Cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước giống như một 'chiếc áo quá chật'

Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Thiếu quy định về vai trò tiên phong của doanh nghiệp

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, hiện nay, cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước giống như một "chiếc áo quá chật" không phù hợp với yêu cầu đổi mới và phát triển. Trước đây, các doanh nghiệp tư nhân khao khát có được những ưu đãi như doanh nghiệp Nhà nước, giờ đây, các doanh nghiệp Nhà nước lại mong muốn có cơ chế linh hoạt như doanh nghiệp tư nhân để cạnh tranh bình đẳng.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu đề cập đến vấn đề lớn là quản lý tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước. Lịch sử đã cho thấy nhiều trường hợp thất thoát tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. Khi Nhà nước kiểm soát chặt chẽ từng hành vi của doanh nghiệp, điều này có thể dẫn đến sự trì trệ, giảm tính cạnh tranh và khả năng sáng tạo. Ngược lại, nếu quản lý quá lỏng lẻo, nguy cơ làm liều, làm sai vẫn có thể xảy ra.

Vì vậy, theo đại biểu, cần một cách tiếp cận mới là chuyển từ quản lý hành vi cụ thể sang đánh giá mục tiêu tổng thể. Ví dụ, một số quyết định kinh doanh có thể mắc sai lầm nhỏ nhưng nếu tổng thể doanh nghiệp đạt được chỉ tiêu và nhiệm vụ đề ra, thì không nên truy cứu trách nhiệm cá nhân quá mức.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)

Đại biểu cũng cho rằng, trong Dự thảo Luật thiếu quy định về vai trò tiên phong, đi trước mở đường của doanh nghiệp Nhà nước như: lĩnh vực công nghệ số, công nghiệp phụ trợ, hàng nhập khẩu. "Nếu chỉ giao về lợi nhuận đơn thuần cho doanh nghiệp Nhà nước thì sẽ không đạt được mục tiêu mang tính thay đổi, gia tăng cho Nhà nước, cho nền công nghiệp" - đại biểu Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.

Doanh nghiệp đổ vỡ khó quy trách nhiệm

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhấn mạnh, Luật số 69/2014/QH13 (Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp) đưa ra các quy định quản lý rất chặt chẽ nhưng không rõ trách nhiệm.

Quy định này dẫn đến các doanh nghiệp Nhà nước gần như mất quyền chủ động trong việc quyết định các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn bản thân mình có. Việc này cũng khiến doanh nghiệp Nhà nước bị ảnh hưởng tới kết quả sản xuất.

Đại biểu cho rằng, mặc dù quy định chặt chẽ như vậy nhưng vẫn xảy ra tình trạng thất thoát tài sản, tiền vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp không phải ít. Như vừa qua một số tập đoàn, tổng công ty bị đổ vỡ.

Quang cảnh thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Quang cảnh thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

"Khi đổ vỡ chúng ta mới có biện pháp chứ không chấn chỉnh, không nắm được từ trước. Sau đó việc quy trách nhiệm cũng không phải dễ. Vì vậy, đây là điều cần thay đổi trong luật sửa đổi lần này" - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu.

Theo đại biểu, hiện đang có sự lẫn lộn giữa quyền quản lý Nhà nước, quản lý của đại diện chủ sỡ hữu và quản lý của doanh nghiệp. Đây là 3 chủ thể khác nhau nhưng lại bị lẫn lộn khiến việc quy trách nhiệm sẽ không hiệu quả, không biết do đâu.

"Quy trách nhiệm thất thoát do đâu cũng không biết, cũng không thể phân định được. Nếu không quy định rõ thì không trao được quyền, quy được trách nhiệm", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tại thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tại thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nêu vấn đề về vai trò, trách nhiệm của Ủy ban vốn trong Dự thảo Luật. Theo đại biểu, Ủy ban vốn sẽ làm gì vì, nếu vốn sở hữu trên 50% thì đã có bộ, ngành, địa phương quản lý. Theo tinh thần tinh gọn thì quy định Ủy ban vốn quản lý những phần không ai quản lý. Còn cơ bản những doanh nghiệp khác mà do Trung ương hoặc địa phương quản lý, họ có nhiệm vụ trọng tâm về mặt quản lý Nhà nước cho các doanh nghiệp đó; họ toàn quyền quyết định chiến lược phát triển về con người.

Vì thế, đại biểu cho rằng, trong thời gian tới cần xem xét lại tổ chức bộ máy, hoạt động, lĩnh vực quản lý của Ủy ban vốn. Quan trọng hơn cả là tạo ra sân chơi giữa doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước phải đồng đều.

Thịnh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-che-quan-ly-doanh-nghiep-nha-nuoc-giong-nhu-mot-chiec-ao-qua-chat.html
Zalo