Chuyên gia Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm tích hợp giữa văn hóa và công nghệ

Ngày 25/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm 'Thực tiễn đổi mới thông qua sự tích hợp giữa văn hóa và công nghệ tại Trung Quốc' dưới sự trình bày của GS.TS Yong Xiang - Viện Công nghiệp Văn hóa, Trường Đại học Bắc Kinh.

Tham dự Tọa đàm, về phía Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam có Tiến sĩ Hoàng Thị Bình và PGS.TS Phạm Lan Oanh – Phó Viện trưởng; Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm phát triển Công nghiệp Văn hóa và Nghệ thuật đương đại; các cán bộ, nghiên cứu viên và nghiên cứu sinh của Viện.

GS.TS Yong Xiang chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Phương Lan)

GS.TS Yong Xiang chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Phương Lan)

Các chuyên gia Trung Quốc gồm: PGS Chen Yan - Trưởng Khoa Nhạc cụ, Trường Âm nhạc, Đại học Truyền thông Thiên Tân; PGS Tu Ya, Viện Nghệ thuật Nội Mông; Bà Du Yi - Phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Đại Lý, Vân Nam; Tiến sĩ Zhao MingWei - Chuyên ngành Quản lý công nghiệp văn hóa, Đại học Sư phạm Mầm non Thiểm Tây; Ông Xiang FangXun - Chủ tịch Tập đoàn Trí tuệ kỹ thuật số Hướng Thượng Chiết Giang; Nghiên cứu sinh Wei Xixiao của Học viện Nghệ thuật thuộc Đại học Bắc Kinh;

Đại biểu khách mời có ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả.

Tại Tọa đàm, GS.TS Yong Xiang đã chia sẻ về thực tiễn đổi mới thông qua sự tích hợp giữa văn hóa và công nghệ tại Trung Quốc thông qua bốn nội dung chính: Đặc trưng thời đại của đổi mới tích hợp; Quản trị chính sách đổi mới tích hợp; Thách thức và cơ hội của đổi mới tích hợp; Triển vọng tương lai của đổi mới tích hợp.

GS.TS Yong Xiang đã nêu bật tầm quan trọng cũng như mối quan hệ giữa giữa văn hóa và khoa học công nghệ. Minh họa cho mối quan hệ thú vị này, ông đã lấy ví dụ về sự phất triển của game Hắc Thần Thoại: Ngộ Không - một trò chơi hành động nhập vai (ARPG) lấy bối cảnh từ một trong Tứ đại danh tác Tây Du Ký của Trung Quốc.

Sự kết hợp giữa văn hóa và khoa học kỹ thuật đã khiến cho sự bùng nổ game này tại Trung Quốc và mang lại doanh thu rất lớn, không chỉ cho ngành công nghiệp game mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa có liên quan.

Một số ví dụ khác như dự án Bảo tàng kỹ thuật số ứng dụng công nghệ thực tế ảo quét 3D và mô hình hóa; dự án Số hóa văn hóa truyền thống…

Tiến sĩ Hoàng Thị Bình tặng quà GS.TS Yong Xiang. (Ảnh: Phương Lan)

Tiến sĩ Hoàng Thị Bình tặng quà GS.TS Yong Xiang. (Ảnh: Phương Lan)

Một số phương thức quản trị chính sách trong tích hợp đổi mới sáng tạo cũng được ông Yong Xiang chia sẻ chi tiết tại Tọa đàm như: Chính sách thay đổi thúc đẩy sự tích hợp; Ưu đãi tài chính hỗ trợ; Hệ thống chính sách hoàn thiện; Hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước và hàng loạt chính sách thúc đẩy sự kết hợp sâu rộng giữa văn hóa và công nghệ, xây dựng môi trường chính sách thuận lợi được chính phủ Trung Quốc ban hành.

Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2035, đạt được mức độ phát triển số hóa đứng đầu thế giới và đạt được thành tựu lớn trong xây dựng "Digital China".

Bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào văn hóa, Chính phủ Trung Quốc còn thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi các đơn vị văn hóa quốc hữu sang doanh nghiệp công nghiệp văn hóa với các chính sách thúc đẩy sự tích hợp; chính sách ưu đãi tài chính; chính sách hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước; xây dựng các quỹ hỗ trợ công nghiệp văn hóa…

Nhờ đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp văn hóa có quy mô ở Trung Quốc đạt 7.7%, từ đó xuất hiện thêm các hình thái văn hóa mới.

Buổi Tọa đàm đã kết thúc thành công, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và học hỏi giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực tích hợp văn hóa và công nghệ.

Những chia sẻ sâu sắc và chi tiết của GS.TS Yong Xiang đã giúp các đại biểu Việt Nam nắm bắt được những xu hướng và chiến lược đổi mới hiện đại, từ đó có thể áp dụng vào thực tiễn quản lý và phát triển văn hóa trong nước.

Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Phương Lan)

Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Phương Lan)

Thay mặt Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Thị Bình đã gửi lời cảm ơn chân thành đến GS.TS Yong Xiang và đoàn đại biểu khách mời. Phó Viện trưởng bày tỏ hy vọng về những buổi tọa đàm, hợp tác quốc tế tương tự trong tương lai.

Bà cũng nhấn mạnh vai trò của sự đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao giá trị văn hóa, đồng thời khẳng định quyết tâm của Viện trong việc thúc đẩy sự tích hợp giữa văn hóa và công nghệ, nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Phương Lan

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-trung-quoc-chia-se-kinh-nghiem-tich-hop-giua-van-hoa-va-cong-nghe-295148.html
Zalo