Chuyện kể từ Đồng Lách (Bài 1): 'Chạm' vào quá khứ
Cuối năm 2017, đánh dấu bước ngoặt quan trọng ở Đồng Lách - thôn có điện. 'Vậy là đã gần 10 năm, Đồng Lách có điện'. Người dân Đồng Lách đến giờ vẫn luôn nhắc đi nhắc lại 'sự kiện' này.

Gần 10 năm nay, học sinh thôn Đồng Lách đã được học bài dưới ánh đèn điện.
Một thời... đèn dầu
Cũng phải thôi, trong tổng số 284 thôn của huyện Tĩnh Gia lúc bấy giờ thì Đồng Lách là thôn cuối cùng có điện. Không nhắc, không nhớ sao được.
Đồng Lách trước đây thuộc xã Tân Trường (nay là xã Trường Lâm, tỉnh Thanh Hóa), một thôn đặc biệt khó khăn với 100% là đồng bào dân tộc Thái. Đồng Lách nằm bao quanh bởi núi đá vôi. Đặc biệt, Đồng Lách “sát vách” với xã Tân Thắng (nay là xã Quỳnh Thắng, tỉnh Nghệ An). Vậy nên, khi “chạm” vào quá khứ, người dân thôn Đồng Lách lúc này vẫn thảng thốt: “Buổi tối, Đồng Lách chỉ đèn dầu còn nhìn sang Tân Thắng điện sáng trưng”.
“Thèm” điện lắm chứ. Thứ ánh sáng nhờ nhờ của đèn dầu so sao bằng bóng điện. “Thèm” mà không biết làm gì, chỉ ước ao điện sớm về Đồng Lách.
Ngày ấy, cả thôn có chiếc tivi đen trắng duy nhất là của gia đình anh Phạm Văn Xuân. Nhưng không có điện thì làm gì xem được tivi. Anh Xuân đã “sáng tạo” tận dụng chiếc máy cày làm phương tiện phát điện. Anh kể lại: “Tôi mua chiếc tivi đấy dưới huyện, cũng là chiếc tivi đầu tiên ở thôn. Có những buổi chiều, từ khoảng 17h, chưa kịp ăn cơm, bà con đã kéo đến kín sân để xem. Cả dân làng tôi đã cùng xem như thế trong 8 năm, cho đến khi thôn có điện vào cuối năm 2017”.

Một gia đình quây quần xem tivi.
Thời nghèo khó, điện chưa có, học sinh đến trường vào mùa nắng nóng, mỗi em mang đến lớp hoặc chiếc quạt giấy hoặc chiếc mo cau. Gần 30 năm công tác ở Trường Tiểu học Tân Trường, trong đó hơn 15 năm đứng lớp ở điểm trường Đồng Lách, nhớ lại những năm tháng không điện, thầy giáo Lê Văn Hà vẫn còn ngậm ngùi: “Vất vả lắm. Ngày nóng, học sinh dùng quạt tay, đôi khi tiếng quạt còn át cả tiếng giảng bài của thầy cô. Cũng có một số học sinh đến lớp không có quạt, giáo viên sau đó lại mua tặng”.
Ở hiện tại “chạm” vào quá khứ, nơi đấy, bao nhiêu kỷ niệm, bấy nhiêu nỗi niềm. Điện giờ đã sáng bừng thôn, mở ra “trang mới” với Đồng Lách...
“Như hoa nở trong lòng”
“Ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Dậu, khi chỉ còn 6 ngày nữa đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất - 2018 thì Đồng Lách, thôn cuối cùng của xã, của huyện có điện. Chúng tôi mừng vui biết bao nhiêu. Tết năm đấy, thêm mấy nhà có tivi, nhà có điều kiện hơn thì mua sắm cả tủ lạnh...”, ông Hà Văn Long, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Đồng Lách phấn chấn kể lại.
Không chỉ có ông Long mà nhiều người dân Đồng Lách vẫn còn nhớ như in thời gian điện về thôn nghèo. Điện về, như cách nói vui của bà Dụ, một công dân của Đồng Lách, rằng: “Nhờ có điện mà người lúc nào cũng tươi như hoa, nhà lúc nào cũng ngập ánh sáng”.
Cuộc sống của 123 hộ dân Đồng Lách cũng thay đổi từ đây. Đèn điện thay thế đèn dầu. Hiện, 100% số hộ có tivi, tủ lạnh khoảng 30%, giếng khoan gần 20 cái... Trước khi chưa có điện, Đồng Lách chỉ 3 hộ có máy xát, sau này, khi điện về, thôn có thêm gần 10 cái.

Người dân Đồng Lách dùng điện chạy máy xay xát.
Trong thôn, nhà bà Vi Thị Lá có máy xát đầu tiên. Vì điện thời điểm đấy chưa có nên nhà bà phải dùng máy nổ. Bà hồ hởi nói: “Máy nổ thì phải dùng sức người, phải quay vài vòng mới nổ. Đàn bà tay yếu, không quay được đâu. Giờ thì dùng điện 3 pha, sử dụng cầu dao rất thuận tiện”.
Ngày hè, khách đến chơi, nhà nào có tủ lạnh cũng mang ra một chai nước lọc mát mời khách. Và trường học của con trẻ, tất nhiên, quạt điện cũng đã đủ đầy. Nhà văn hóa, nổi bật với chiếc tivi 40 inch...
Điện về Đồng Lách, chuyện kể bao giờ mới hết. Điện về mang theo ánh sáng, nâng cao đời sống người dân vùng khó...
Điện về, chẳng còn tủi hổ, tủi thân... Lại nhớ chia sẻ của bí thư chi bộ thôn Đồng Lách, ông Vi Văn Dũng: “Không có điện, người dân trong thôn rất thiệt thòi, đời sống dường như tối tăm. Những chiếc đèn dầu chẳng thể cứu rỗi bản nghèo. Ngày nào bà con cũng mong chờ, hy vọng. Điện về, như hoa nở trong lòng...”.
Có điện là một bước ngoặt lớn ở Đồng Lách. Vì sao ư? Vì trước đó, những hứa hẹn để thôn nghèo có điện vẫn chưa thể thực hiện. Vậy nên, bà con cứ hy vọng lại thất vọng... Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã khó chồng khó, trong khi đó lại thiếu nguồn sáng thì còn khổ nào cho bằng!?
Điện về... Phải rồi, “như hoa nở trong lòng”. Và tất nhiên, cuộc sống của thôn đặc biệt khó khăn cũng bắt đầu thay đổi từ khi có điện, là thay đổi tư duy, thay đổi những chật hẹp, tù túng... “Có làm thì mới có ăn”, tinh thần ấy, niềm tin ấy đã “thổi bùng” khát vọng thoát nghèo. Đồng Lách, hẳn đã đổi thay?.