Có gì mới trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua?

Quốc hội vừa thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đặc biệt chú trọng đến việc quản lý hành vi của tài xế.

Quốc hội vừa thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đặc biệt chú trọng đến việc quản lý hành vi của tài xế.

Quốc hội vừa thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, đặc biệt chú trọng đến việc quản lý hành vi của tài xế. - Ảnh minh họa

Quốc hội vừa thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, đặc biệt chú trọng đến việc quản lý hành vi của tài xế. - Ảnh minh họa

Quản lý tài xế bằng điểm chuẩn

Theo đó, điểm mới của giấy phép lái xe sẽ được sử dụng để giám sát việc tuân thủ pháp luật về giao thông trên hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan, với mức điểm chuẩn là 12 điểm. Số điểm bị trừ tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, dữ liệu này sẽ được cập nhật ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực và thông báo đến người vi phạm.

Theo Luật, giấy phép lái xe sẽ được phục hồi 12 điểm nếu chưa bị trừ hết điểm và không có vi phạm trong vòng 12 tháng. Đối với trường hợp bị trừ hết điểm, người lái sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo loại giấy phép đó.

Sau ít nhất 6 tháng kể từ khi bị trừ hết điểm, người lái sẽ được tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về giao thông do cảnh sát giao thông tổ chức. Nếu đạt yêu cầu, điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.

Luật cũng quy định khi thay đổi, cấp lại hoặc nâng hạng giấy phép lái xe, số điểm của giấy phép lái xe cũ sẽ được giữ nguyên. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng có thể trừ điểm giấy phép lái xe.

Cùng với đó, Chính phủ và Bộ Công an sẽ ban hành các quy định chi tiết về quá trình trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe, cũng như về quá trình kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật.

Điều này nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ và ngăn ngừa vi phạm, đồng thời không áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính như một biện pháp bổ sung theo pháp luật hiện hành.

Về việc kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nội dung này sẽ được thực hiện tương tự như quy định sát hạch lý thuyết cấp giấy phép lái xe. Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát giao thông được ủy quyền làm nhiệm vụ này, vì lực lượng này có trách nhiệm quản lý và giám sát lái xe sau khi cấp giấy phép lái xe.

Quy định cụ thể từng độ tuổi được cấp bằng

Luật cũng quy định rõ độ tuổi phù hợp cho từng loại tài xế, đảm bảo rằng họ phải có điều kiện sức khỏe thích hợp để điều khiển phương tiện. Bộ Y tế sẽ đặt ra tiêu chuẩn sức khỏe và quản lý khám sức khỏe cho tài xế, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến sức khỏe của họ.

Theo đó, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy. Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp bằng lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp bằng lái xe hạng C, BE. Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp bằng lái xe hạng D1, D2, C1E, CE. Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp bằng lái xe hạng D, D1E, D2E, DE.

Tuổi tối đa của tài xế xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Tài xế phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với tài xế, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của tài xế, người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Thế Duy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-gi-moi-trong-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-vua-duoc-quoc-hoi-thong-qua-329603.html
Zalo