượt ngưỡng 1.300 điểm gặp khó khăn khi dòng cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán chưa có sự đột phá và xác nhận vào sóng tăng mới.

Bên cạnh đó, yếu tố đáo hạn phái sinh có thể khiến biến động ngắn hạn của thị trường trở nên thú vị và khó lường hơn, đặc biệt khi số lượng hợp đồng mở qua đêm đang ở mức cao, điều này thường tạo ra sự “rung giật” ở chỉ số VN30 và trực tiếp ảnh hưởng tới các giao dịch ngắn hạn, đặc biệt là thị trường cơ sở.

Mặc dù vậy, các chỉ báo định lượng chưa xác nhận rủi ro gây đột biến xu thế theo hướng tiêu cực. Dòng tiền vẫn ưu ái ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, tạo ra các cơ hội đầu tư như nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông, xuất khẩu, bán lẻ, vận tải, kho bãi, cảng biển… Theo đó, các giao dịch ngắn hạn vẫn có thể hoạt động và các nhịp điều chỉnh, rung lắc trong của tuần đáo hạn phái sinh sẽ mở ra cơ hội mua tích lũy đối với cổ phiếu mục tiêu.

Nhìn chung, xu hướng vận động ngắn hạn của VN-Index chưa thay đổi. Diễn biến rung lắc có thể tiếp diễn để kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.250 - 1.270 điểm. Nếu vùng hỗ trợ này không bị vi phạm thì chỉ số sẽ củng cố hoạt động chinh phục ngưỡng cản 1.300 điểm một lần nữa.

Theo đó, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ vị thế đang có sẵn trong danh mục và duy trì động lực tăng tốt. Các nhịp điều chỉnh quanh vùng hỗ trợ mạnh sẽ mở ra cơ hội để tối ưu vị thế tích lũy cổ phiếu, nhất là các nhóm có động lượng tăng tốt, còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-hoi-mua-tich-luy-dang-mo-ra-post347426.html
Zalo