Cô gái phố núi và giấc mơ lan huệ

Giữa nhịp sống hiện đại đầy hối hả, ồn ào, Đinh Thị Ngọc - cô gái sinh năm 1990, ở phường Bắc Kạn, tỉnh Thái Nguyên, đã chọn cho mình một lối đi nhẹ nhàng mà đầy bản lĩnh là khởi nghiệp từ hoa huệ tây. Không chỉ làm đẹp cho cuộc sống, mô hình này còn mang lại nguồn thu nhập ổn định và mở ra hướng đi mới cho phụ nữ trẻ nơi phố núi.

Khách hàng tham quan vườn hoa của chị Đinh Thị Ngọc.

Khách hàng tham quan vườn hoa của chị Đinh Thị Ngọc.

Vườn hoa của chị Đinh Thị Ngọc nằm nép mình dưới chân đồi giữa bản người Tày ở xã Phủ Thông. Từng chậu lan huệ được chị chăm chút cẩn thận, những bông huệ với đủ màu sắc đang vươn mình kiêu hãnh trong nắng sớm, tỏa hương dịu dàng, khiến ai đi ngang qua cũng phải dừng chân thưởng lãm.

Từng trồng nhiều loài hoa, nhưng cái duyên đặc biệt lại đến với chị Ngọc qua những khóm lan huệ. Ban đầu, chị chỉ trồng hai giống lan huệ truyền thống của địa phương là đỏ nhung và đỏ kép.

Tuy nhiên, với niềm đam mê đặc biệt dành cho loài hoa này và mong muốn nâng cao giá trị kinh tế từ cây trồng, từ năm 2013, chị bắt đầu tìm tòi, sưu tầm các giống lan huệ mới từ nhiều quốc gia để đưa về trồng thử nghiệm.

Không giống như phần lớn người trồng hoa chọn hướng bán cành, bán hoa tươi, chị rẽ sang một hướng đi táo bạo là tự nhân giống, lai tạo và cung cấp củ hoa cho thị trường trong nước và quốc tế.

Theo chị Ngọc, cây lan huệ khá dễ trồng nhưng để xử lý ra hoa như ý muốn và lai tạo ra những cây cho riêng mình thì đòi hỏi phải có kỹ thuật. Cây càng độc, lạ giá trị càng cao. Nếu chỉ trồng những giống có sẵn thì khó cạnh tranh với thị trường và không thu hút khách hàng. Hiện tại, trong vườn của chị Ngọc có trên 10 nghìn củ lan huệ, trong đó đa phần đều do chính chị và chồng lai tạo. nhân giống.

“Nếu lan huệ giống cũ khoảng 12-20 nghìn đồng/củ thì giống lai tạo giá cao hơn gấp 10 lần, có những cây từ 400-500 nghìn đồng, thậm chí có cây độc, lạ giá mấy triệu cũng có”- chị Ngọc chia sẻ.

Chị Ngọc kiểm tra quá trình phát triển của hoa.

Chị Ngọc kiểm tra quá trình phát triển của hoa.

Từ vài giống gốc, đến nay vườn lan huệ của chị Đinh Thị Ngọc đã có hàng nghìn giống khác nhau, trong đó nhiều giống có màu sắc hiếm như cam ánh hồng, đỏ viền trắng, hay sọc xanh… Một số loại chị đặt tên riêng, trở thành "thương hiệu" độc quyền và “không đụng hàng” nên được nhiều thương lái tìm đến mua.

Theo chị Ngọc, loại hoa này thích hợp bày trong nhà và cũng có thể trồng ở công viên, khu đô thị, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, đặc biệt hoa trồng nên được nhiều khách hàng chọn mua.

Nhờ tận dụng hiệu quả mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và TikTok, những video chị Ngọc đăng tải về quy trình chăm sóc, lai tạo hoa, hay khoảnh khắc hoa huệ bung nở rực rỡ đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Từ đó, chị bắt đầu nhận được nhiều đơn hàng trong và ngoài nước, trong đó có các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Mỗi tháng, chị xuất đi hàng trăm củ lan huệ giống, có thời điểm doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng. "Tôi không nghĩ hoa của mình lại được người nước ngoài yêu thích đến vậy" - chị Ngọc phấn khởi cho hay.

Thành công bước đầu của mô hình không chỉ nằm ở giá trị thương mại, mà còn tạo ra việc làm ổn định cho 3 lao động, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.

Từ những luống lan huệ, chị Đinh Thị Ngọc không chỉ ổn định kinh tế mà còn xây dựng được tổ ấm vững vàng bằng chính nỗ lực không ngừng.

Quý Đôn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/co-gai-pho-nui-va-giac-mo-lan-hue-c752716/
Zalo