Chuyện về những người thương binh 'tàn nhưng không phế'

Tháng Bảy, tháng của tri ân. Và trong những ngày đầy xúc cảm này, chúng tôi có dịp gặp gỡ hai thương binh, hai số phận khác nhau nhưng cùng tỏa sáng chung một phẩm chất: 'Thương binh tàn nhưng không phế'.

Ông Nguyễn Hồng Tân (đeo kính) tặng quà cho hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn

Ông Nguyễn Hồng Tân (đeo kính) tặng quà cho hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn

Người lính già với những năm tháng không ngơi nghỉ

Trong ngôi nhà nhỏ ở xã Đồng Kho (tỉnh Lâm Đồng), ông Nguyễn Hồng Tân người lính năm xưa của các đơn vị C1, D1, E70, F27 vẫn giữ dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát dù ở tuổi 75 và mang trên mình nhiều thương tật.

Chỉ mới 14 tuổi, tôi đã xin đi làm du kích. Bấy giờ mẹ buồn lắm, nhưng tôi nói: "Nước mất thì nhà cũng chẳng còn"

ông Tân nhớ lại, giọng trầm ấm, đôi mắt ánh lên sự tự hào

Gần mười ba năm chiến đấu qua nhiều đơn vị, từ Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đến chiến trường Trường Sơn, rồi hậu cần Quân khu 3. Những năm tháng tham gia cách mạng với nhiều thương tật trên mình, tháng 2 năm 1977 ông Tân được xác nhận thương binh hạng 4/4A và Bệnh binh 61% và được giải quyết nghỉ chế độ; được phong quân hàm Đại úy. Ghi nhận công lao cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho ông Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất; Huân chương kháng chiến hạng Nhất; Chiến sĩ thi đua quyết thắng và Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3.

Nhưng cuộc chiến của ông chưa dừng lại. Từ khi về xã Huy Khiêm (nay là xã Đồng Kho), ông Tân tiếp tục xắn tay áo, làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, rồi Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyện Tánh Linh (cũ) suốt 15 năm. “Mỗi một mái nhà dựng lên cho đồng đội là một món nợ ân tình tôi được trả” – ông nói, khi kể về hơn 50 căn nhà tình nghĩa mà ông vận động xây dựng với tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng ngàn phần quà tết, quà tri ân 27/7 cũng được ông cùng Hội chuyển đến các hội viên khó khăn.

Ngày 1/7/2025, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp tỉnh – xã, Hội Trường Sơn nơi ông đảm trách kết thúc hoạt động. Ông nhẹ nhàng: “Tôi vui vẻ nhận quyết định. Nhưng tinh thần bộ đội Cụ Hồ thì vẫn còn ở đây”, ông vừa nói vừa đặt tay lên ngực trái.

Nữ thương binh và gian hàng nghĩa tình

Cách xã Tánh Linh, xã Hàm Liêm, một vùng đất cách mạng kiên trung của tỉnh là nơi bà Võ Thị Chức (SN 1946), nữ thương binh 3/4 đang sống và tiếp tục những việc làm đầy nghĩa tình. 80 tuổi, nhưng dáng người bà vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, giọng cười giòn tan. Bà kể: “Thời đó, ba với hai anh lần lượt hy sinh. Tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì, thấy việc nước là lên đường thôi, coi như nối tiếp truyền thống của gia đình”.

Bà Võ Thị Chức bên cửa hàng tạp hóa của mình

Bà Võ Thị Chức bên cửa hàng tạp hóa của mình

Chiến tranh ác liệt, năm 1972 bà bị bắt, tra khảo, tù đày nhưng không hé nửa lời. Trở về quê nhà với thương tật 45%, bà bắt tay gây dựng lại cuộc sống từ hai bàn tay trắng. Tận dụng khoản trợ cấp thương binh, bà mở một quán tạp hóa nhỏ.

Cần cù, chắc chiêu, dần dà cửa hàng của bà trở thành điểm kinh doanh lớn nhất nhì xã, cung cấp hàng hóa giá sỉ, tạo thu nhập ổn định.

Khi kinh tế ổn định, bà Chức tiếp tục sống nghĩa tình như một lẽ tự nhiên. “Anh em đồng đội nằm xuống cả rồi, mình may mắn được sống, thì phải sống sao cho xứng đáng với họ” - bà nói, giọng đầy xúc động. Theo đó, bà cùng con trai mở một góc chợ gọi là chợ Tân Nông để người nghèo buôn bán. Bà đã tích cực tham gia đóng góp đi đầu trong phong trào làm đường bê tông và đóng góp hỗ trợ cho các hoạt động của thôn như hỗ trợ tiền thường xuyên cho hoạt động của Đội Dân phòng thôn 1 và thôn 2 mỗi năm 3,5 triệu đồng (2016 đến nay). Đặc biệt trong việc làm theo gương Bác bà đã đặt thùng tiền từ thiện tại nhà, vận động khách hàng đóng góp để hàng tháng cùng Hội Chữ thập đỏ xã đem cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn... Đặc biệt, suốt hơn 10 năm, bà âm thầm nhận đỡ đầu 5 người già neo đơn, trẻ mồ côi và trao học bổng cho học sinh nghèo. “Không phải cứ cầm súng mới gọi là yêu nước. Sống tử tế, sống nghĩa tình, đó cũng là một cách yêu nước” - bà nói.

Có thể nói, những người thương binh như ông Tân, bà Chức… không chỉ là những nhân chứng sống của chiến tranh, mà còn là những tấm gương sáng trong thời bình. Tháng Bảy, chúng ta nhớ về họ không chỉ để tri ân, mà còn để nhắc nhau sống tử tế, sống nghĩa tình như cách mà họ đã và đang sống.

Thanh Nhàn

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-383319.html
Zalo