Cơ hội mới từ điện mặt trời
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ (NĐ135). Thực sự đây là 'làn gió mới' để khơi thông nguồn điện tái tạo, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững.
Được bán 20% công suất
Theo NĐ135, các dự án (DA) điện mặt trời (ĐMT) tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái công trình xây dựng, như nhà ở của người dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), cơ sở kinh doanh… được mua bán điện theo cơ chế trực tiếp giữa đơn vị sản xuất với khách hàng sử dụng điện lớn.
NĐ135 quy định cụ thể 9 cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà. Trong đó, đáng chú ý là nội dung tổ chức, cá nhân lắp đặt ĐMT tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không bị giới hạn công suất lắp đặt trong trường hợp không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, hoặc DA công suất dưới 100kW. Hơn nữa, DA ĐMT mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc cá nhân, hộ gia đình riêng lẻ có công suất dưới 100kW nếu không dùng hết sẽ được bán lên hệ thống điện quốc gia không quá 20% công suất lắp đặt, áp dụng phạm vi cả nước.
Ngoài hai chính sách khuyến khích trên, NĐ135 còn đưa ra các ưu đãi về thuế, không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh, không làm thủ tục bổ sung đất công trình năng lượng… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, chủ đầu tư.
Đại diện một đơn vị SXKD ĐMT tại KCN Phú Bài cho biết, thời gian qua, nhiều đơn vị, DN ở KCN Phú Bài chờ đợi chính sách từ ĐMT mái nhà vì đây là nguồn năng lượng dồi dào, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững. Vậy nhưng nhiều đơn vị, DN triển khai các DA quy mô công suất lớn không được đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia. Các DA nhỏ lắp đặt để sử dụng lại gặp khó về giấy phép xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy…
“Với những quy định chi tiết, cụ thể các nội dung của NĐ135 đã gỡ được nút thắt, không chỉ giúp cho cá nhân, hộ gia đình mà các DN, cơ quan công sở cũng thuận lợi hơn khi đầu tư DA ĐMT để sử dụng và có thể bán cho các DN, đơn vị có nhu cầu...” - đại diện đơn vị này nói.
Sẽ gia tăng điện tái tạo
Theo lãnh đạo Sở Công thương, trong định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam, cũng như Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ đã ban hành nhiều kế hoạch, nghị quyết, chương trình thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMT mái nhà nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm phát thải khác…
Chị Nguyễn Hồng Anh (tổ dân phố Ngọc Anh, Phú Thượng, TP. Huế) đã nhiều năm sử dụng năng lượng tái tạo trong kinh doanh lĩnh vực du lịch lưu trú cho biết, sử dụng ĐMT giúp các cơ sở, DN tiết kiệm chi phí, tăng giá trị sản phẩm và lợi thế cạnh tranh. Trong xu thế hội nhập hiện nay, các cơ sở, DN SXKD muốn xuất khẩu sản phẩm ra thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU… phải thực hành, áp dụng chứng chỉ năng lượng tái tạo. Do vậy, các DN lắp đặt sử dụng ĐMT mái nhà phục vụ sản xuất là điều kiện để sản phẩm hàng hóa vào thị trường trên thuận lợi hơn.
Lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) cho biết, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển các DA ĐMT mái nhà. Tuy nhiên đến thời điểm này, số lượng hộ gia đình, DN tham gia lắp đặt sử dụng ĐMT còn khiêm tốn. NĐ135 của Chính phủ vừa ban hành cuối tháng 10/2024 sẽ mở ra nhiều cơ hội, khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình, DN tham gia, lắp đặt ĐMT nhiều hơn trong thời gian đến.
Tại hội nghị triển khai NĐ135 của Chính phủ do Sở Công thương tổ chức tại TP. Huế mới đây, không ít cá nhân, tổ chức, DN ở địa phương chia sẻ, việc lắp đặt ĐMT mái nhà để sử dụng, đáp ứng tiêu chí “xanh” trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, thời gian qua do gặp nhiều rào cản về cơ chế, chính sách phát triển ĐMT nên rất khó triển khai. Với cơ chế khuyến khích từ NĐ135, họ kỳ vọng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các DA ĐMT tự sản xuất, tự tiêu thụ, nhất là với các DN hoạt động trong các KCN, KKT… để đạt mục tiêu “kép”, vừa có chứng chỉ xanh, gia tăng tỷ lệ điện tái tạo trong sản phẩm và giảm phát thải khí nhà kính, BĐKH, góp phần bảo vệ môi trường xanh, bền vững…