Cơ chế đặc thù cho Nghệ An và kỳ vọng 'đánh thức' những lĩnh vực tiềm năng

Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Các cơ chế, chính sách được kỳ vọng sẽ là cơ sở để địa phương vươn lên bứt phá, phát triển xứng tầm với tiềm năng.

Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Hiếu - Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh nội dung này.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại Kỳ họp thứ 7. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại Kỳ họp thứ 7. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Mekong ASEAN: Đến nay đã có 10 tỉnh, thành được Quốc hội “trao” cơ chế, chính sách đặc thù. Theo đánh giá của ông, hiệu quả của các chính sách này thời gian qua như thế nào, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư?

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu: Việc Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho 10 tỉnh, thành phố được đánh giá là bước đột phá quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương này. Sau một thời gian triển khai, các chính sách đặc thù đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Về phát triển kinh tế, 10 tỉnh, thành phố có cơ chế đặc thù đều có mức tăng trưởng kinh tế cao trong những năm gần đây, ví dụ như trong năm 2023, thành phố Hải Phòng có mức tăng trưởng khoảng 10,34%, Thanh Hóa là 7,01%, Nghệ An là 7,14%..., đều cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số lượng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại 10 địa phương này cũng tăng đáng kể. Các chính sách đặc thù đã góp phần tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao đời sống người dân.

Đặc biệt, các chính sách đặc thù đã giúp cải thiện môi trường đầu tư theo hướng tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Các địa phương được hưởng chính sách đặc thù được áp dụng nhiều ưu đãi về thuế, phí, đất đai... so với các địa phương khác, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Đồng thời thu hút đầu tư vào nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, thúc đẩy sự phát triển đa dạng của nền kinh tế. Nhờ đó, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào 10 địa phương này cũng tăng mạnh. Điển hình như năm 2023, Nghệ An thu hút vốn đầu tư FDI đạt gần 1,6 tỷ USD, dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và lần đầu tiên lọt Top 10 cả nước.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế, bên cạnh những hiệu quả tích cực, việc triển khai các chính sách đặc thù cũng gặp một số hạn chế. Hiệu quả của các chính sách đặc thù giữa các địa phương còn chênh lệch nhau, một số địa phương chưa phát huy hết tiềm năng. Quy trình thủ tục giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư tại một số địa phương còn rườm rà, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Năng lực quản lý Nhà nước về đầu tư của một số địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.

Nghệ An đã được Quốc hội trao thêm các cơ chế đặc thù để phát triển. Ảnh: Hồ Phương

Nghệ An đã được Quốc hội trao thêm các cơ chế đặc thù để phát triển. Ảnh: Hồ Phương

NGHỆ AN CÓ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Mekong ASEAN: Là đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An, ông có trăn trở gì với việc phát triển kinh tế của tỉnh hiện nay? Với các cơ chế, chính sách đặc thù cho Nghệ An lần này, ông đánh giá đã đủ sức để thu hút các nguồn vốn lớn đầu tư vào tỉnh chưa?

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu: Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đứng thứ tư, với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế như nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, có bờ biển dài, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào... Tuy nhiên, kinh tế Nghệ An còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác trong khu vực; cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ còn thấp; thu nhập bình quân đầu người dưới mức trung bình chung của cả nước. Đặc biệt, các huyện miền Tây Nghệ An là địa bàn vùng sâu, vùng xa, còn rất nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông kém phát triển, nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Nghệ An luôn trăn trở về việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà như làm thế nào để khai thác hiệu quả tiềm năng, đưa Nghệ An phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nghiên cứu các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Ảnh: Hồ Phương

Ảnh: Hồ Phương

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 36 năm 2021 thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho Nghệ An, tuy nhiên qua 2 năm thực hiện nhưng chưa đủ động lực để đưa Nghệ An phát triển. Năm 2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39 với yêu cầu cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Nghệ An, nâng cao đời sống của người dân. Do đó khi thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình cao với việc bổ sung thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Nghệ An.

Chính vì vậy, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An rất vui mừng về những cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép thí điểm trong thời gian vừa qua cũng như vừa được bổ sung tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV này. Tôi cho rằng có nhiều lý do để tin tưởng những chính sách này sẽ góp phần tích cực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư.

Chẳng hạn trong việc quản lý đầu tư, tỉnh Nghệ An được thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; được tăng tỷ lệ vốn Nhà nước trong các dự án PPP lên không quá 70% trong một số lĩnh vực và địa bàn nhất định; được thực hiện hình thức hợp đồng BT đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống điện chiếu sáng, bãi đỗ xe, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường.

Tỉnh Nghệ An cũng được quyết định việc tách riêng dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công đối với chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B thuộc một số lĩnh vực cụ thể.

Mekong ASEAN: Ông nhận thấy đâu là những lĩnh vực tiềm năng của Nghệ An mà qua thu hút đầu tư có thể thực sự tạo chuyển biến cho địa phương?

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu: Nghệ An sở hữu nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, với nhiều lĩnh vực hứa hẹn thu hút đầu tư và tạo chuyển biến mạnh mẽ cho địa phương. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, tôi cho rằng có một số lĩnh vực cần được tập trung "đánh thức" qua thu hút đầu tư như việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nghệ An có diện tích đất nông nghiệp lớn, điều kiện khí hậu đa dạng, thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

Đi cùng với đó là các dự án chế biến nông sản để tận dung nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào, đa dạng. Việc phát triển chế biến nông sản sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm cho người dân địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Trong lĩnh vực này, những bài học kinh nghiệm của tỉnh Sơn La trong thời gian vừa qua là rất đáng học hỏi để phát triển nông nghiệp ở tỉnh Nghệ An.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Nghệ An có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí sản xuất thấp, là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ góp phần tạo chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chủ lực.

Đặc biệt Nghệ An cũng có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam, là điểm kết nối quan trọng giữa các tỉnh thành phố trong khu vực. Do vậy, cùng với việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, việc phát triển dịch vụ logistics sẽ giúp thu hút các doanh nghiệp logistics đến đầu tư, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cần nhấn mạnh về tiềm năng con người của Nghệ An. Từ xưa đến nay, Nghệ An luôn được biết đến như là một vùng đất học, có nhiều thành tích trong giáo dục và đào tạo. Đây là tiềm năng quan trọng, cần được khơi gợi và phát huy trong bối cảnh nhu cầu về chất lượng lao động có trình độ cao ngày càng lớn để phục vụ cho việc phát triển khoa học và công nghệ.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu

NHÂN RỘNG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CẦN GẮN VỚI ĐIỀU KIỆN MỖI ĐỊA PHƯƠNG

Mekong ASEAN: Theo đại biểu, có nên nhân rộng cơ chế đặc thù tới các địa phương khó khăn không? Nếu có, ông có những đề xuất gì để các chính sách thực sự có hiệu quả?

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu: Các cơ chế đặc thù đối với Nghệ An và một số tỉnh, thành phố khác đang được thực hiện với tính chất là các chính sách thí điểm. Vì vậy, tôi cho rằng cần có thời gian thực hiện để tổng kết, đánh giá cụ thể trước khi được triển khai ở các tỉnh, thành phố khác. Đặc biệt, khi có chủ trương nhân rộng thì cần nghiên cứu kỹ, xem xét kỹ lưỡng về các điều kiện cụ thể của các địa phương trước khi triển khai áp dụng.

Cụ thể, cần đánh giá kỹ lưỡng tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương, trong đó xác định những điểm yếu, điểm mạnh và tiềm năng phát triển của địa phương đó. Xác định rõ nhu cầu phát triển của từng địa phương, từ đó xây dựng các cơ chế đặc thù phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đánh giá khả năng thực thi của từng địa phương, đảm bảo rằng có đủ năng lực để sử dụng hiệu quả các cơ chế đặc thù. Đồng thời, cần đánh giá tác động của việc áp dụng cơ chế đặc thù đối với các địa phương khác, đảm bảo rằng việc áp dụng các cơ chế đặc thù của từng địa phương có sự hài hòa, đồng bộ với các cơ chế, chính sách chung trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/co-che-dac-thu-cho-nghe-an-va-ky-vong-danh-thuc-nhung-linh-vuc-tiem-nang-30703.html
Zalo