Cơ hội của Việt Nam trong việc đón dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ
'Nếu cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ thì khả năng một số công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ dịch chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam', TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
4 “biến số” chính đối với nền kinh tế Việt Nam 2025
Tại hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - nhận diện cơ hội” do báo Đầu tư tổ chức sáng 12/12, TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận năm 2024, biến động toàn cầu tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn giữ được một số điểm sáng, như kiểm soát được lạm phát ở mức khả quan, đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trong năm 2024.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, và đến thời điểm này, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt khoảng 6,5%.
Bước sang năm 2025, TS Hiếu dự báo những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài, kèm theo những biến cố mới, đặc biệt là trên mặt trận địa chính trị. Với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thế giới sẽ phải đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng, vì 2025 có thể sẽ là một năm đầy thử thách cho nền kinh tế Việt Nam.
TS Nguyễn Trí Hiếu nêu ra 4 “biến số” chính đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm tới. Thứ nhất, về tỷ giá, chỉ số đồng USD (DXY) ghi nhận tăng mạnh trong thời gian qua, đạt mức 105,69 vào ngày 9/12/2024. Điều này kéo theo tỷ giá đồng Việt Nam tăng, từ 24.265 đồng/USD đầu năm lên 25.318 đồng/USD hiện nay, tương đương mức tăng 4,34%.
Dự báo cả năm 2024, đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 5%. Sang năm 2025, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của ông Donald Trump.
Thứ hai, về ngoại thương. Theo TS Hiếu, dưới khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” (America First), ông Trump có thể sẽ áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam (Việt Nam là một trong 10 quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Mỹ).
Nếu Mỹ tăng thuế lên đến 60% đối với Trung Quốc và mức thấp hơn với các nước khác (ít nhất 25%), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu tác động lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ - đối tác xuất khẩu số một. Những chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump nếu thực hiện sẽ rất bất lợi cho Việt Nam.
“Ngoại thương Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP. Tuy nhiên, việc phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ cũng là một rủi ro. Các chính sách bảo hộ của ông Trump sẽ tạo ra thách thức lớn, đặc biệt nếu Việt Nam bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ như giai đoạn trước”, chuyên gia nói.
Một cách để cân bằng, theo chuyên gia kinh tế, là tăng nhập khẩu từ Mỹ nhằm giảm thặng dư thương mại, đồng thời cần đón nhận cơ hội từ các doanh nghiệp Mỹ di dời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất bán dẫn.
Thứ ba là tình hình địa chính trị. Các điểm nóng tại Ukraine, Trung Đông, và mới đây là bán đảo Triều Tiên, sẽ tạo ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế Việt Nam. Việt Nam với sự lệ thuộc vào ngoại thương với Mỹ và có tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch ngoại thương lên tới khoảng 80-90%, sẽ chịu những tác động của sự biến động của USD và các chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ.
Thứ tư, nội tại của nền kinh tế. TS Hiếu nhìn nhận hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật phục hồi sau Covid-19. Sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa đủ để giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn. Năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Đón dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ
Bên cạnh những thách thức, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Gần đây công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Mỹ là Nvidia đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên tại Asean.
“Nếu cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ thì có khả năng một số công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ tìm đường dịch chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam”, TS Hiếu nhận định.
Trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng hóa Việt Nam có thể hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn so với Trung Quốc khi xuất khẩu vào Mỹ.
“Tuy nhiên, học hỏi từ bài học của những năm trước trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nếu Việt Nam không cẩn thận và trở thành trạm trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ vì hàng hóa nhập khẩu trực tiếp vào Mỹ từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế rất cao, thì khả năng Việt Nam bị theo dõi và trừng phạt”, vị tiến sĩ nhấn mạnh.
Đối với châu Âu - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam - cũng có nhiều cơ hội lớn, dù tình hình chiến sự tại Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu hàng hóa tại châu Âu. Nhiều hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người dân châu Âu, giá rẻ so với hàng sản xuất nội địa. Do đó, châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
Về nội tại, TS đánh giá Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng để cho một giai đoạn phát triển mới. Dẫu vậy, những chuyển động của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục thích ứng với điều kiện và môi trường toàn cầu luôn biến động để khai thác tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế, đồng thời ứng phó hiệu quả với các rủi ro và rào cản.