Cơ hội để du lịch TP HCM bứt phá
TP HCM sau hợp nhất đang đứng trước cơ hội vàng để tái cấu trúc ngành du lịch theo mô hình siêu đô thị - trung tâm du lịch cả nước và khu vực
Những ngày này, bãi biển ở phường Vũng Tàu, Đặc khu Côn Đảo (TP HCM) trở thành điểm đến được yêu thích của người dân và du khách check-in. Sau sáp nhập, TP HCM tích hợp thêm nhiều điểm đến nổi tiếng, mang lại lợi thế lớn cho du lịch.
Nhiều lợi thế
Theo Sở Du lịch TP HCM, sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM mới không chỉ gia tăng về diện tích và dân số, còn kiến tạo nên một không gian kinh tế - du lịch. Thành phố mới hội tụ đủ các yếu tố: đô thị hiện đại, công nghiệp tiên tiến, biển đảo nghỉ dưỡng và văn hóa truyền thống.
Trong phạm vi địa lý mới, TP HCM sở hữu tới 681 tài nguyên có khả năng trở thành điểm đến du lịch, với cấu trúc trải rộng và phân vùng rõ ràng theo tính chất: từ đô thị, làng nghề, công nghiệp, ven sông đến biển đảo. Không gian đô thị nổi bật với hệ thống di sản kiến trúc, bảo tàng hiện đại, chợ truyền thống, ẩm thực đường phố, không gian sáng tạo và lễ hội là nơi phát triển mạnh các tour MICE (hội nghị, hội thảo, nghỉ dưỡng), city tour, du lịch văn hóa...
Không gian công nghiệp - làng nghề - ven sông là vùng tiềm năng cho du lịch công nghiệp. Không gian biển đảo nghỉ dưỡng với hệ thống resort ven biển, sân golf, bảo tồn thiên nhiên và du lịch sức khỏe là nền tảng cho các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp.
Đây là lúc TP HCM bắt tay ngay vào việc xây dựng những sản phẩm du lịch mới, kết nối và mở rộng quy mô so với trước đây. Đơn cử, với gần 93.000 phòng lưu trú, từ khách sạn cao cấp đến homestay, resort sinh thái, cùng hệ thống trung tâm mua sắm, bệnh viện quốc tế, sân golf, khu giải trí... thành phố hoàn toàn có khả năng đón tiếp song song khách nội địa quy mô lớn và khách quốc tế cao cấp.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết ngành du lịch thành phố sẽ triển khai mô hình "mỗi xã phường một hoạt động du lịch đặc trưng" nhằm phát huy tối đa các giá trị văn hóa, tài nguyên trên địa bàn. Đó có thể là điểm đến du lịch, là quà tặng lưu niệm, là hành trình trải nghiệm, là lễ hội...

Du khách tham quan TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TP HCM đang thúc đẩy việc làm mới các sản phẩm truyền thống bằng cách gắn với lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao có quy mô và tính trải nghiệm cao, góp phần tạo cảm xúc và chiều sâu văn hóa cho sản phẩm du lịch. Các loại hình du lịch chuyên biệt như du lịch y tế, du lịch MICE cao cấp hay du lịch di sản số đang được định hướng phát triển mạnh.
"Việc chú trọng đầu tư vào các loại hình này không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm mà còn tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt, góp phần khẳng định vị thế của TP HCM là điểm đến chuyên sâu, hấp dẫn các phân khúc khách có giá trị cao" - bà Ánh Hoa nói.
Định vị thị trường, phân khúc khách
Nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng không gian mới của TP HCM sẽ giúp họ xây dựng, triển khai thêm nhiều sản phẩm du lịch mới thuận lợi hơn.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Công ty Lữ hành Vietluxtour, thông tin việc sáp nhập các tỉnh, thành mang đến cơ hội làm mới sản phẩm du lịch khá toàn diện ở các thị trường miền Bắc, Đông Nam Bộ và miền Tây, trong đó có TP HCM. Đầu quý III, Vietluxtour sẽ giới thiệu tới du khách bộ sản phẩm du lịch Việt Nam mới với sự độc đáo về tuyến điểm, góp phần quảng bá các điểm đến.
Theo ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, lúc này, ngành du lịch cần có chiến lược để định vị cụ thể từng phân khúc khách du lịch. Như Vũng Tàu sau chỉnh trang, các bãi biển rất sạch, đẹp, quy củ. Sắp tới, khi tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thông xe sẽ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông.
"Quan trọng là cơ chế quản lý đồng bộ, thống nhất sẽ giúp tạo cơ hội triển khai nhiều sản phẩm mới, từ đó nâng cao khả năng thu hút khách du lịch" - ông Huy nói.
Theo các chuyên gia, một trong những việc cần làm ngay với ngành du lịch lúc này là xây dựng chiến lược định vị sản phẩm, thị trường, phân khúc khách. Từ đó phân bổ nguồn lực hiệu quả, tránh lãng phí.
Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM:
Phát triển sản phẩm đặc sắc quy mô lớn
TP HCM định vị đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn, nơi không chỉ thu hút du khách mà còn tạo cảm hứng và động lực đổi mới cho ngành du lịch Việt Nam. Hiện Sở Du lịch đang tích cực điều chỉnh Chiến lược phát triển đến 2030 với các tài nguyên có được từ phạm vi địa giới mới, xác lập giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch, thúc đẩy cải cách thể chế và tích hợp công nghệ số trong hoạt động du lịch.
TS DƯƠNG ĐỨC MINH, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Du lịch TP HCM:
"Trái tim du lịch" của khu vực
Để mô hình du lịch đa trung tâm - đa trải nghiệm vận hành hiệu quả, không thể chỉ dựa vào tái cấu trúc địa lý hay mở rộng hạ tầng. Thành công sẽ đến từ tư duy tích hợp chọn lọc tự nhiên và nhân văn, cùng với một hệ quản trị vùng linh hoạt, nhân lực có năng lực chuyển đổi số và cộng đồng địa phương tham gia chủ động.
Cần chuyển đổi cấu trúc phát triển sản phẩm theo hướng thông minh, liên vùng và cá thể hóa. Khi đó, TP HCM mở rộng có thể trở thành "trái tim du lịch mới" của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết trong 6 tháng đầu năm, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so cùng kỳ năm 2024, đạt 48,6% so kế hoạch năm 2025 (22-23 triệu lượt khách). Lượng khách nội địa đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so cùng kỳ, đạt 64,5% so kế hoạch năm; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 518.000 tỉ đồng, đạt 52,8% so kế hoạch năm.
Để tạo đà bứt phá cho ngành du lịch bước vào kỷ nguyên mới, ông Khánh cho biết toàn ngành sẽ tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế theo hướng "kiến tạo phát triển", tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) hoạt động và thuận lợi cho công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động cho DN du lịch.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, tham mưu ban hành "chính sách, cơ chế đột phá", phối hợp với các ngành Ngoại giao, Công an để tham mưu, đề xuất mở rộng chính sách miễn thị thực, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh để tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế. Tiếp tục định hướng phát triển du lịch đi vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu.
Xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp và sản phẩm đặc thù theo vùng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực… mang tầm của điểm đến thế giới trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh quốc gia gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đẳng cấp, mang lại những giá trị trải nghiệm thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách…
Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, năm 2025, ngành du lịch phấn đấu đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa, doanh thu du lịch phải được đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng, khi mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ đặt ra là phải đạt 8% trong năm nay và hai con số trong những năm tới. Sau khi triển khai chính quyền hai cấp, ngành Du lịch cần có những thích nghi với tình hình mới, bộ máy mới để du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, mà là một ngành kinh tế "truyền cảm hứng".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đưa ra một số định hướng trong thời gian tới. Trong đó, sau sáp nhập, phải định vị lại tài nguyên du lịch của các địa phương, quy hoạch lại hệ thống du lịch Việt Nam. Chậm nhất, hết quý III phải làm xong, từ đó "vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam" như chỉ đạo của Thủ tướng.
Ngành du lịch đã xác định thị trường trọng điểm từ tầm quốc gia tới địa phương với quan điểm "Thị trường là trung tâm, thương hiệu là nền tảng". Trong đó, 10 thị trường trọng điểm, chiến lược: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, châu Âu, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông, Nga. Bộ VH-TT-DL sẽ hỗ trợ các địa phương để xây dựng sản phẩm xứng tầm. Hoạt động xúc tiến cũng yêu cầu có sự đổi mới, hiệu quả cụ thể, có sự liên kết chặt chẽ. "Hiện nay, mỗi du khách quốc tế tới Việt Nam tiêu 1.500 USD, chúng tôi mong muốn tăng lên 2.000 USD/khách" - Bộ trưởng cho hay.
Y.Anh