Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Chính phủ luôn có những động thái bảo vệ doanh nghiệp, người dân và chính sách cơ cấu nợ là điều mà cả doanh nghiệp, người dân và ngân hàng đều rất mong chờ.

Trong sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các tổ chức kinh tế và người dân luôn nhận được hỗ trợ và tạo điều kiện về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để phát triển. Đặc biệt, mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn do khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh… sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển từ Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương càng thể hiện rõ nét.

Đúng như vậy, từ trước đến nay, Chính phủ luôn có những động thái bảo vệ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong các tình huống nguy cấp như cơn siêu bão Yagi vừa qua và Quyết định số 1510 là một trong những chính sách tín dụng mang đậm ý nghĩa nhân văn.

Tuần qua, dưới sự đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1510/QĐ-TTg, ngày 4/12/2025, về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 (bão Yagi). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định của pháp luật trước thời điểm xảy ra thiên tai đối với khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ của các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3.

Khung cảnh nhà xưởng đổ nát của một doanh nghiệp tại Hải Phòng sau bão Yagi. Ảnh: Bùi Nhung

Khung cảnh nhà xưởng đổ nát của một doanh nghiệp tại Hải Phòng sau bão Yagi. Ảnh: Bùi Nhung

Ngay sau Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 53/2024/TT-NHNN, ngày 4/12/2024, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3. Thời gian cơ cấu nợ đến hết năm 2025.

Theo nội dung Thông tư, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với nợ gốc và lãi đối với khách hàng tại 26 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3. Các tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét cơ cấu số dư nợ gốc và lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính có số dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7/9/2024 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 7/9/2024 đến 31/12/2025.

Các tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ được thực hiện từ ngày 4/12/2024 đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31/12/2027.

Cùng đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Quyết định số 1510 của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể khẳng định, việc cho phép các ngân hàng giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi góp phần hỗ trợ, giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện để khách hàng có thể tiếp cận vốn vay mới, có thêm năng lực để khôi phục lại sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sau thảm họa thiên tai.

Đến ngày 31/10, các ngân hàng thương mại đã thực hiện cho vay mới theo chương trình ưu đãi với doanh số lũy kế khoảng 27.000 tỷ đồng. Ảnh: Duy Minh

Đến ngày 31/10, các ngân hàng thương mại đã thực hiện cho vay mới theo chương trình ưu đãi với doanh số lũy kế khoảng 27.000 tỷ đồng. Ảnh: Duy Minh

Dưới góc độ tài chính, quyết định này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của các ngân hàng?

Theo quy định, thì các ngân hàng chia các món nợ họ cho vay ra thành 5 nhóm: Nhóm 1 - nợ đủ tiêu chuẩn; nhóm 2 - nợ cần chú ý; nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn; nhóm 4 - nợ nghi ngờ; nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn. Căn cứ vào thời gian quá hạn, với mỗi nhóm, các ngân hàng phải trích lập dự phòng theo tỷ lệ tương đương. Đặc biệt, quá hạn 90 ngày khoản vay bị xếp vào nợ xấu.

Đối với ngân hàng, các khoản nợ cho vay quá hạn họ phải trích ra một tỷ lệ dự phòng tương ứng để đề phòng cho các khoản nợ không được trả đủ.

Chính sách cơ cấu nợ là điều mà cả doanh nghiệp, người dân và ngân hàng đều rất mong chờ. Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, với việc doanh nghiệp tiếp tục được cơ cấu nợ qua đó sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị bớt áp lực về mặt dòng tiền, sẽ đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh và phục hồi sau bão. Cơ cấu nợ tức là khoản nợ vẫn còn đó, chỉ là ngân hàng chưa thu và doanh nghiệp vẫn có cơ hội được vay các khoản vay mới.

“Ở góc độ quản trị, hoạt động này sẽ làm tăng chi phí cho tổ chức tín dụng như: Chi phí trích lập dự phòng rủi ro; và giảm thu nhập để chia sẻ cùng doanh nghiệp người dân. Tuy nhiên trên hết, sẽ mang lại lợi ích và mục tiêu chung là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, từ đó hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này, mang đậm ý nghĩa nhân văn của chính sách, là sự sẻ chia của ngành Ngân hàng trong những lúc khó khăn của doanh nghiệp và người dân” - vị lãnh đạo cho hay.

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, bão Yagi đã ảnh hưởng tới 94 nghìn cá nhân và doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, với tổng số tiền vay khoảng 165.000 tỷ đồng. Con số này tương đương với hơn 1% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối quý 3 vừa qua. 165.000 tỷ đồng cũng tương đương với quy mô toàn bộ khoản cho vay của ngân hàng tầm trung như MSB vào cuối quý 3 và cao hơn tới 14 ngân hàng trên tổng số 29 ngân hàng công bố báo cáo tài chính trên sàn chứng khoán.

Để hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, bên cạnh việc cơ cấu nợ, Ngân hàng Nhà nước cũng có chỉ đạo với các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đồng thời, cân đối nguồn vốn của mình để đưa ra các gói tín dụng. Đến nay, có 35 ngân hàng thông báo quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Tính đến ngày 31/10, các ngân hàng thương mại đã thực hiện cho vay mới theo chương trình ưu đãi với doanh số lũy kế khoảng 27.000 tỷ đồng và hạ lãi suất cho các khoản vay hiện hữu với dư nợ được giảm lãi suất khoảng 82.000 tỷ đồng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh hoãn, giãn, cơ cấu nợ cho người dân, doanh nghiệp, cần thêm các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển, có khả năng trả nợ trong tương lai, như tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh; giảm gánh nặng chi phí; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-cau-no-cho-khach-hang-bi-thiet-hai-boi-bao-so-3-chinh-sach-tin-dung-dam-y-nghia-nhan-van-363783.html
Zalo